TIN TỨC » Tin trong ngày

Đại gia Việt và những lùm xùm "trên trời rơi xuống"

Thứ ba, 11/06/2013 14:51

Chỉ trong một thời gian ngắn mà khá nhiều đại gia Việt gặp vấn đề rắc rối trong công việc, ảnh hưởng đến uy tín của công ty và bản thân mình.

Ông Đặng Văn Thành giàu sụ bị Sacombank xiết nợ

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank từ ngày 15/7/1995. Tính đến khi thôi chức (2/11/2012), ông Thành đã có 18 năm liên tục là Chủ tịch HĐQT của Sacombank.

Tính đến ngày 2/11/2012, tổng tài sản của gia đình ông Đặng Văn Thành trên sàn chứng khoán là hơn 1.514,9 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến khối tài sản, cổ phần tại các công ty chưa niêm yết mà mỗi thành viên nhà ông Đặng Văn Thành đang đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu, từ chủ tịch đến tổng giám đốc và thành viên HĐQT.

Ngày 2/11/2012, ông Thành thôi chức Chủ tịch ngân hàng này. Mới đây, thông tin Sacombank "xiết nợ" cha con ông Đặng Văn Thành được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây xôn xao dư luận.

Các thành viên nổi tiếng của gia đình ông Đặng Văn Thành.

Cụ thể, Sacombank đồng ý sử dụng trên 7,4% vốn (tương đương khoảng 80 triệu cổ phiếu STB) do cha con ông Đặng Văn Thành sở hữu để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và khoản phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận gần 1.600 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận này, ông Đặng Văn Thành và con trai ông là ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền mua, bán định đoạt, sở hữu cổ phiếu Sacombank mà họ nắm giữ.

Trong phiên giao dịch sáng 31/5, trên thị trường xuất hiện lệnh thỏa thuận hơn 47,8 triệu cổ phiếu mã STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín), tương đương 4,38% tổng lượng cổ phiếu của STB đang niêm yết trên sàn.

Theo nguồn tin riêng thì đây là lệnh giải chấp cổ phiếu của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn trừ nợ.

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức bị cáo buộc phá rừng

Trong một báo cáo công bố vào đầu tháng 5/2013 về hoạt động của các công ty cao su tại Lào và Campuchia, tổ chức Nhân chứng Toàn Cầu Global Witness cho rằng HAGL và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tiến hành "chiếm đất" tại Campuchia và Lào.

Bản báo cáo nêu những con số về đất đai “có vấn đề” của HAGL và các công ty liên kết, là dường như đang được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất đai. Trong đó có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này, thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 13/5, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho rằng các hoạt động đầu tư của tập đoàn vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Lào, Campuchia đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.

Đáp lại những cáo buộc này, Chính phủ Campuchia và Lào cũng như báo chí của hai quốc gia này đều lên tiếng bênh vực, ca ngợi những đóng góp mà HAGL đã thực hiện tại quốc gia này.

Trả lời báo giới về các cáo buộc mà tổ chức Global Witness đưa ra đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Vụ trưởng Báo chí Bộ Ngoại giao Lào Sithong Chitnhothinh ngày 3/6 khẳng định: Đây là luận điệu vu cáo phi lý đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - những doanh nghiệp sang đầu tư tại Lào với trị giá lớn.

Quốc Cường Gia Lai gặp hạn với án hầu tòa

Công ty Quốc Cường Gia Lai, nơi Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) nắm giữ vị trí phó giám đốc gần đây cũng dính bê bối do bị khách hàng kiện.

Vụ tranh chấp này đã nổ ra từ tháng 10/2011 khi hàng chục chủ căn hộ đã yêu cầu chủ đầu tư trả lãi phạt, bồi thường giá trị nội thất với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng do Quốc Cường Gia Lai chậm giao căn hộ và khi bàn giao thì nội thất không đúng như thỏa thuận.

Nhiều khách hàng bức xúc với cách làm việc của phía Quốc Cường Gia Lai (Ảnh từ Internet)

Sau khi vụ tranh chấp trở nên om xòm, chiều 6/10/2011, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết đã thương lượng được với một số hộ dân trong vụ tranh chấp đòi tiền lãi chậm giao căn hộ.

Trong quá trình giải quyết, nhiều chủ căn hộ chấp nhận thỏa thuận với chủ đầu tư về mức lãi phạt, số tiền bồi thường nội thất nên không tiếp tục kiện. Có năm chủ căn hộ theo đuổi vụ kiện trên gần hai năm qua do không chấp nhận mức tiền mà chủ đầu tư đề nghị. Trong đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (chủ căn hộ A1507) yêu cầu trả lãi phạt trên 400 triệu đồng và đây là vụ kiện được tòa án nhân dân quận 3 xử đầu tiên (chiều nay) trong số năm vụ.

Sếp đạt danh hiệu Anh hùng lao động chê công nhân nhà quê

Hay gần đây nhất là g giám đốc công ty may Hồ Gươm, người đã từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2009 bị chỉ trích là có những lời nói khiếm nhã với người lao động.

Theo nhiều công nhân kể lại, vào buổi trưa bắt đầu xảy ra sự việc, rất nhiều công nhân lên tiếng phàn nàn góp ý vì nhận thấy chất lượng bữa ăn có vấn đề. Ngay sau khi đi qua nghe thấy, bà Ty đã tiến lại gần cầm những suất ăn lên rồi quát: “Đồ nhà quê mà đòi ăn ngon, đứa nào chê thì xéo…”.

Ngay sau khi bị tổng giám đốc xúc phạm danh dự, hơn 600 công nhân của công ty bỏ ra ngoài mua đồ ăn khác, rồi sau đó quay lại đình công đòi bà này phải có lời xin lỗi. Tuy nhiên, sau đó, bà Ty lên xe bỏ mặc yêu cầu của công nhân để về Hà Nội nên sự việc càng trở nên phức tạp.

Suốt những ngày qua, rất nhiều công nhân vây kín cổng nhà máy tỏ thái độ hết sức bức xúc và yêu cầu phải làm rõ sự việc. Mặc dù sự việc đã được công an huyện Cẩm Thủy vào cuộc nhưng tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt.

Theo Trí Thức Trẻ