Hôm 4.8 vừa qua, bé trai Phạm Minh Nam vừa tròn một tuổi. Được gia đình tổ chức sinh nhật, Nam nhận được rất nhiều quần áo, đồ chơi từ người thân. Để vừa lòng mọi người, Nam được mẹ lần lượt cho thử quần áo được mua tặng.
Cuối ngày, thấy con quấy khóc nhiều, chị Nguyễn Lan Anh, mẹ Nam vội vàng kiểm tra người con trai thì tá hỏa khi khắp mình mẩy em nổi các nốt đỏ, có bọng nước nhỏ. Điều lạ là vùng nổi đỏ và mọng nước chỉ xuất hiện ở khu vực có ma sát với quần áo, còn hai cánh tay và chân không bị vấn đề gì.
Vội vàng đem con ra bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết, con trai chị bị dị ứng thể nặng, viêm da, rất có thể do thuốc nhuộm và vải vụn trong quần áo kém chất lượng.
Bạn Phan Thu Hà, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Thương mại Hà Nội cũng từng trải qua cảnh ngộ tương tự.
Là sinh viên không rủng rỉnh nhiều tiền để mua quần áo hàng hiệu, Hà và nhóm bạn gái thường rủ nhau ra chợ Nhà Xanh, chợ đêm sinh viên (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) để mua đồ. Giá các loại quần áo ở đây khá rẻ, chỉ 30.000 đồng đến 50.000 đồng một chiếc áo và 120.000 đồng – 150.000 đồng một chiếc quần bò. Chỉ cần 500.000 đồng, nhóm của Hà đã mua được kha khá đồ, mặc cho cả một học kỳ. Thế nhưng sau khi mặc vài lần, một vài bạn trong nhóm của Hà bị ngứa ngáy khắp người, có bạn bị nổi nốt đỏ dù trước khi mặc, họ đã giặt kỹ đồ ngay sau khi mua về.
“Hôm mang đống đồ về, cả bọn bỏ ra để ướm thử khiến một chị ở cùng phòng của em hắt hơi liên tục. Ngửi kỹ, cả bọn mới thấy dù quần áo trông rất mới nhưng mùi rất hắc, ngái và có nhiều bụi vải bám vào các đường may”, một bạn trong nhóm Hà cho biết.
Bỏ bẵng vài ngày không mặc, nốt đỏ giảm rồi biến mất nhưng chỉ cần mặc đồ một ngày, Hà lại bị cơn ngứa hành hạ. Không hiểu rõ nguyên nhân nhưng đoán chắc do quần áo có chất độc hại da, nhóm Hà không dám mặc nữa.
Dạo quanh một vòng các chợ Nhà Xanh, chợ đêm sinh viên (Cầu Giấy), chợ đêm Phùng Khoang (Thanh Xuân)… các mặt hàng quần áo được bày bán la liệt. Giá quần áo được chủ hàng gắn sẵn trên các dãy treo đồ với giá rẻ giật mình.
Áo phông với màu sắc và kiểu dáng trẻ trung, in các hình ấn tượng có giá 40.000 đồng/chiếc, áo sơ mi khoảng 50.000- 70.000 đồng/chiếc, váy 40.000- 100.000 đồng/chiếc. Quần bò, quần kaki các kiểu có giá khoảng 120.000 đồng. Ngay giữa nền quầy hàng, từng đống quần áo lớn, hổ lốn, được bán đồng giá 20.000 đồng/ chiếc.
Đặc biệt, các khu chợ siêu rẻ này còn có loạt cửa hàng bán đồ lót với giá thành không thể rẻ hơn. Quần lót nữ được bán 10.000 đồng/3 chiếc, áo lót nữ 15.000 đồng-25.000 đồng/chiếc. So với giá trung bình của các loại mặt hàng này trên thị trường, mức giá ở đây rẻ đến khó tin.
Giá thành thấp, địa điểm lại nằm ngay trung tâm khu vực dành cho các trường đại học cao đẳng khiến các khu chợ này luôn đông đúc. Trong các đống quần áo ngổn ngang, khách hàng thi nhau bới lục, tìm kiếm.
