Hai nạn nhân trong vụ án là cháu Phạm Thị Vân (SN 2002) và Phạm Trọng Hoàng (SN 1999, cùng ngụ tại thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Không những thế, hai đứa trẻ còn tố cha đồng tình với dì ghẻ hành hạ, nhẫn tâm đuổi các con ra khỏi nhà trong đêm.
“Mấy đời bánh đúc có xương”
Từ thông tin bạn đọc tố cáo, PV tìm về thôn thôn Bù Gia Phúc vào một ngày đầu tháng 10/2014. Ngôi làng vốn yên bình, nhưng những ngày qua dư luận dậy sóng về việc mẹ kế nhiều năm hành hạ con chồng. Nghe tin có phóng viên về thôn tìm hiểu sự việc, hàng chục người già, trẻ, lớn bé kéo về hết nhà “ân nhân” cưu mang hai đứa trẻ suốt hai tháng nay để tố cáo sự việc.
Cô Phạm Thị Đượm (SN 1962, chị gái của anh Hiểm) cho biết, năm 1998, em trai chị kết hôn với cô gái cùng quê. Nhờ siêng năng làm lụng, chỉ 5 năm sau, vợ chồng mua được căn nhà nho nhỏ và hơn 8 héc ta đất rẫy. Năm 2004, em dâu chị mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nhất quyết không chịu bán đất chữa bệnh bởi khi phát hiện bệnh thì khối ung thư đã di căn khắp cơ thể. Người vợ biết có chạy chữa, mình cũng không thể sống được nên quyết giữ lại gia sản cho chồng và hai con đỡ vất vả.
Thế nhưng, khi người vợ qua đời chưa được bao lâu, anh Hiểm phải lòng Thiềm, một phụ nữ ít hơn anh gần 20 tuổi, đã từng li dị chồng, có con riêng, liền cưới về làm vợ.
Nếu như người vợ đầu hiền lành, siêng năng bao nhiều thì cô vợ mới lười nhác và hung dữ bấy nhiêu. Sau ngày cưới, người này chỉ ở nhà sinh con, bán đất gần hết để chi tiêu và xây một ngôi nhà lớn. Sống “báo cô”, nhưng không hiểu sao người này lại có quyền uy khiến chồng phải “sợ một phép”. Chị Đượm nhớ lại, năm 2012, vợ chồng giận nhau, Thiềm đập phá hết đồ đạc trong nhà, cầm ghế, dao đuổi đánh chồng. Anh Hiểm bị vợ đánh chảy cả máu đầu vẫn không dám chống cự phải dắt các con chạy qua nhà chị gái tá túc một tuần mới dám về nhà. Chẳng hiểu cô vợ trẻ nói gì, sau khi làm lành, Hiểm lại qua nhà chị gái mắng chửi xối xả.
Thiềm sống khép kín, gần như tuyệt giao với anh em nhà chồng và hàng xóm. Từ ngày có vợ mới, Hiểm cũng thay đổi tính tình, sống tách biệt với mọi người, bởi thế chuyện trong nhà ít khi người ngoài biết được. Dẫu vậy việc Thiềm hành hạ con riêng của chồng thì cả thôn đều biết. Bọn trẻ sợ “dì ghẻ” một phép, ra ngoài thì khóc nói bị dì đánh thế này thế kia, nhưng lúc cô bác sang nhà hỏi chuyện thì chối đây đẩy nói không có.
Sự việc khiến bọn trẻ chịu không nổi, phải tố cáo, đó là cuối năm 2013, Thiềm bỗng nhiên đòi li dị. Sau khi phân chia tài sản, mẹ “ghẻ” cầm 300 triệu bỏ đi biệt tích, hai đứa trẻ mới dám kể với mọi người thường xuyên bị “dì ghẻ” hành hạ như thế nào. Nhưng cuộc sống bình yên của các cháu chẳng được bao lâu, một ngày cuối tháng 1/2014, Thiềm lù lù xuất hiện trở lại vai trò “bà chủ” như chưa từng xảy ra chuyện gì. Hiểm vui vẻ đón nhận nhưng lũ trẻ thì chống đối ra mặt, liên tục chất vấn không cho “dì ghẻ” trở về. Đỉnh điểm của cuộc xung đột xảy ra vào ngày 27/7, khi Thiềm được chồng ủng hộ bắt con riêng nhịn ăn nhìn vợ chồng và con chung ăn uống, sau đó đuổi ra khỏi nhà.
