Vừa dặn “các con” không đi chơi xa, vừa vo gạo xong, nấu hai nồi cơm lớn dành cho cả chục người ăn, chị chia sẻ “ Có lẽ là nhờ nhân duyên ”.
Từ tiếng chim kêu kỳ lạ
Chị Hạt vẫn nhớ như in buổi trưa ngày 25/9/2000, vợ chồng anh chị vừa đi công việc về. Ăn cơm xong, đang nghỉ trưa thì đột nhiên anh chị nghe như có tiếng chim kêu văng vẳng bên tai, tiếng động đó nửa giống như tiếng gà con, nửa như tiếng chim con gọi mẹ.
Nằm mãi, tiếng chim lạ vẫn không dứt, vợ chồng chị Hạt bảo nhau đi tìm khắp trong vườn cà phê. Tuy nhiên tìm mãi vẫn không thấy nơi phát nguồn của âm thanh lạ …
Buổi tối cùng ngày tiếng chim lạ lại tiếp tục kêu, âm thanh nghe rõ hơn, anh Phước cầm đèn pin lùng sục khắp vườn. Cuối cùng anh phát hiện trong bụi rậm có một bọc đen; mở ba lớp vải bên trong, phát hiện thi thể một đứa trẻ sơ sinh đã chết từ bao giờ. Từ lúc đấy tiếng chim lạ cũng ngừng kêu…
Mang thi thể đứa trẻ vào nhà, chị Hạt tắm rửa sạch sẽ. Anh chị bàn bạc để ngày mai chôn nó. “Không biết bố mẹ nó là ai nhưng chết trong vườn nhà mình thì mình cũng coi như con đẻ; do là con gái nên mình đặt tên nó là Hà Thị Vô Danh ” chị Hạt kể lại.
Ngày hôm sau, gia đình chị Hạt đóng một cái hòm gỗ, cẩn thận làm thủ tục chôn cất như bao người chết khác. Ngôi mộ được chôn cất bên cạnh nhà để gia đình chị tiện đường hương khói. Phải vài năm sau, khi kinh tế khá hơn, anh chị Hạt mới xây được cho đứa trẻ một ngôi mộ đàng hoàng.
Đến những số phận lạ thường
Một thời gian sau, tình cờ anh Hà Tư Phước (chồng chị Hạt) trên đường về nhà gặp một thanh niên ngoài 20 tuổi bị xích chân, cười nói không ra hồn, hỏi đến thì không nhớ chuyện gì, không nhớ nổi tên mình, thấy tội nghiệp, anh Phước đem về nuôi.
Rồi không hiểu duyên phận thế nào, từ khi nhận nuôi một người tâm thần, gia đình anh tìm thấy thêm ba người, rồi năm người tâm thần khác. Đến nay gia đình anh Phước đã nuôi tổng số hơn 100 người có hoàn cảnh như vậy…
Điều đáng nói nguồn vật chất nuôi những người này chủ yếu dựa vào kinh tế gia đình, do anh Phước lái xe chở vật liệu xây dựng, buôn bán nhỏ mà có…
Hiện tại gia đình anh Phước đang nuôi 37 người, 36 nam và 1 nữ. Hơn một nửa trong số họ có địa chỉ gia đình gửi nuôi, phần còn lại không có tung tích bản thân; trước đó họ sống lay lắt ngoài đường, ngoài chợ.
Chị Hạt cho biết: “Không hiểu tiếng chim lạ, rồi đứa bé chết trong bọc có liên quan gì đến chuyện gia đình nuôi người điên không, mà hễ người nào bị bệnh tâm thần, đến đây vài năm thì khỏi bệnh rồi về với gia đình. Mình nghĩ đó cũng là nhân duyên ”.
Mỗi người đến đây đều có những câu chuyện hết sức lạ thường. Trường hợp của anh Nam ở thành phố Kon Tum, lúc bị bệnh, ở nhà anh đập phá mọi thứ, nhất là những thứ liên quan đến tâm linh, đồ thờ cúng.
Có thời gian anh Nam đập phá hơn 200 ngôi mộ ở nghĩa trang. Qua thông tin bạn bè, gia đình mang anh Nam xuống nhờ anh Phước - chị Hạt nuôi, đến nay đã hết đập phá, ngoan ngoãn nghe lời anh chị.
Còn trường hợp của em Luận, 23 tuổi, quê ở Bình Định. Luận yêu đơn phương một cô gái mà không được đáp lại, em âm thầm theo đuổi trong mấy năm, để rồi bị bệnh tâm thần.
Ở nhà Luận xanh xao, gầy mòn, không chịu ăn uống, chỉ đến khi về với gia đình anh Phước, Luận trở lại bình thường. Căn bệnh tiến triển tốt, khi gia đình đưa về, thật lạ, Luận lại trở nên trầm cảm, không chịu ăn uống. Lo lắng cho sức khỏe của Luận, gia đình đưa em trở lại nhà anh Phước, bây giờ Luận có thể giúp chị Hạt nấu cơm hàng ngày.
Người nữ duy nhất là chị Lâm, chị nguyên là nữ y sĩ của một bệnh viện, không hiểu lý do gì mà mắc bệnh. Biểu hiện bệnh của chị Lâm rất lạ thường. Khoảng 3 - 4 giờ sáng đã dậy đi khắp vườn, ra ngoài gặp ai chị đều xin 2000đ, mà chỉ xin 2000đ rồi đi về phòng. Nếu ai đó có cho chị 10.000đ, chị có ngay 8.000đ tiền lẻ để trả lại.
Nuôi một người bị tâm thần đã vất vả, đằng này nuôi cả mấy chục người mà vợ chồng anh Phước vẫn không kêu than, nản lòng. Anh Võ Tấn Duy, 31 tuổi bị bệnh, về nhà anh Phước được nuôi dưỡng khỏi bệnh, cảm thông và chịu ơn, anh Duy tình nguyện ở lại để chăm sóc những người bị bệnh nặng.
Vợ chồng anh Phước đã nhiều lần động viên Duy về nhà lo học nghề, tìm hiểu bạn gái để lấy vợ, nhưng Duy một mực đòi ở lại. Anh nói: “Tôi không muốn về nhà, sống ở đây quen rồi. Mình hết bệnh, có điều kiện lo cho anh em khác có hoàn cảnh như mình ”.
Nhà có hàng chục người, người gọi vợ chồng anh chị Phước - Hạt là cha mẹ, người gọi là anh chị, có người xưng tên, nhưng ai cũng ngoan ngoãn, dễ bảo. Chị Hạt chia sẻ: “Hết người này đến người khác, mình không có thể đếm được, có lẽ là hơn 100 người ở nhà này rồi. Mình đã nuôi là không nghĩ thiệt hơn, không tính toán, cứ trông cho người ta bớt bệnh về nhà là mình vui rồi ”.