Xen kẽ giữa các quầy hàng dành cho người lớn là khá đông hàng dành cho trẻ em. Quần, áo dành cho các bé ở đây được bán theo lô. 50.000 đồng/ 1 lô 10 quần và 150.000 đồng/ 1 lô 10 áo. Theo quan sát của phóng viên, quần áo của cả người lớn và trẻ em khá đa dạng về kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, in nhiều hình ảnh dễ thương.
Chị Lê Thu Hương, một người bán quần áo trong chợ Nhà Xanh cho biết: “Hàng của hầu hết các sạp trong chợ đều được lấy từ Quảng Châu, Trung Quốc. Mỗi tuần một lần, tôi và một số bạn hàng đều qua lấy hoặc nhờ người nhà lấy hộ rồi chuyển về”. Theo bật mí của chị Hương, giá gốc của các mặt hàng còn rẻ hơn nữa.
Khi được hỏi về chất lượng quần áo, chị Hương cười và phẩy tay: “Hàng mua theo lô, kiểu hổ lốn và giá rẻ thì lấy đâu ra chất với chả lượng. Mà khách hàng chủ yếu của tôi toàn là sinh viên, các bạn trẻ, chỉ mặc một vài tháng rồi bỏ thì cần gì hàng xịn”.
Theo chị Hoàng Hiền Thu, một thợ chuyên cắt gấu, thay khóa, sửa chữa quần áo bò trong chợ Nhà Xanh, tất cả các quần áo ở đây đều được nhập về từ Trung Quốc, thậm chí có cả quần áo hàng thùng, hàng second-hand. “Khách đến mua quần áo nếu rộng và dài quá đều mang qua cửa hàng của tôi cắt gấu hoặc sửa lại. Làm trong nghề này tôi biết, quần áo chủ yếu là hàng kém chất lượng, nhiều bụi bẩn, phẩm màu, nhiều khi chỉ miết vài lần là màu quần bò đã nhuộm xanh cả bàn tay. Khi làm việc, tôi phải đeo khẩu trang kín mít không thì mùi quần áo sộc vào mũi rất khó chịu”, chị Thu nói thêm.
Nói về các sản phẩm quần áo trôi nổi trên thị trường đa phần đều xuất xứ từ Trung Quốc, anh Nguyễn Văn Kha, giám đốc xưởng may Kha Thoa chuyên gia công hàng may mặc công sở cho các hãng thời trang cho biết, hầu hết các loại vải vóc kém chất lượng từ Trung Quốc đều tẩm hóa chất chống mốc, phẩm nhuộm màu, formaldehyde... Với những người có da nhạy cảm, các chất này sẽ gây kích ứng cho da khiến da mẩn ngứa, viêm nhiễm.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hoá, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, formaldehyde là chất rất khó ngửi, nên nếu quần áo có mùi nặng, rất có thể do sự có mặt của hoạt chất này.
Ở nồng độ thấp, phoóc-môn có thể gây phồng rộp giác mạc, kích ứng mũi và họng, có khả năng gây chảy nước mắt, hắt hơi và ho. Với nồng độ cao chúng có thể gây cảm giác buồn nôn và khó thở.
Ngoài ra, một chất khác cũng thường được sử dụng trong quần áo Trung Quốc là aromatic amine thuộc nhóm amine thơm. Chất này đã bị cấm sử dụng từ lâu, nhất là sử dụng đối với mặt hàng dân dụng như quần áo. Khi xâm nhập qua đường mũi, miệng, aromatic amine sẽ gây nên bệnh bạch cầu, ung thư...
Tuy nhiên, số hóa chất chỉ gây hại khi quần áo, vải vóc còn mới và có thể loại bỏ sau khi giặt sạch. Do đó, để tránh những độc hại từ các loại quần áo không được sản xuất an toàn, người dân nên tránh mua các loại quần áo có mùi khó ngửi. Với quần áo nghi bị nhuộm màu nhiều, nên giặt cho đến khi ra hết màu sau đó mới sử dụng. Quần áo mới mua về không nên mặc ngay mà phải giặt nhiều lần, phơi nắng khô ráo để loại bỏ chất độc bám trên đó.