Bắt con riêng nhịn ăn nhìn mồm
Chị Đượm kể, sáng ngày 27/7, hàng xóm chạy qua nhà báo tin cô em dâu đang đuổi đánh hai đứa nhỏ. Chị Đượm vội vàng chạy qua can ngăn. Hai cháu Vân, Hoàng thấy bác thì ùa ra ngoài nức nở: “Bố mua ba tô bún riêu về cho bố, dì và em ăn, bắt tụi con nhịn đói nhìn mồm. Con hỏi sao không cho tụi con ăn liền bị dì chửi mắng và cầm chổi đuổi đánh”.
Đúng lúc đó Thiềm cầm cây chạy ra, nhìn thấy chị chồng liền chống hai tay ngang hông nguýt dài thách thức rồi quay ngoắt vào nhà. Hai đứa trẻ theo bác về nhà ăn uống, đến chiều mới quay về nhà mình. Tưởng chuyện đã im, không ngờ chập tối lại có người chạy qua nói vợ chồng Thiềm đánh đập, đổ cơm, đuổi bọn trẻ ra khỏi nhà. Anh em, làng xóm chạy sang chứng kiếm “dì ghẻ” đang cầm cây vụt tới tấp vào lũ trẻ. Lại vào can ngăn, thì hai vợ chồng em trai hung hãn chỉ vào mặt la lối dọa sẽ “tố cáo tội thâm nhập tư gia bất hợp pháp”. Hiểm còn lớn tiếng tuyên bố: “Chúng nó là con tao, tao có quyền làm gì tùy thích, tụi mày có quyền gì mà ngăn cản”.
Khi được “giải thoát”, bé Vân, Hoàng ấm ức kể: “Con đang nấu cơm thì dì trở về nhà bê cả nồi cơm đổ úp vào thau nhựa xanh (loại thau dùng để tiểu, tiện cho hai con của Thiềm và Hiểm - NV). Con nói, sao bà đổ cơm của anh em tôi thì dì lấy chổi đuổi đánh. Anh Hoàng nghe tiếng chạy vào la không cho đánh con cũng bị đòn luôn. Lúc đó bố cũng về đến nhà nhưng bố không can ngăn mà vào hùa với dì đánh đuổi chúng con”
Tối hôm đó, Vân, Hoàng bị cha và dì đuổi ra khỏi nhà, phải qua nhà họ hàng ở nhờ suốt hai tháng nay. Đã không cảm kích hàng xóm thì thôi, Hiểm và Thiềm còn liên tục qua nhà hàng xóm gây sự, hết sỉ vả đến đe dọa “nếu hai đứa nhỏ bị ốm đau bệnh tật thì sẽ kiện lên công an”. “Không cưu mang, lỡ tụi nhỏ trở về, có chuyện gì thì chúng tôi ân hận cả đời; song nếu không cưu mang thì bọn trẻ biết đi về đâu, buộc chúng tôi phải làm đơn thưa sự việc ra công an xã”, một hàng xóm chia sẻ.
Bắt trẻ dùng lưỡi liếm nền nhà, bị dúi đầu vào toilet
Gặp Hoàng, Vân sau buổi hòa giải ở UBND xã, đôi mắt hai đứa trẻ đau đáu xen lẫn nỗi sợ hãi. Bé Vân mếu máo: “Bố và dì nói tụi con quay về nhưng tụi con không về đó nữa đâu. Về thể nào cũng bị đánh chết. Dì hành hạ anh em con lâu rồi, nhưng dọa nếu mách với người ngoài sẽ bị đánh nhừ đòn nên con không dám cho ai biết. Dì dữ lắm, đánh cả bố bể đầu vì dám bênh vực tụi con kìa”.
