Các nhân chứng bất bình trước sự đồi bại của kẻ đồi bại...
Người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Trần Thị H - chủ nhà trọ nạn nhân đang thuê ở và cũng chính là nhân chứng bắt quả tang sự việc đau lòng đã diễn ra vài ngày trước.
Câu đầu tiên chúng tôi đặt nghi vấn là có hay không vụ ông Thái Khai A (80 tuổi) giở trò đồi bại với cụ Nguyễn Thị M (83 tuổi) thì bà H đứt khoát: "Chính tôi chứng kiến và bắt tận tay đây sao lại không có. Đau lòng lắm cô ơi", vẫn chưa hết bàng hoàng, bà H cho biết.
Bà H kể rằng, vào khoảng 7h sáng ngày 12/4/2012, bà H thấy ông A đi xe đạp tới phòng bà M chơi như mọi ngày (phòng trọ bà M ở liền với gia đình bà H). Vì ông A là chỗ thân quen nên việc ông tới thăm bà M là chuyện bình thường, ai cũng biết. "Ông A từ trước đến nay sống chan hòa, nghiêm túc với bà con lối xóm nên được mọi người rất kiêng nể", bà H nhận xét.
Bà kể tiếp: "Sáng hôm ấy, thấy ông ấy vào thăm bà M lâu quá, tôi sinh nghi vì nhiều lần tôi thấy cảnh ông A sờ nắn, xoa bóp chân tay cho bà M trong chòi. Tôi có nói lại với vợ chồng cô Nguyễn Thị Bé Năm (con gái út cụ M) sự khác thường ở mối quan hệ hàng xóm của ông A.
Khi tôi nói điều sinh nghi của mình trong lúc hai vợ chồng cô Năm đang sửa soạn đi làm. Tôi cùng Bé Năm liền xuống chòi xem thì tấm rèm cửa chòi bà M mỗi buổi sáng được kéo ra để đón ánh nắng mặt trời bỗng hôm nay bị kéo kín lại. Bà Bé Năm đi tới kéo rèm ra thì hỡi ôi, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra... Bà Bé Năm đứng như trời trồng, hét lên thật lớn.
Nghe thấy tiếng hét, ông Tư (chồng chị Năm) trong nhà chạy ra nhìn thấy cảnh đó cũng không thể tin vào mắt mình. Ba người chúng tôi chỉ biết nhìn nhau chua xót, đau đớn".
Kể xong, bà H dẫn chúng tôi sang phòng trọ vợ chồng ông Tư. Bà chỉ tay về phía đống sắt vụn ngổn ngang nơi có một bóng người đang dầm mình dưới nắng phân loại đồng nát.
Đó là ông Tư, chồng bà Nguyễn Thị Bé Năm, con rể cụ M. ông Tư không giấu được cảm xúc khi chúng tôi gợi lại chuyện đau lòng vừa qua: "Có nằm mơ tôi cũng không ngờ rằng trước mắt tôi lại là cảnh tượng kinh hoàng ấy.
Lúc đó, tôi không biết xử lý làm sao, đành đi vào trong nhà để bà H và vợ tôi mặc quần áo lại cho mẹ. Mẹ mình già cả lại bại liệt nửa người, sống đời thực vật như vậy mà ông A thường xuyên qua lại thăm nom nghĩ ông ấy có lòng tốt, thương bả, thương vợ chồng tôi ai ngờ ông ấy lại giở trò đồi bại với bả".
Bị bắt quả tang tại trận, mọi người nói sao ông già rồi mà lại đi làm cái việc đó với bà M. Ông già này còn lớn tiếng với vợ chồng ông Tư: "Bả không nói thì thôi sao chúng mày nói. ừ thì tao có lỗi, tao xin lỗi. Tao hứa lần sau sẽ không làm thế với bà M nữa".
