Lớn lên ở vùng quê nghèo Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, gia đình vốn chẳng khá giả gì nhưng kể từ khi được đi học ngoài thị xã, lúc nào Nguyễn Thành Hưng cũng nhìn đám bạn với sự ngưỡng mộ pha chút ghen tị. Những câu hỏi cứ xoay vần trong đầu cậu thanh niên nông thôn: Vì sao chúng bạn có quần áo, giầy dép đẹp, có xe đạp, có tiền tiêu? Và để được thỏa mãn điều đó, Hưng đã làm liều.
Ở quê có bà lão nhà rất giàu, con gái làm việc trên Hà Nội thường hay gửi tiền, vàng về cho mẹ. Đêm hôm đó, Hưng đột nhập vào nhà bà lão, khoắng sạch tiền, vàng. Sau lần đầu ấy, Hưng “ngộ” rằng, hóa ra việc đi ăn trộm cũng chẳng khó khăn mà tiền bạc lại rủng rỉnh. Hưng tìm đến nhà con của bà lão ở Hà Nội. 2 lần vào "hỏi thăm" nhà này, Hưng đều "kiếm" được nhiều tài sản có giá trị. Khi cơ quan công an vào cuộc, kẻ ăn trộm bị phạt 30 tháng tù.
Ra tù, Hưng lang bạt nhiều nơi. Với khả năng “đào tường, khoét vách”, Hưng không chỉ kiếm đủ tiền tiêu mà còn tập hợp dưới trướng của mình không ít đàn em. Hơn 2 năm, kẻ mang biệt danh Hưng “Sóc” bắt đầu có số có má trong chốn giang hồ.
Trong lần truy quét của công an, một “đệ cứng” của Hưng “Sóc” bị bắt và đã khai ra kẻ cầm đầu của hàng chục vụ trộm. 23 tuổi, Hưng “Sóc” vào tù lần thứ hai. Lần này là bản án 10 năm.
Năm 1984, Hưng mãn hạn tù nhưng không thể hoàn lương, tiếp tục cầm đầu những chuyến “ăn hàng” làm kinh động cả vùng Kinh Bắc. Hưng lại "ăn cơm tù" thêm 10 năm. Gần 23 năm ngồi tù đã thay đổi cuộc đời Hưng “Sóc” khi quay lại cuộc đời với hai bàn tay trắng và mái đầu lấm tấm hoa râm. "Xã hội thay đổi quá nhiều trong những năm tháng tôi sống trong tù, mọi thứ đều quá lạ lẫm, tôi giống như một kẻ vừa như ở rừng ra vậy", Hưng nhớ lại. Ở tuổi 43, ba tháng sau ngày ra tù Hưng lấy vợ. Để duy cuộc sống cho gia đình nhỏ ấy, Hưng mưu sinh với nghề buôn gỗ.
Thời gian đầu, công việc làm ăn khá thuận lợi, trả mọi chi phí Hưng còn dồn tiền mở cho vợ cửa hàng tạp hóa ở ngay tại nhà. Nhưng rồi, thiếu kinh nghiệm chốn thương trường nên Hưng thất bại. Toàn bộ số tiền vốn và số tích cóp có được tan theo mây khói, ngoài ra Hưng còn nợ thêm một số khá lớn. Hưng bảo quãng thời gian ấy với mình như một bi kịch. Có những lúc nằm lỳ trong nhà một tháng, không đi ra ngoài và cũng chẳng tiếp xúc với ai. Anh em của Hưng khi biết tin người đến động viên thì ít mà kẻ dụ dỗ, lôi kéo theo con đường cũ thì nhiều. Không phải là không có lúc Hưng mềm lòng và nghĩ đến chuyện sẽ làm một vài phi vụ lấy tiền trả nợ rồi sẽ “rửa tay gác kiếm”.
Nhưng trong lúc khốn khó số phận lại mỉm cười với Hưng. Một người đàn em sau khi ra tù hoàn lương và trở thành ông chủ lớn biết hoàn cảnh của đại ca đã cho vay 100 triệu đồng để trả nợ và số còn lại làm vốn kiếm kế sinh nhai. Với những bài học có từ lần thất bại trước, lần này Hưng bước vào thương trường cẩn trọng hơn. Và 3 năm sau Hưng mở một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thủ công tại nhà.
Từng có quá khứ tội lỗi, nhưng trong cuộc sống đời thường Hưng “Sóc” lại là người có tính cách hào phóng. Ai có việc nhờ vả đến Hưng đều được giúp đỡ nhiệt tình và chu đáo. Ngay cả đám đàn em ngày xưa, khi biết tin Hưng tìm đến đều được khuyên nhủ và giúp đỡ chút vốn liếng để gây dựng cuộc sống.
Và rồi có một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi số phận của Hưng “Sóc”. Năm 2004, Hưng được đề cử và trúng cử vào chức Trưởng thôn Phù Khê Thượng với trên 70% số phiếu tín nhiệm.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Hưng bảo, có người nói cái thằng tù về ấy ngồi chức trưởng thôn thì chỉ có làm mất uy tín, vai trò của lãnh đạo... Hưng vượt qua thời kỳ khó khăn và sự kỳ thị đó bằng lời nói của người cho vay tiền để vượt qua hoạn nạn năm xưa. Biết tin Hưng được bầu vào vị trí lãnh đạo, anh ta tới gặp Hưng và bảo: "Nếu anh không làm trưởng thôn thì tốt nhất nên ở nhà đi buôn, còn nếu đã nhận lời, đã làm thì phải làm cho xứng đáng, không được tơ hào của dân bất cứ thứ gì, còn nếu thiếu em sẽ hỗ trợ cho anh…".
“Chiến tích” đầu tiên của trưởng thôn là xây mới ngôi chùa Hồng Ân, theo tương truyền có từ thời Lê Sơ và từng là niềm tự hào của người dân Phù Khê Thượng. Trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị phá hủy.
Hàng chục năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn ấp ủ ý định khôi phục lại nhưng chưa được hoàn thành. Nắm được ý nguyện, Hưng “sóc” đã đứng ra làm trưởng ban kiến thiết, huy động các nguồn kinh phí ở trong dân và ngoài xã hội để xây dựng lại chùa. Sau 18 tháng xây dựng với kinh phí lên tới 7 tỷ đồng, chùa Hồng Ân đã được hoàn thành trong niềm hoan hỷ của bà con nơi đây.
8 năm ở vị trí trưởng thôn, Hưng đã mạnh dạn tổ chức bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường trong thôn, ước tính lên tới hơn 6 km. Các công trình phúc lợi trong thôn như: Nhà văn hóa, nhà trẻ, sân vận động thôn cũng đều được xây mới, to đẹp.
"Đời tôi phải trả giá quá nhiều cho những tháng ngày lầm lạc, giờ đây chỉ muốn làm được điều gì đó thật ý nghĩa như một cách để chuộc lỗi với mảnh đất mà mình đã sinh ra", người tù hoàn lương tâm sự.