Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.
Tại cơ quan công an, sau khi tỉnh táo, Tuyên bước đầu đã khai nhận trước khi gây ra vụ tai nạn đã uống khoảng 5 đến 7 cốc bia lớn tại đám cưới, do vậy nên đã không làm chủ được tốc độ.
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, tài xế gây tai nạn là Giám đốc Công ty TNHH Vật tư Công nghiệp và Bảo hộ lao động Vĩnh Lộc Phát 6, có trụ sở tại số 188 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội kiểm tra hơi thở có nồng độ cồn của Đỗ Xuân Tuyên, kết quả kiểm tra lần 1 là 1,041 mg/l khí thở và lần 2 là 1,077 mg/1 khí thở. Cũng qua kiểm tra, tài xế này âm tính với ma tuý.
Đối tượng Đỗ Xuân Tuyên tại cơ quan điều tra. Ảnh: CAND
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, với hành vi sử dụng chất kích thích trước khi tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn chết người, tài xế có thể đối diện với mức án lên đến 10 năm tù.
Luật sư Bình cho biết, pháp luật Việt Nam quy định người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông.
Theo luật sư Bình, tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn làm chết một người thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, cùng hành vi này nhưng người gây tai nạn lại đang trong trạng thái say xỉn, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép hoặc sử dụng chất kích thích mạnh thì sẽ bị định khung ở mức án cao hơn, bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Như vậy, việc say xỉn trong khi tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn có thể coi là tình tiết tăng nặng vì họ đã tăng mức độ nguy hiểm cho chính bản thân và người khác.