Ông Tư bức xúc nói: " Vì ông ấy tuổi cao sức yếu chứ vào hàng U60 là tôi cho vài cái bạt tai rồi. Ai đời giở trò với người khác còn lớn tiếng". Bà H cho biết thêm, ông A là bà con họ hàng xa với bà. Ông ấy có vợ con đàng hoàng, con cái đều lớn và trưởng thành cả. Tuy nhiên, vợ ông đã mất cách đây mấy chục năm nên hiện ông đang sống với người con trai gần 60 tuổi.
Được biết, ông A quen biết với bà M từ trước khi gia đình ông Tư về xóm trọ này sống, ngày trước còn ở nhờ người ta, ông A cũng hay lui tới thăm hỏi bà M.
Những lúc ông ấy ghé thăm thường hỏi vợ chồng ông Tư về thời gian, công việc làm ăn ra sao. Vợ chồng ông Tư làm nghề buôn đồng nát. ông Tư thường đi làm vào lúc 5h30 phút sáng còn bà Bé Năm thì phải chăm sóc cho cụ M nên tới hơn 7h sáng mới đi. Hai vợ chồng đi làm toàn thời gian buổi sáng nên hẳn yêu râu xanh nắm được lịch trình thừa cơ "hành sự".
Kẻ hư đốn... “lặn sủi tăm”
Trong căn chòi lá xiêu vẹo nằm kế bờ ao sau nhà, cụ M vẫn ngô nghê cười. Nụ cười của người bị tai biến, liệt nửa thân đã gần như không còn biết nhận thức được thế giới xung quanh.
Thấy người lạ, cụ ra hiệu cho con rể đỡ mình ngồi dậy. Đôi mắt cụ còn sáng lạ lùng, cụ nhìn những người khách lạ rồi cười vô cảm. Đó là tín hiệu duy nhất cho thấy sự sống ở một cơ thể già nua đã sắp gần đất xa trời.
Cách đây sáu năm, sau một trận tai biến, cụ vĩnh viễn câm lặng với nửa người bị bại liệt. Tiêu, tiểu tại chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người con gái chăm sóc. Cụ M sinh được ba người con, hai gái một trai nhưng không hiểu vì lý do gì mà cụ lại không sống cùng người con trai duy nhất của mình.
Bà Bé Năm dù đã có gia đình riêng nhưng vẫn phải gánh trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già. Sống cả đời lam lũ ở nơi được gọi là quê hương ruột thịt mà đến nay gia đình bà Bé Năm vẫn phải thuê phòng để ở. Cuộc sống vợ chồng thật lắm nỗi gian truân.
Trước kia, gia đình bà được người ta cho ở nhờ không phải tốn tiền thuê trọ hàng tháng nhưng từ khi cụ M đổ bệnh, họ sợ cụ sẽ chết tại đất của mình nên không cho ở nữa. Thương hoàn cảnh nghèo còn gặp cái eo của vợ chồng bà Năm, bà H cho họ mướn một gian phòng trọ để ở. Vì phòng lợp tôn nên rất nóng lại thiếu không khí nên cụ M được cho ra ngoài ở trong một cái chòi lợp lá dừa vừa đủ kê chiếc giường đơn.
Đã ba năm kể từ khi chuyển về nơi ở mới, vợ chồng ông Tư miệt mài bên xe thồ ve chai, hằng ngày rong ruổi khắp nơi nhặt lượm từng chiếc vỏ chai, ống nước, bao nilon...
Cụ M thì yên phận với căn chòi lá rợp bóng dừa. Mỗi khi đi làm, họ để sẵn một bịch bánh, một chai nước ngay trên đầu giường để khi đói cụ tự lấy ăn. Từ khi sự việc đau lòng xảy ra, vợ chồng ông Tư cứ như người mất hồn.
Nỗi đau đớn, nhục nhã và thương cảm, xót xa đã bao trùm lên không khí của gia đình ở xóm trọ miền quê nghèo khó này. Sự việc xảy ra, vì quá bức xúc nên gia đình bà Bé Năm đã làm đơn tố cáo lên chính quyền xã. Ông Tư cho biết, con trai ông A có sang nhà xin lỗi gia đình. Còn gã yêu râu xanh... cụ từ khi gây hậu quả đã "mất tích" khỏi địa phương.