Cái rét đầu đông dễ làm cho những phạm nhân đang sống ở Trại giam số 5, Bộ Công an, cảm thấy trong lòng tràn ngập nỗi tê tái, buồn tủi. Nhưng có lẽ, người đàn bà mang tên Nguyễn Thị Sâm (SN 1967, ở Tam Thuấn, Phúc Thọ, Hà Nội) thấm thía sự cô đơn hơn cả. Với Sâm, ngoài mức án chung thân, cô còn phải chịu một bản án lương tâm khó xóa khi chính tay cô đã sát hại một đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ bản thân.
Cuộc sống bi kịch của cô gái ế
Trong cuộc tiếp xúc hiếm hoi với phóng viên trong trại giam, Sâm kể rằng cuộc đời cô dường như có lẽ đã được sắp đặt sẵn để rơi vào những chuỗi ngày khổ sở, nhục nhã, ác độc và ân hận. Sâm là chị cả trong gia đình có năm chị em ở cái huyện nghèo của tỉnh Hà Tây (cũ), khiến cho cuộc sống của cô thua kém rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.
Nhà đông con, nhưng bố mẹ Sâm chỉ có thu nhập duy nhất nhờ vào những sào ruộng khoán, năm thì được mùa, năm lại mất trắng, khiến cho mấy anh chị em phải ăn những bữa cơm độn khoai sắn nhiều hơn cơm trắng. Cuộc sống khó khăn, gia đình không đủ tiền cho đi học, Sâm đành nghỉ giữa chừng khi mới chạm tới ngưỡng cửa lớp 7.
Sau khi bỏ học, hằng ngày, Sâm xiêu vẹo theo mẹ ra đồng cấy lúa, trồng khoai, giúp nuôi đàn em lóc nhóc theo nhau ra đời. Thời gian thấm thoát trôi, Sâm bước vào tuổi 20. Khi những đứa bạn cùng trang lứa đều đã lấy chồng và yên phận, Sâm vẫn “ế ẩm”, chẳng có ai hỏi han đến.
Thế rồi, nhờ sự giới thiệu của những người thân, cô gái ế đành cắn răng theo về làm vợ lẽ người đàn ông tên Nhân. Anh Nhân cũng đã có vợ và một cậu con trai mới vài tuổi. Nhưng vì cuộc sống kém may mắn, người vợ mới sinh con được ít ngày đã bỏ anh và con ra đi về bên kia thế giới.
Khi nỗi đau mất vợ nguôi ngoai, Nhân đã quyết định đi bước nữa với hy vọng sẽ hàn gắn lại gia đình nhỏ của anh. Nhân tưởng rằng Sâm, một người phụ nữ chân lấm, tay bùn, gắn liền với đồng ruộng sẽ dễ cảm thông, chia sẻ với những mất mát mà bố con anh phải gánh chịu. Nhưng thực tế không phải vậy. Từ khi về làm dâu, Sâm đã sớm lộ rõ những điểm yếu của mình. Cô sống vụng về, không được lòng cha mẹ và gia đình nhà chồng. Bản thân Sâm thừa nhận không ít lần cô bị cha mẹ chồng đuổi đi vì dám cãi lại các cụ và đánh con riêng của chồng. Biết chuyện, nhiều lần Nhân cũng đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với cô.
Sâm cứ ngỡ rằng tình hình sẽ được cải thiện, khi đứa con gái chung của cả hai ra đời. Cô tin rằng đứa trẻ ấy sẽ là sợi dây gắn kết hạnh phúc giữa cô với chồng và gia đình nhà chồng. Nào ngờ, cuộc sống khổ sở của cô không những chẳng chấm dứt, lại còn có thêm nhiều “cung bậc” mới.
Giai đoạn năm 1988, gia đình nhà chồng Sâm nhận gia công những đoạn thừng để buộc đồ dùng. Khi về làm dâu, cô cũng phải quay cuồng theo áp lực của công việc ấy để kiếm thêm thu nhập. Vì vừa sinh con nhỏ, sức khỏe Sâm đã giảm sút đi rõ rệt. Nhưng do đã đến hạn phải trả hàng đặt ngoài chợ nên đã không ít lần, Sâm phải vắt sức mình làm đêm cho kịp lô hàng mang ra chợ bán vào sáng hôm sau.
Sâm kể rằng nhiều lúc buồn ngủ, gục xuống nền nhà, nếu chẳng may bị chồng bắt gặp, cô sẽ phải “ăn đòn”. Có hôm, Sâm bị chồng cầm con dao nhọn dùng để làm thừng, dọa sẽ cắt tai nếu cô tiếp tục ngủ gật. Liên tục bị mọi người trong gia đình nhà chồng coi thường và ép uổng, Sâm mang lòng bực tức, muốn trả thù.
Mấy đời bánh đúc có xương...
Thật không may, nạn nhân lãnh trọn oán thù của Sâm lại là cháu Nguyễn Văn Hợp (SN 1983), con riêng của anh Nhân. Trưa ngày 19/5/1988, những người thân trong gia đình anh Nhân không thấy cháu Hợp về nhà nên đã tá hỏa đi tìm. Nhưng họ tìm mãi, nhờ cả loa phát thanh xã tìm kiếm cháu bé mà không thấy.
Ba ngày sau, khi cả gia đình như ngồi trên đống lửa thì họ nhận được tin của người cùng thôn báo đã phát hiện thấy xác cháu bé bị ai đó chôn sơ sài xuống dưới cánh đồng hoang. Thông tin ngay lập tức được chuyển đến cơ quan CA huyện Phúc Thọ và CA tỉnh Hà Tây (cũ). Ngay sau khi xuống hiện trường, khám nghiệm sơ bộ, cảnh sát đã nhận định đây là một vụ giết người man rợ và giấu xác cháu bé xuống cánh đồng. Ngay lập tức, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm được tung vào để điều tra và họ nhanh chóng nhận ra điểm bất thường trong vụ án. Trong khi tiến hành triệu tập các nhân vật nghi vấn, họ đã không thấy dì ghẻ của cháu bé và đứa con của cô này đâu. Tập trung xác minh, điều tra, loại bỏ đối tượng nghi vấn, cơ quan CA tin rằng người gây ra cái chết cho cháu bé chính là Sâm. Tuy nhiên, lúc đó, Sâm đã lẩn trốn khiến cơ quan cảnh sát điều tra phải ra lệnh truy nã. 17 năm trốn chạy, Sâm đã thay tên, lấy chồng mới, sinh thêm ba đứa con khác. Nhưng Sâm không ngờ rằng cơ quan CA vẫn kiên trì điều tra và lần theo dấu vết của mình, khiến cô ta phải tra tay vào còng số 8 hồi năm 2005. Tới lúc đó, Sâm mới khai đầy đủ về tội ác của mình đã gây ra.