TIN TỨC » Tin trong ngày

Giết 3 con ốc sên bằng muối, chàng trai 26 tuổi bị cảnh sát bắt, cư dân mạng: 'Tôi có bị bóc lịch nếu giẫm chết một con gián không?'

Thứ tư, 18/08/2021 15:55

Câu chuyện thật như đùa này xảy ra với một nghiên cứu sinh 26 tuổi khi anh chàng đã bị bắt vì giết ốc sên bằng muối, sự việc được chia sẻ sau đó khiến cư dân mạng càng bất bình.

Việc giết một con ốc sên có bị coi là hành động tàn ác với động vật không?

Trong tháng này, một thanh niên đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi đổ một lượng lớn muối lên ốc sên khiến chúng mất nước mà chết. Theo đó, Hứa Chính bị kết tội "Đối xử tàn bạo với động vật", hiện đang bị giam giữ để chờ các cuộc điều tra có liên quan.

Một nghiên cứu sinh 26 tuổi đã bị cảnh sát bắt sau khi giết 3 con ốc sên bằng muối

Theo báo cáo, người thanh niên 26 tuổi họ Hứa này được cho là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Hong Kong. Vào lúc 18h ngày 4/8, anh rắc một lượng lớn muối lên vài con ốc sên bò ra sau trận mưa gần đài phun nước ở Trung tâm thương mại Biển Đông ở Tsim Sha Tsui, khiến những con ốc sên bị mất nước và chết, chỉ còn lại cái vỏ rỗng của chúng.

Khi người qua đường hỏi, anh nói rằng ốc sên sẽ gây hại cho hệ sinh thái và phải loại bỏ. Vào tối ngày 16/8, người thanh niên này đã bị cảnh sát bắt giữ.

Tin tức này đã khiến cư dân mạng bình luận xôn xao: "Có phải hết việc để làm rồi không? Đi bắt người ta ở quán ốc đi, nhiều lắm", "Ăn thịt cá không chỉ cần giết mổ mà còn phải chiên, rán nữa đấy", "Thấy có người giẫm chết con gián, bạn định gọi cảnh sát à?"...

Ốc sên là loại động vật thân mềm, sau khi rắc muối lên, sự chênh lệch nồng độ thẩm thấu giữa bên trong và bên ngoài khác nhau, nước trong cơ thể thấm ra bên ngoài, dẫn đến mất nước và tử vong.

Ốc sên được mệnh danh là "một trong bốn món ăn nổi tiếng thế giới". Quy trình muối ốc đầu tiên là công đoạn "co rút", tức là ngâm ốc trong dung dịch nước muối 4 - 10% trong khoảng 15 phút, do con ốc bị muối kích thích nên sẽ tự rút đầu và chân vào vỏ. Sau đó thả vào nồi nước sôi để tiếp tục nấu chín.

Vậy rốt cuộc tại sao người đàn ông này lại giết những con ốc sên và gặp "tai bay vạ gió"?

Mọi thứ phải bắt đầu vào ngày 4/8. Hôm đó, người đàn ông họ Hứa nhìn thấy ba con ốc sên có kích thước lớn như cái nắm tay trong khu gần nhà của mình, nhìn thoáng qua anh đã nhận ra đây không phải là những con ốc sên bình thường, mà là loài xâm hại của thuộc nhánh ốc sên Châu Phi.

Loài ốc sên châu Phi to lớn này cực kỳ có hại cho cây cối trong vườn, và được gọi là "sát thủ mục đồng".

Nó thích ăn lá cây và xác sống, thậm chí cả xi măng. Những cây bị chúng ăn sẽ có lỗ thủng, dễ gây thối nhũn và gây chết cây.

Ốc sên lớn châu Phi cũng là vật chủ trung gian của ký sinh trùng và vi trùng ở người và động vật. Mầm bệnh và ký sinh trùng rất có thể có trong chất nhầy còn sót lại sau khi bò, có thể lây lan một số bệnh, chẳng hạn như bệnh lao và viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Tác hại còn lớn hơn nếu ăn phải.

Vì vậy, ngay từ năm 2003, ốc sên châu Phi đã được đưa vào danh sách các loài ngoại lai xâm hại đầu tiên của Trung Quốc.

Ban đầu anh cũng không muốn tọc mạch, nhưng thấy trẻ em ở một số nơi đã ngồi xổm xuống chơi bắt ốc, có những em còn nhét vào miệng, thấy rất nguy hiểm nên anh lập tức mua một gói muối.

Anh Hứa từng xem khoa học phổ thông, loại ốc sên to lớn này rất ngoan cường, cách xử lý tốt nhất là rắc muối khiến chúng chết vì mất nước.

Anh lấy muối ra và rắc lên ba con ốc sên lớn, không bao lâu chúng đã chết.

Vào thời điểm này, nhiều người hàng xóm đang theo dõi, và anh đã chia sẻ một số kiến thức về sự nguy hiểm của loài ốc sên châu Phi, thu hút sự khen ngợi từ những người hàng xóm.

Cứ tưởng mình làm chuyện tốt nhưng không ngờ, làm chuyện tốt chưa được nửa tháng thì anh đã bị bắt...

