Thế kiềng ba chân sắp bị phá
Sau khi nhiều đối thủ, trong đó có Uber và Gojek, "khăn gói quả mướp" rời Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ đã được tinh gọn hơn về số lượng thương hiệu. Miếng bánh thị phần bị bỏ lại nhanh chóng được các đối thủ chia chác và chiếm lấy. Dù vậy, cuộc chiến giành thị phần vẫn chưa có hồi kết khi lần lượt những gương mặt mới xuất hiện.
Việt Nam, với thị trường gọi xe công nghệ ước tính đạt 880 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến tăng trưởng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029 (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 19,5%), sau khi chào đón thương hiệu nội địa Xanh SM (GSM), đang chuẩn bị đón thêm một đại gia khác nhập cuộc.
Thời điểm đầu năm 2025, trên sân chơi này còn lại 3 tên tuổi chính: Grab, Be và Xanh SM theo thứ tự xuất hiện tại Việt Nam. Grab dù vẫn giữ vị trí dẫn đầu với hơn 50% thị phần, song cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn với sự vươn lên mạnh mẽ của Be và tân binh Xanh SM.
Dù gia nhập thị trường muộn hơn Grab, cả Be và Xanh SM đều cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ. Đáng chú ý, hai "tay chơi" này sở hữu tiềm lực mạnh mẽ từ những tập đoàn lớn: Xanh SM được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trong khi Be nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức như VPBank và Deutsche Bank, với các khoản tài trợ lên tới hàng trăm triệu USD.
Xanh SM mới đây đã công bố tăng vốn điều lệ từ 12.731 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn thứ năm kể từ khi ra mắt vào tháng 3/2023, nâng tổng số vốn gấp 6 lần so với mức ban đầu khi thành lập là 3.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này đều từ tư nhân, bao gồm 15.150 tỷ đồng tiền mặt và 2.850 tỷ đồng góp bằng tài sản.
Nhưng nếu Bolt gia nhập thị trường Việt Nam, liệu Xanh SM và Be có tăng cường liên minh để bảo vệ thị phần?
Hãng xe mới - Bolt
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Bolt – "kẻ khuấy đảo" thị trường xe công nghệ tại châu Âu – đang làm dấy lên câu hỏi liệu tân binh này có thể lật ngược thế cờ và định hình lại vị thế của các ứng dụng gọi xe trong nước.
Bolt, với sự hậu thuẫn của các “ông lớn” như Daimler và Didi Chuxing, đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ ở châu Âu nhờ chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế và giá cước thấp hơn 20% so với đối thủ.
Tại Đông Nam Á, Bolt được biết đến như một kẻ thách thức lớn, gây sức ép lên các hãng xe bản địa. Hãng bắt đầu mở rộng hoạt động từ năm 2020 tại Thái Lan, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Bangkok, Phuket và Chiang Mai. Trong thời gian đầu, Bolt thực hiện chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế và cam kết giá cước thấp hơn 20% so với các đối thủ.
Đến tháng 11/2024, Bolt tiếp tục mở rộng sang Malaysia, triển khai tại 2 thành phố lớn là Klang Valley và Kuala Lumpur. Tại đây, doanh nghiệp áp dụng mức hoa hồng cố định 15% khi ra mắt, đồng thời triển khai chiến dịch giảm giá 50% để thu hút hành khách mới, theo The Rakyat Post.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Bolt đã trở thành một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất châu Âu, nhờ chiến lược thu hoa hồng thấp và giá cước cạnh tranh. Hãng cung cấp các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa, thuê xe điện và di chuyển cho doanh nghiệp, hiện hoạt động tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu.
Theo Reuters, Bolt đạt doanh thu 2 tỷ euro (2,11 tỷ USD) trong năm 2024. Trước đó, vào năm 2022, doanh nghiệp được định giá hơn 8 tỷ USD khi huy động 628 triệu euro từ các nhà đầu tư vào tháng 1/2022.
Trên trang LinkedIn, ứng dụng gọi xe công nghệ này đã đăng thông tin tuyển dụng 3 vị trí: Chuyên gia vận hành, trưởng nhóm và chuyên viên chăm sóc khách hàng làm việc tại văn phòng TP. HCM. Đồng thời, ứng dụng và website của Bolt đã hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt. Nhiều khả năng, sau Thái Lan và Malaysia, Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo trong khu vực Đông Nam Á của Bolt.
- Tag
- hãng xe mới
- Grab
- Be
- Xanh SM