Nấm mộ đôi này hiện nằm bên bờ đê hữu sông Đào chạy qua địa phận Đội 8, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định).
"Thần chết" không chia lìa được lứa đôi
Ông Nguyễn Văn Hoàn, nguyên là Xã đội trưởng của xã những năm 1980 cho biết, chuyện xảy ra cách đây 30 năm. Một ngày cuối tháng 8/1981, người dân khu vực lên báo chính quyền xã về việc bất ngờ phát hiện hai xác người nổi lên tại bãi sông địa phương, nay nhờ xã hỗ trợ trục vớt, chôn cất người xấu số. Khi chính quyền xã có mặt tại hiện trường thì hai cái xác đã được dân vạn chài cột vào cọc tre ngay sát mép sông.
Kinh nghiệm của người dân địa phương, cũng như xác định của cơ quan chức năng thì có thể hai cái xác đã trôi theo dòng nước dạt vào bãi sông này. Do xác đã lâu ngày ngâm trong nước nên gần như biến dạng, khi trục vớt kéo lên bờ thì mọi người nhận ra đó là một cặp trai gái. Hai thi thể không mặc quần áo, chỉ có một chiếc thắt lưng da thắt bụng hai người lại với nhau. Nhiều tiếng đồng hồ khám nghiệm tử thi, công an nhận thấy không có dấu hiệu của án mạng, có thể các nạn nhân đã tự tìm đến cái chết.
Một trong những chứng cứ khác củng cố thêm nhận định này là bức thư tuyệt mệnh được cẩn thận gói vào bao ni-lon, gắn chặt vào chiếc thắt lưng nên không hề bị ướt dù đã nhiều ngày lênh đênh trôi sông. Ông Hoàn không nhớ chính xác từng câu chữ trong nội dung bức thư, nhưng đại ý là: “Chúng tôi từ một nơi rất xa đến, vì gia đình ngăn cản chuyện tình cảm mà không đến được với nhau. Hai chúng tôi đã không còn sự lựa chọn nào khác nên đã cùng nhau tự vẫn. Nếu ai thấy chúng tôi xin hãy chôn trong cùng một ngôi mộ để chúng tôi được mãi mãi bên nhau”.
Công tác khám nghiệm hoàn tất cũng là lúc trời chiều. Chính quyền xã quyết định mai táng hai nạn nhân xấu số ngay tại bờ sông nơi xác họ trôi vào, và tất nhiên là chôn mỗi người mỗi mộ riêng. Dù đã lường trước được bất trắc nên chính quyền đã sắm sẵn hai cỗ áo quan quá khổ, nhưng người chết dường như không “vừa lòng” nên mọi nỗ lực đưa nạn nhân vào quan tài đều bất thành.
Mọi người hò nhau xúm vào khiêng các nạn nhân mà vẫn không thể nhập quan được cho người xấu số. “Lúc thì nặng, lúc thì nhẹ, lại có lúc người chết như phình ra nên không đưa được vào hòm. Đến lần cố gắng thứ 5 thì mọi người hoảng thật sự, trời đã tối, mùi xú uế nồng nặc, lại thêm nỗi sợ “chẳng hiểu có ma tà gì hay không””, một nhân chứng trong làng nhớ lại.
Những người khâm liệm thảo luận nhanh rồi quyết định lầm rầm: “Thôi thì các anh chị đã muốn vậy thì chúng tôi đành chiều lòng”. Hai bộ quan tài được phá ngay tại chỗ, lấy các mảnh gỗ quây thành chiếc áo quan hình vuông và lúc bấy giờ hai xác chết được đưa vào nhẹ nhàng mà những người làng không gặp khó khăn gì.
Những nấm đất vội vàng được đắp lên thành một cái nấm nho nhỏ. Cũng có người băn khoăn “chẳng hiểu chôn chung như vậy có sai phong tục tập quán gì không” nhưng thắc mắc đó nhanh chóng được mọi người gạt đi “Vẫn chưa sợ hay sao mà còn đòi bàn lùi?. Đó cũng là di nguyện của họ trước lúc chết mà”.
Chuyện người chết trôi cũng chỉ xôn xao trong làng ít ngày, rồi làng lại trở về nhịp sống bình thường. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng có đăng thông báo tìm thân nhân của những người xấu số nhưng không thấy hồi âm. Một năm, hai năm rồi nhiều năm sau đó mọi việc dần đi vào quên lãng, ngôi mộ trở thành mả vô chủ không người thừa nhận.
Người đã chết vẫn… đòi được xây mộ
Chuyện lạ xảy ra vài năm sau, khi ông Nguyễn Hữu Nam, một người dân địa phương là bảo vệ cánh đồng bãi bị “ma trêu” khi dựng lều cạnh mộ hoang. Ngày ấy còn là thời kỳ bao cấp, dân vạn chài thường lợi dụng đêm tối để lên lấy trộm khoai và các loại hoa màu khác, và hợp tác xã phải cắt cử bảo vệ hàng đêm trông coi hoa màu.