Hóa ra khi anh đang rải muối, một số nhà bảo vệ động vật đã nhân cơ hội chụp ảnh, rồi tường thuật lại vụ việc.

Sau đó, đội cảnh sát phòng chống tội phạm động vật đã phái một cuộc điều tra, cuối cùng quyết định bắt giữ và đưa anh Hứa ra trước công lý.

Đội cảnh sát phòng chống tội phạm động vật ở Hong Kong ra đời sau khi một vụ ngược đãi mèo kinh hoàng xảy ra năm 2012. Theo đó, bốn người đàn ông và một phụ nữ đá một quả bóng khiến con mèo hoang bị gãy xương sống và liệt toàn thân.

Sự việc này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận Hong Kong, sau đó, một "Đội cảnh sát tội phạm với động vật" đã được bố trí dể điều tra các hành vi ngược đãi động vật, với khoảng 5 đến 6 người trong mỗi đội.

Cảnh sát cho biết họ rất coi trọng các trường hợp đối xử tàn ác với động vật. Theo "Pháp lệnh ngăn chặn hành vi tàn ác với động vật" Chương 169 của Luật pháp Hong Kong, bất kỳ ai đối xử tàn nhẫn với động vật, gây ra đau đớn không cần thiết cho chúng sẽ bị xử lý. Một khi đã bị kết án, mức tối đa hình phạt có thể bị phạt 200.000 đô la Hong Kong (khoảng 586 triệu đồng) và bị phạt tù 3 năm.

"Động vật bao gồm bất kỳ động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá hoặc bất kỳ động vật có xương sống hoặc không xương sống nào khác, cho dù hoang dã hay trong nhà" - điều luật ghi lại. Nói cách khác, ốc sên hoang dã châu Phi cũng được bao gồm trong đó.

Câu chuyện này nghe có vẻ hơi hoang đường nhưng đó lại là sự thật.

May mắn thay, sau khi cảnh sát lắng nghe lời giải thích của anh Hứa, họ không có ý định truy tố anh, nhưng có thể anh sẽ không tránh khỏi một khoản tiền phạt.

Sau khi được tại ngoại, anh Hứa quyết định công khai sự việc, mong mọi người coi đó như một lời cảnh báo và không lặp lại "lỗi lầm" của mình.

Chia sẻ của anh khiến cư dân mạng Hong Kong một lần nữa hoang mang: "Chưa từng nghe nói nếu giết sâu bọ sẽ bị bắt", "Theo luật này, tất cả các đầu bếp trong nhà hàng Pháp đều đối xử tàn ác với động vật, và việc chiên ốc trong rượu vang của Pháp cũng là bất hợp pháp?", "Bác ở chợ ngày nào cũng giết cá, không phải sẽ ngồi tù chung thân sao?"...

Cư dân mạng cho rằng nếu anh Hứa bị bắt thì các hàng quán cũng đang vi phạm luật mỗi ngày

Nhưng trên thực tế, có những mâu thuẫn trong quy định này.

Quy chế quy định cụ thể: "Điều khoản này không áp dụng đối với các hành vi được thực hiện hoặc không được thực hiện trong quá trình giết mổ hoặc chuẩn bị giết mổ động vật làm thực phẩm cho người, nhưng nếu việc giết mổ hoặc chuẩn bị giết mổ động vật đó gây ra những đau khổ không đáng có cho động vật thì được xem xét".

Nói cách khác, nếu việc giết mổ động vật được sử dụng làm thực phẩm thì đó là một ngoại lệ và không phạm pháp.

Có những sơ hở trong điều luật như vậy. Ví dụ, nếu con ốc sên lớn ở châu Phi được sử dụng để ăn, thì không có vấn đề gì khi giết nó. Nếu nó không phải để ăn, thì bạn lại đang vi phạm pháp luật.

Vậy "Quy định về phòng chống các hành vi đối xử tàn ác với động vật" này nghiêm ngặt đến mức nào?

Một số công dân đã bị truy tố vì ngược đãi mèo, và những người khác bị kết án 6 tháng tù vì giết một con hươu có nguy cơ tuyệt chủng bằng xẻng.

Giáo sư Trần Hồng Nghi của Đại học Hong Kong cho biết trường đại học Hong Kong của ông có quy định rằng việc hoàn tiền cho các bữa tiệc tối phải kèm theo hóa đơn, nhưng nếu trong danh sách thực đơn có vi cá mập thì sẽ không được hoàn tiền. Bởi vị hiệu trưởng cho rằng dù ăn vi cá mập không vi phạm pháp luật nhưng vi phạm đạo đức bảo vệ động vật.

Những câu chuyện như vậy dấy lên tranh cãi về việc bảo vệ động vật ở mức nào là đúng đắn và nên áp dụng ra sao để hợp lý trong các hoàn cảnh thực tế.

Bên cạnh đó, công chúng cũng cho rằng việc tiêu hao nhân lực, vật lực để "xử án" một người diệt ba con ốc sên là một sự lãng phí nghiêm trọng tiền thuế của dân, ai nếu không biết thì cứ tưởng rằng đây là vụ án lớn của thế kỷ.

Minh Tâm (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới