Gần đây, báo chí xôn xao về đề thi vào lớp 1 năm 2011 – 2012 của Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Đề thi được cho rằng mang tính đánh đố và không hợp lý đối với trẻ lên 6 tuổi.
Cấu trúc đề thi gồm phần trắc nghiệm IQ và kiểm tra khả năng kể chuyện dựa vào tranh, ngoại ngữ. Phần trắc nghiệm IQ gồm 4 phần: quan sát, nhận biết, tư duy logic và trắc nghiệm đòi hỏi trẻ biết nhận mặt chữ, tư duy nhanh và đã thành thục với các dạng đề.
Đa phần ý kiến đều cho rằng đề thi quá khó cho đứa trẻ lên 6, thậm chí nhiều người nói học sinh tiểu học còn khó…làm hết được, người lớn cũng chật vật để tư duy. Tuy nhiên có người cho rằng đề này rất phù hợp với đứa trẻ đã được tập dượt với các dạng đề ôn thi vào lớp 1.
Ai cũng muốn cho con học giỏi, được vào trường tốt nhưng yêu cầu trẻ 6 tuổi phải biết chữ, làm toán đố phải chăng là phản khoa học hay sao? Chưa kể đặt trẻ vào việc thi cử, đấu trọi như vậy có thực sự tốt?
Thẳng thắn thừa nhận rằng, không ai phủ định chất lượng của các lớp quốc tế, lớp “dịch vụ giáo dục cao” của những trường thuộc top “VIP” và để vào được những lớp này không phải…dễ, tất nhiên trẻ phải thi tuyển nghĩa là các em phải học thêm, ôn luyện đề thi... vào lớp 1.
Nhiều phụ huynh băn khoăn có nên cho con học trước tuổi, học ngồi đúng cách, học tập trung, cách cầm bút, quen với mặt chữ trong 1 tháng hè trước khi bước vào lớp 1 hay không. Thậm chí, họ hoang mang vì giờ ai cũng đều để con học trước, họ lo sợ con mình sẽ “đuối hơn”, không theo kịp những đứa trẻ khác trong lớp.
Tại sao phải cho trẻ đi học trước tuổi trong khi đó chương trình học từ 3 đến 5 tuổi, trẻ cần được vui chơi là chính, làm quen với chữ cái, chữ số và khi vào lớp 1, trẻ có một tuần để làm quen với trường lớp, bạn bè, nội dung học tập? Do chất lượng đầu vào không đồng đều.
Thực tế, không ít phụ huynh kêu rằng nếu không cho con học trước tuổi sẽ dẫn đến tình trạng trẻ phải “chạy” theo chương trình, bị tụt dốc hơn so với các bạn. Cho trẻ đi học trước tuổi dần đã trở thành phong trào và vô hình chung đẩy các phụ huynh cuốn vào vòng xoáy học thêm.
Một bộ phận ông bố bà mẹ và nhà trường chạy theo “thành tích”, thích trường quốc tế, chất lượng cao để trẻ giỏi giang, trở thành thiên tài nên cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ.
Ở khía cạnh thứ 2, bản thân những người làm cha mẹ sợ con mình không theo kịp với chương trình, cách dạy học ở nhà trường. Học cả ngày ở trường nhưng tối đến trẻ vẫn phải cùng mẹ đánh vật với bài tập luyện chữ, tập đọc; thật tội nghiệp cho đứa trẻ nếu bị cô giáo bắt ở lại lớp để chép xong chính tả. Và để “giải thoát” cho con, không để con bỡ ngỡ khi vào lớp 1, bố mẹ tìm lớp học thêm hè.
Tuy nhiên, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các bậc phụ huynh mà cần nhìn nhận chương trình giảng dạy lớp 1 hiện nay (chưa kể lớp chọn, lớp quốc tế học ngoại ngữ) còn quá nặng và chính bởi cách dạy thành tích của nhà trường.
Liệu cách giáo dục của chúng ta đang làm cho học sinh sợ học? Nếu các trường dạy theo đúng chương trình, không đòi hỏi các cháu biết mặt chữ, mặt số trước thì các phụ huynh cũng không phải cho con đi học thêm như vậy!
Cách đây không lâu, trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có nói rằng, dạy trước là có tội với trẻ em, cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 là phản khoa học, là “chín ép”.
Nhưng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…Tại sao Bộ không giảm tải chương trình? Không cấm các trường tiểu học dạy thêm trẻ trước tuổi? Phải chăng, ngành giáo dục đang muốn đào tạo những đứa trẻ “siêu phàm”?
Không phải ai cũng trở thành GS Ngô Bảo Châu giành giải Fields, không phải đứa trẻ nào đọc nhiều, học nhiều cũng là bé Đỗ Nhật Nam. Và câu chuyện cậu bé dịch giả trẻ tuổi nhất Việt Nam vừa qua khiến nhiều người xót xa bởi dư luận sẵn sàng “ném đá” một đứa trẻ 12 tuổi chỉ vì em quá giỏi và khác người!
Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cũng nên đưa ra quy định bắt các trường tiểu học cam kết không nhận trẻ biết chữ vào lớp 1 để chất lượng đầu vào đồng đều, ngăn cấm việc cho điểm học sinh lớp 1 để tạo cho các em có môi trường học tập công bằng, thoải mái.
Hơn nữa, những bậc phụ huynh, thầy cô cũng cần thay đổi suy nghĩ, quan niệm để đứa trẻ được chơi nhiều hơn học và có một tuổi thơ trọn vẹn!