Nơi ở của hoàng hậu cuối cùng
Cung Nam Phương Hoàng hậu nằm ở trục đường Hùng Vương, trên một ngọn đồi khá thoáng đãng, trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, gần với dinh I và dinh II của Vua Bảo Đại.
Theo tài liệu lịch sử, cung Nam Phương còn có tên là dinh Nguyễn Hữu Hào – một đại điền chủ xứ Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thân phụ của bà Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu (vợ Vua Bảo Đại). Dinh được đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình vào đầu những năm 30 của thế kỷ 20.
Gọi là “cung” nhưng cung Nam Phương Hoàng hậu không lớn, chỉ có diện tích khoảng 500m2 với một tầng lầu, một tầng trệt và một tầng hầm. Mới đây, khi dọn dẹp để trưng bày hiện vật, các nhân viên Bảo tàng Lâm Đồng đã phát hiện ngay dưới chân cầu thang tầng hầm có một đường hầm bí mật, mà theo phỏng đoán của các nhân viên ở đây, nó dẫn ra ngoài khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng để đi đến đâu đó, như một số dinh thự lớn của Bảo Đại và các quan chức cấp cao của các chế độ sau hoàng triều cương thổ ở Đà Lạt.
Tuy cung Nam Phương Hoàng hậu là công trình kiến trúc hình khối nhưng bên trong được thiết kế khá thoáng về mặt không gian, và nội thất tuân thủ kiểu “cửa vòm, ô kính màu” nên cả công trình này vẫn toát lên sự sang trọng và không quá thực dụng.
Bằng mắt thường, chúng ta dễ dàng nhận ra tổng thể của công trình kiến trúc cung Nam Phương Hoàng hậu là một hình khối theo kiểu vừa kinh điển, vừa hiện đại trong bố cục không gian của phong cách kiến trúc lúc bấy giờ - phong cách tân cổ điển có hình khối làm chủ đạo, đồng thời đã được mềm hóa bằng các họa tiết trang trí vừa mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu vừa mang dáng dấp kiến trúc của phương Đông.
Theo suy nghĩ chủ quan, chúng tôi cho rằng Art Deco là sự lựa chọn về phong cách kiến trúc trong xây dựng công trình cung Nam Phương Hoàng hậu để tặng riêng cho con gái mình là sự lựa chọn đúng của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào lúc bấy giờ.
“Lần tìm manh mối, chúng tôi biết được hiện ở Đà Lạt vẫn còn ít nhất một người từng tham gia vào việc đào đường hầm bí mật này còn sống; và người này đã xác nhận một số thông tin về đường hầm bí mật ở cung Nam Phương Hoàng hậu” – ông Phạm Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết. Theo dự đoán (vì chưa khai thông) của các nhân viên Bảo tàng, đường hầm bí mật ở cung Nam Phương Hoàng hậu rất có thể được thông đến hệ thống đường hầm bí mật của dinh I và dinh II Bảo Đại.
Đường hầm bí mật vẫn đang... bí mật
Xét về địa lý, cung Nam Phương Hoàng hậu nằm ở vị trí giữa dinh I và dinh II – cách dinh I khoảng 1km và cách dinh II khoảng 2km. Từ dinh I, cách nay nhiều năm, người ta đã phát hiện ra một hệ thống đường hầm bí mật xuất phát từ phòng ngủ của Vua Bảo Đại (sau này là của Tổng thống Ngô Đình Diệm) xuyên xuống lòng đất rồi một nhánh rẽ đến bãi đáp máy bay trực thăng ở gần đó, một nhánh khác tiếp tục xuyên qua nhiều quả đồi để đến dinh II cách dinh I khoảng 3km dọc theo đường Hùng Vương.
Khi còn sống, hầu cận tin cẩn của Vua Bảo Đại là cụ Nguyễn Đức Hòa (về sau là nhân viên của dinh III Đà Lạt) từng kể lại: “Đức kim thượng (Vua Bảo Đại) luôn căn dặn tôi “không biết, không nghe, không thấy” về hệ thống đường hầm bí mật. Sau Vua Bảo Đại, Tổng thống Ngô Đình Diệm lên nắm quyền đã cho gia cố hệ thống đường hầm từ dinh I đến dinh II một cách chắc chắn hơn…”.
Theo phỏng đoán của ông Phạm Hữu Thọ, đường hầm bí mật ở cung Nam Phương Hoàng hậu không chỉ thông với đường hầm từ dinh I sang dinh II mà rất có thể còn thông với hệ thống đường hầm dẫn đến căn nhà ngự lâm quân của Vua Bảo Đại (nay là trụ sở Ủy ban MTTQ VN tỉnh Lâm Đồng), hoặc có thể xa hơn là dẫn đến biệt điện Trần Lệ Xuân, khách sạn Langbian Palace…
Có lẽ cũng nên nói thêm một chút về Hoàng hậu Nam Phương sau khi Vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Việt Minh. Bà là người được nhắc đến nhiều bởi một lá thư vừa được công bố mới đây: “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ… Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do…”.
Rồi, những ngày ở Đà Lạt của vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam còn được nhắc nhiều đến việc xây lăng mộ cho bố mình – Quận công Nguyễn Hữu Hào – và tự tay đề hai cặp câu đối ngay lối vào nhất chính đạo (lăng Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên một đồi thông gần thác Cam Ly): “Dữ quốc đồng hưu thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh/Dưỡng thân dục đãi bách niên phong thụ đỉnh chung bi/Chất giáng trụ thiên phảng phất anh linh quy thổ lạc/Chung trừ túc địa uất thông vượng khí hộ giai thành”; có nghĩa là: “Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước/Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh/Chót vót chống trời, phảng phất khí thiên về nơi an lạc/Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành”.
“Biết đâu từ cung Nam Phương Hoàng hậu này còn có một đường hầm bí mật khác dẫn đến lăng Nguyễn Hữu Hào?” – trước câu hỏi khá bất ngờ của chúng tôi, Giám đốc Phạm Hữu Thọ tỏ ra dè dặt: “Đó là một giả thuyết hay, nhưng chỉ khi nào khai thông đường hầm mới có thể kết luận!”.