Có rất nhiều người phụ nữ tìm tới với Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết trong trạng thái sợ sệt, lo lắng. Nhiều người còn vương trên cơ thể là những vết bầm tím do những trận đòn roi hay những lần “bạo hành giường chiếu” mà thủ phạm lại chính là người chồng “đầu ấp tay kề”.
Trong buổi nói chuyện với các hội viên của CLB Phụ nữ Thủ đô về chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong phòng chống bạo lực gia đình”, bác sĩ Quyết đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện liên quan tới bạo lực gia đình mà khủng khiếp hơn là những câu chuyện về bạo dâm. Mỗi câu chuyện là một cái chau mày trên gương mặt người bác sĩ đầy tâm huyết với vấn đề sức khỏe phụ nữ ấy.
Bác sĩ Quyết cho biết: Chị Dương Thị Lê (ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) bị chồng gây áp lực trong vấn đề tình dục tới mức cơ thể gầy gò, dáng đi xiêu vẹo, giọng nói run rẩy, yếu ớt. Khi những vết thương trên cơ thể kêu cứu, khi chính cơ thể gầy gò của chị không chịu đựng được những trận bạo hành ấy, chị mới mạnh dạn tìm tới với trung tâm của bác sĩ Quyết để mong tìm được lối thoát cho chính mình.
Hai vợ chồng chị Lê đã bước sang tuổi xấp xỉ lục tuần, nhưng chồng chị lại có nhu cầu tình dục rất cao. Trong suốt câu chuyện kể của người phụ nữ ở tuổi mãn kinh ấy, không một lần chị ngước mắt nhìn lên, phần cũng vì xấu hổ với hàng xóm láng giềng, con cháu; phần vì lo lắng nếu nói ra sẽ bị chồng không chỉ bạo lực tình dục mà còn bạo lực bằng cả đòn roi trên cơ thể. Những âm thanh lọt qua hơi thở gấp gáp, sợ hãi.
Tối nào cũng thế, chị bị chồng “hành hạ”, thậm chí còn sử dụng vũ lực, thượng cẳng chân hạ cẳng tay để “thỏa mãn” mà không cần quan tâm tới sức lực cũng như cơ thể chị đang co rúm lại để chịu đựng. Chị càng kêu càng bị chồng hành hạ bằng nhiều chiêu trò hơn. Hôm nào mệt, chị từ chối thì bị chồng nghi ngờ là chị lăng loàn. Và người chồng còn đe dọa “sẽ ngoại tình nếu chị không thể phục vụ”.
Làm bà, làm ông rồi, những tưởng chị sẽ được “thoát” cảnh chồng “hành hạ giường chiếu”. Nhưng có lẽ, với chồng chị, càng tuổi xế chiều, những bức bách tình dục của ông càng tăng cao và người có thể giúp ông thỏa mãn chỉ có vợ. Cho đến bây giờ, bản thân chị Lê cũng không thể giải thích nổi vì sao chồng mình lại ngày càng “đổ đốn” như thế.
Sợ mất chồng và muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, chị nghiến răng chịu đựng và “phục vụ” chồng. Đến khi không thể chịu đựng được nữa, phần kín của chị cũng bị tổn thương, chị mới đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám và nhờ Trung tâm tư vấn.
Cũng may, sự tổn thương vùng kín của chị không để lại hậu quả quá nghiêm trọng. “Nhưng nghiêm trọng nhất chính là tinh thần của chị bị “đe dọa” hàng ngày”, bác sĩ Quyết chia sẻ.
“Bạo lực khiến phụ nữ bị bầm dập, thương tích nặng, bị mất đi một phần cơ thể, khiến họ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ, tâm trí bất ổn, thậm chí bị tâm thần… Ngoài bạo lực có thể nhìn thấy được như những tổn thương thể xác, thì bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục còn khủng khiếp hơn nhiều. Bạo lực bào mòn sức sống, trí tuệ, giết chết người phụ nữ bằng vũ khí vô hình mà chính họ cũng không thể cầu cứu được, bởi tâm lý vẫn coi đó là vấn đề tế nhị” – Bác sĩ Quyết cho biết.
Qua câu chuyện của chị Lê và của rất nhiều người phụ nữ khác, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bác sĩ Quyết khẳng định: “Xây dựng hạnh phúc gia đình là điều mà bất cứ chị em phụ nữ nào cũng mong đợi. Nhưng khi bị bạo lực, nhất là vấn đề bạo lực tình dục, chính phụ nữ cần phải có những “kế hoạch an toàn” để phòng và chống khi điều ấy xảy ra. Và đừng bao giờ dung túng cho những hành vi thô lỗ khiến mình bị tổn thương trong mỗi lần 'quan hệ'. Đừng để bạo lực theo kiểu ấy diễn ra rồi mới chống lại thì nạn nhân đã phải chịu đựng nỗi đau vô cùng lớn”.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)