Vân kể, bất kể hai anh em làm đúng hay sai, thấy ngứa mắt là dì lại đánh. “Nhà khách dơ, dì bắt con lau đi lau lại 6 lần, nếu vẫn chưa sạch là đè đầu sàn, lấy cán cây lau nhà đánh tới tấp. Ở phòng bếp, lau xong vẫn còn mùi tanh, dì bắt con lè lưỡi ra liếm nền gạch chừng nào sạch mới thôi. Dì ghét nhất là nhà vệ sinh dơ. Mỗi lần như vậy đều nắm đầu con, nhận vào bồn cầu phạt tội lười nhác”.
Phạt con riêng, nhưng Thiềm cũng không làm đúng nghĩa vụ của một người mẹ. Nhiều lần cô ta bỏ mặc hai con của mình đi chơi, bắt con riêng phải chăm sóc.
“Hằng đêm con phải ru em ngủ, pha sữa cho em uống… để dì ngủ. Khi em bé mới bốn tháng tuổi, dì bỏ mặc cho hai anh em con chăm sóc, cùng cha đi du lịch ở Đà Lạt mấy ngày mới về. Gần đây dì bỏ đi Đồng Nai nói là đi làm ăn để mặc hai em cho con trông”, bé Vân nói.
Thiềm cũng không ngần ngại đốt sách vở, quần áo của “con ghẻ” để trừng phạt. Vân kể: “Mỗi ngày con phải làm rất nhiều việc như trông em, dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng, chẳng có thời gian học bài. Nhiều hôm tranh thủ vừa giữ em vừa học, chưa kịp nấu ăn liền bị dì lôi sách vở quần áo ra đốt sạch”. Dẫu vậy, Vân còn may mắn hơn anh trai mình. Cậu bé bị “dì ghẻ” bắt nghỉ học đi làm rẫy hơn 1 năm nay. Những lúc nông nhàn, Hoàng phải tăng gia làm những việc khác để kiếm tiền, làm trái ý cũng bị đánh. Hoàng kể: “Có hôm con bắt được rất nhiều cua, dì Thiềm bảo mang đi bán bớt. Nhưng con lỡ bán hơi nhiều thế là dì đuổi đánh, chửi bới và đốt luôn một nửa số tiền bán cua”.
Suốt một thời gian dài sống trong sợ hãi, các em chỉ biết bảo vệ mình bằng cách im lặng. Từ khi mẹ kế đòi li hôn, đã ôm tiền bỏ đi nhưng lại thất thế quay trở về thì Hoàng, Vân đã phản kháng lại. Khi bị cha và dì bỏ đói bắt nhìn miệng, khi bị “mẹ ghẻ” đổ cơm không cho ăn, thay vì im lặng như xưa, các em đã đứng lên phản kháng, chấp nhận bị dì đuổi đánh, bị chính cha đẻ đuổi ra khỏi nhà. Hơn hai tháng được hàng xóm cưu mang, với hai em, đó là khoảng thời gian thấy mình được sống thật sự nên chúng không muốn quay về ngôi nhà cũ. Hoàng nói: “Anh em con không muốn ở chung nhà với dì Thiêm, chỉ muốn được ở riêng, khổ mấy cũng chịu được”.
Trong khi đó anh Hiểm từ chối trả lời phóng viên với lý do “tôi đã nói hết trên công an, đây là việc riêng của gia đình không cần báo chí phải biết”.
Báo cáo về vụ việc trên, công an xã Phú Nghĩa cho biết, sau khi điều tra đã chứng minh đối tượng Thiềm có hành vi xâm hại sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các thành viên trong gia đình nên sẽ bị xử phạt hành chính. Một cán bộ công an cho biết, xã đã mời các bên liên quan lên hòa giải. Vợ chồng Hiểm - Thiềm đã nhận lỗi và xin đón các cháu về nhà, tuy nhiên hai cháu Hoàng, Vân không chịu nhất quyết đòi ở riêng, nên chính quyền “rất khó xử”.
Dư luận không đồng tình với cách xử lý trên của Công an xã, mà cho rằng hành vi của hai đối tượng, đặc biệt là Thiềm, thậm chí có dấu hiệu hình sự. Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) nhận định: “Nếu những lời tố cáo của hai cháu bé như Thiềm bắt liếm nền nhà, dúi đầu vào bồn cầu… là sự thật, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể truy tố Thiềm về tội hành hạ người khác”.