Liên tục không có nước sạch, lúc có lại... siêu bẩn
Chị Thanh Tâm (người dân sống tại khu đô thị) cho biết: “Khoảng gần 2 tháng nay, kể từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (hồi đầu tháng 4/2014), nhà tôi nói riêng và dân cư sống tại khu đô thị này nói chung thường xuyên không có nước sạch để dùng. Không có nước khổ nhưng lúc có nước cũng khổ chẳng kém. Khi đã có nước thì lại chẳng dùng được. Nước xả từ vòi hôm thì trắng đục, hôm lại vàng khè”.
Chị Tâm chuyển đến khu đô thị này đã được gần 1 năm, gia đình chị có 2 cháu nhỏ nên trước tình trạng này chị và gia đình vô cùng lo lắng. Được biết, thời gian đầu, chị và gia đình phải đun sôi nước trước khi dùng để tắm, nấu nướng, vo gạo, nấu cơm. Thế nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi khi nước được đun sôi thì trên bề mặt nước vẫn xuất hiện váng trắng dày.
“Vì sợ thiếu nước nên cứ khi nào có, tôi lại tích nước vào đầy các chậu, thùng, xô để phòng. Thế nhưng chỉ sau 1 ngày nước có hiện tượng cặn dày, nước dính dính, nhầy nhầy”. Chúng tôi quyết định mua nhà tại đây vì giá hợp lý, không phải chịu cảnh bấp bênh đi thuê, đỡ tốn kém mà lại có thể tiết kiệm được tiền lo cho cuộc sống. Thế nhưng, thời gian gần đây, ngày nào nhà tôi cũng phải mất 150.000 đồng mua 3 thùng nước khoáng để dùng sinh hoạt. Người lớn dùng còn lo chứ làm sao dám để con cái dùng nước ô nhiễm?”.
Chị Hằng – anh Công là cặp vợ chồng mới dọn đến đây, anh chị chia sẻ: “Dù muốn tiết kiệm cũng không thể tiết kiệm được. Một lần, mình cố dùng nước sinh hoạt này để luộc thịt lợn. Nhưng chỉ sau 15 phút luộc lửa nhỏ, miếng thịt không có mầu trắng như bình thường mà nó chuyển hẳn sang màu đỏ tái. Nhìn xong cả gia đình chẳng ai dám ăn luôn bữa đó”.
Bác Lâm, cư dân của khu đô thị ngao ngán: “Từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nước sinh hoạt của gia đình tôi đục lại có mùi khó chịu, nghe phong thanh mọi người nói rằng nguồn nước của khu đô thị bị nhiễm độc. Chờ mãi chờ mãi nhưng tới giờ đã gần 2 tháng mà tình trạng này vẫn chưa đỡ, tôi đành cố bớt ăn bớt tiêu mua một cái máy lọc nước 5 triệu về dùng cho đỡ lo”.
Bác Lâm chia sẻ thêm: "Vì sức khỏe của các con và hàng trăm cháu nhỏ trong tương lai, chúng tôi tha thiết cầu cứu đến các cơ quan chức năng giải quyết để tình trạng ô nhiễm này được cải thiện".
Chị Thùy Chi sống tại đây đã phải tìm cách hạn chế nồng độ độc tố trong nước bằng cách trang bị hệ thống lọc với giá 3,5 triệu đồng để lắp đặt xử lý ngay ở khu bếp chật hẹp nhà mình. Gia đình chị có con nhỏ nên thường chị phải xử lý qua lại 3-4 lần mới có thể nấu ăn, nấu cháo cho con. Tuy nhiên, hình thức “sống chung với lũ” này cũng không thể ngăn chặn hết những mầm bệnh.
Cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc
TS. Lê Thanh Sơn, cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng là cư dân của khu đô thị Xa La cho biết, từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nước sinh hoạt của gia đình ông rất đục và có mùi lạ. Ông cùng một số người dân tại đây đã mang mẫu nước đến Viện công nghệ phân tích.
Ai ai cũng bàng hoàng, lo lắng khi biết kết quả mẫu nước tại đây đúng là bị ô nhiễm nặng, chứa nhiều Asen (thạch tín) cao gấp 4 lần mức cho phép, Amoni cao gấp 2,5 lần, nước bị nhiễm khuẩn nặng vi khuẩn E.Coli và Coliform.
Được biết, Hà Nội là một trong những nơi có tỷ lệ người mắc bệnh từ nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nhiễm asen (thạch tín) cao nhất tính đến thời điểm hiện tại. Nếu sử dụng nước ô nhiễm trong một thời gian dài, sức khỏe của người dân sống tại các khu vực nói trên sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, khi sử dụng nước nhiễm asen để ăn uống, con người có thể mắc bệnh ung thư đặc biệt là ung thư da. Bên cạnh đó, chất này còn gây độc cho hệ thống tuần hoàn, khiến cơ thể nhiễm chì, dễ mắc bệnh thận, thần kinh. Nhiễm Amoni gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư…
Trao đổi về vấn đề này ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết, hiện tượng nước đục, cặn bất tiện này là có thật ở khu đô thị Xa La, Hà Đông. Đầu tháng 4, đường ống nước Sông Đà bị vỡ nhiều lần, dẫn đến không đủ khả năng cung cấp nước cho khu vực này.
Vì vây khu vực đã phải chuyển sang dùng nguồn nước từ cơ sở 2 Ba La. Chính quá trình thay đổi này khiến nguồn nước không được ổn định và có vấn đề. Thêm vào đó, do công suất sử dụng nước vào mùa nóng tăng cao, nên khu vực cung cấp nước tại Hà Đông buộc phải đóng van luân phiên để phân bổ hợp lý đến các khu vực.
Khi đóng van, không có nước lưu thông trong đường ống, cặn sẽ bị lắng đọng lại và khi có nước sẽ bị đẩy đi khiến cho nước có màu vàng và bị vẩn đục. Ông Thắng khẳng định sẽ xem xét và kiểm tra lại nguồn nước, đưa mẫu nước đi kiểm tra để đưa ra một kết luận chính xác nhất. Để khắc phục, công ty nước sẽ bảo đảm nhanh chóng vệ sinh lại đường ống.