Một đêm cuối đông năm 1984, để tránh gió rét ông căng bạt dựng lều áp ngay bên cạnh ngôi mộ, cửa lều hướng ra dòng sông. Màn đêm buông xuống trong cơn mưa phùn giăng giăng, đang co ro trong chiếc lều bạt, khi nửa tỉnh nửa mơ ông bỗng thấy có những đợt đất đá ném ào ào trên đỉnh lều. Tưởng lũ trộm trêu đùa, ông xách đèn pin lao ra truy đuổi nhưng lia khắp cánh đồng chẳng thấy một bóng người.
Cứ ngỡ tai nghe nhầm, ông lại chui vào lều nhưng cứ ít phút sự việc lại lặp đi lặp lại như thế. Chột dạ “à thì ra mình đang nằm cạnh ngôi mộ đôi chết trôi”, lấy hết can đảm ông vác con dao mác chặt mạnh một nhát vào giữa ngôi mộ rồi “lu loa”: “Tao cũng là người lao động, không làm tổn hại gì đến nơi đây, nếu chúng mày còn trêu tao nữa thì tao sẽ phá tan nhà chúng mày”.
Đến giờ nhớ lại chuyện cũ ông lão vẫn còn thấy sợ và cười: “Lúc đó sợ quá nên mới bạo gan như vậy. Nhưng lạ thay từ lúc đó tới sáng không còn những đợt đất đá ném vào lều nữa. Thú thật từ đó khi giăng lều ngoài bãi, tôi cũng tránh xa cái khu đó ra, đỡ phiền phức”.
Hai năm sau, vào cuối năm 1986 một chuyện lạ khác lại xảy ra liên quan đến ngôi mộ. Một chiếc thuyền chở đồ gốm khi xuôi sông Hồng, đến khu vực trạm bơm Cốc Thành thì gặp nạn, đang đêm chiếc thuyền bị đánh chìm.
Toàn bộ gia đình chủ thuyền thoát nạn nhưng tài sản thì chìm cả xuống đáy sông, trong đó giá trị nhất là chiếc hòm gỗ sồi đựng toàn bộ tiền bạc của nả của cả gia đình. Cả nhà lặn tìm sục sạo dưới đáy sông nơi thuyền đắm mà chẳng thấy chiếc hòm đâu, người chủ thuyền thơ thẩn đi xuôi theo bờ sông kiếm tìm trong tuyệt vọng.
Khi đến bãi sông này, ông bàng hoàng nhận ra chiếc hòm gia sản nhà mình lại…. mắc trên ngôi mộ hoang. Mừng rỡ mở ra xem, người mất của không tin vào mắt mình khi thấy tiền vàng còn nguyên vẹn.
Chiếc hòm có thể chỉ tình cờ do sóng đánh trôi dạt nên trôi vào ngôi mộ, nhưng người mất của thì nhất quyết “đền ơn” cái mả vô chủ. Từ đó, cứ dịp Tết âm lịch là vị chủ thuyền năm nào lại cho thuyền đến bãi sông tu sửa ngôi mộ, thắp nhang như một sự tri ân cho “đôi trai gái giữ của”.
Những ngày gần đây, làng lại thêm một lần xôn xao vào cuối năm 2011, khi đội thủy lợi 302 của huyện trúng thầu thi công kè đê qua bãi sông đoạn có ngôi mộ đôi. Ở chỗ khác thì thuận lợi, nhưng khi thi công đến đoạn này, cứ thả sọt đá nào xuống sông để làm móng thì ngày mai những sọt đá đều “mất tích”. Tưởng có kẻ phá hoại, người ta còn cử bảo vệ gác suốt đêm nhưng suốt nhiều ngày “điệp khúc” cứ diễn ra và đội thi công “dậm chân tại chỗ”.
Một đêm cuối tháng 12/2011, ông Vũ Văn Nam, người chỉ huy công trường ngủ lại nơi thi công thì mơ thấy hai người một nam một nữ trên người quấn vải trắng đứng trước cửa lán nói: “Nếu muốn xây được đoạn kè đê này thì phải xây ngôi mộ đôi vững chắc trước đã”.
Sáng hôm sau đem chuyện giấc mơ hỏi những cụ cao niên ở địa phương, người này giật mình kinh hãi vì giấc chiêm bao của mình lại trùng hợp với những câu chuyện của ngôi mộ hoang như vậy. Vậy là nhóm thợ ngày hôm ấy không đi thả đá mà có việc mới là xây ngôi mộ thành vuông vức, vững chắc. Ngày hôm sau tiếp tục thi công kè đá, kỳ lạ là công việc lại trôi chảy như chưa từng có bất trắc nào.
Những câu chuyện lạ xung quanh ngôi mộ đôi có thể chỉ là sự tình cờ trùng lặp, có thể chỉ do thương cảm mối tình ngang trái của người dưới mồ nên người ta “thần hồn nát thần tính” mà ngỡ là có thật.
Thế nhưng nhiều chủ tàu thuyền khi xuôi ngược qua đoạn sông này đều không ai bảo ai mà dừng lại thắp nén nhang thương cảm cho ngôi mộ đã hàng chục năm vô chủ, thương cảm cho cuộc tình của đôi trai gái đến chết vẫn không rời nhau, và cầu mong cho những chuyến hàng của mình được “xuôi gió thuận buồm”.