Tay không bắt... ma
Con đê sông Cầu dẫn lối vào nhà người đàn bà có "kỳ tài bắt ma" cũng trở nên huyễn hoặc trong bụi cát mù mịt. Xe ben chở đất đá chạy qua đường tàu nảy tưng tưng rồi giáng xuống nền đường, làm tiếng va đập của thùng xe mạnh như...ma làm. “Đấy, qua đường tàu rẽ phải, đi một đoạn đường bê tông đến khu rừng keo cạnh đê sẽ thấy gốc đa. Xuống chân đê là nhà “cô” đấy...”, người đàn bà bịt mặt bán hàng giải khát bên cạnh đường sắt tỏ ra tường tận lối vào nhà “người đàn bà tài cán bắt ma”.
Rẽ theo lối được chỉ, chúng tôi lựa ổ gà trên con đê già nua để phóng xe máy hướng đến nhà “cô”, bỗng thấy giữa đồng một giàn hoa giấy tím ngắt, trơ trọi cô độc phơi dưới cái nắng gắt. Triền đê nóng ran, bụi đất đỏ hắt vào mặt như có người ném cát bởi mấy chiếc xe công nông chạy ngược chiều. Tôi đang mải dụi mắt vì bụi đường, gốc đa hiện ngay trước mặt. “Bác ơi cho tôi hỏi nhà thầy đuổi ma đâu ạ?”. “Đây. Lối này”, bà chủ quán bán hàng hớt hải chỉ xuống phía dưới gốc đa. Xe tôi chưa kịp rẽ xuống lối bà chỉ, bà chủ quán “ới” lại, “đến vào giờ này ai làm việc. Thầy nghỉ trưa rồi”. Chán thế! Thầy làm việc giờ giấc thật. Cũng đã quá “ngọ” thôi thì tôi gọi bát mì tôm ăn để chờ “cô”. Lạ thay. Không rõ là “thầy” hay là “cô” mà người đầu đường và người cuối đường có hai cách gọi khác nhau như vậy? Tôi vừa ăn mì vừa hỏi về “tình hình” của nhân vật.
Quán trên đê tuềnh toàng, đó là đầu thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Bóng cây đa tán còn quá nhỏ, không đủ che cái nắng giữa trưa nắng gắt 39 độ của ngày 24-4. Nhưng, không vì thế mà thôn trưa vắng lặng, kém đông. Mấy chị chừng tuổi 40 ngồi đối diện tôi đang “nổ” rất kêu về “người kỳ tài” này. “Các chị là người ở thôn Cố Lương ạ? Tôi hỏi một câu thì mấy chị hỏi lại tôi đến bốn câu: “Thế chú ở đâu đến?” “Em ở Thường Tín, Hà Tây cũ”. “Bọn chị ở Phổ Yên, Thái Nguyên? “Các chú đến lần đầu à? Vâng. “Cô này giỏi lắm, bọn chị đến trả lễ. Trước nhờ bắt ma cho giờ mới có thời gian đến tạ. Nhà chị trước đây có 4 con ma, đến cô đọc vanh vách. Cô bắt cho rồi. Cô bảo không bắt ma đi thì nó bắt hết lợn gà, chăn nuôi còn lâu mới được...” “Cô”...xuất hiện Bình thường, dưới mái tôn nóng như “lò bát quái” trước hiên nhà “cô” thì khó ai có thể ngồi như thế được. Vậy mà, sự thật đang diễn ra trước mặt tôi, đó là hàng trăm con người nằm, ngồi, nghiêng ngả la liệt dưới mái nóng thiêu đốt, chẳng ai kêu ca. Tôi nhìn đồng hồ, kim chỉ 13h30. “Cô dậy rồi.”. Những gương mặt chờ đợi dưới sân đang phiền não bỗng tươi tỉnh trở lại. “Cô” lững thững trong cái ngáp miệng ngái ngủ trưa hè, vừa từ trong nhà bước ra sân vừa đưa tay rũ mái tóc không dài, không ngắn. “Cô tên đầy đủ là gì chị nhỉ”, “Nguyễn Thị Đích”, một chị có gương mặt gầy xương thì thụt.
Tôi tiến lại hàng ghế đá xếp dưới sân để “chiếm” một chỗ ngồi “lý tưởng”. “Cô” vẫn chưa đuổi ma. Mà còn ngái ngủ. Trong cái quần mầu xám và vận chiếc áo hoa cộc tay khoét cổ. “Cô” nằm ệch ra chiếu gần mấy chị ngồi. Tôi không nghe thấy “cô” nhờ “mát xa”, mà chỉ thấy tự tay bóp đầu, bóp cổ trong tư thế nằm thoải mái giữa sân. Một vị khách nữ như hiểu ý, bóp đầu cho “cô”; vị khách tiếp theo cũng hiểu ý bóp chân tay. Chừng 15 phút, dường như “cô” bớt ngái ngủ. “Điện thoại của cô đổ chuông, cô tất tả vào trong phòng thờ, vừa khấn vái vừa “chỉ đạo”. “Đấy. Có ông lãnh đạo gọi cho tôi nhờ xuống hiện trường vụ tranh đất cát để gọi “âm binh” giải quyết. “Cô” nói chưa dứt lời, những gương mặt chực chờ chưng hửng. Rồi đồng thanh cất tiếng “cô làm cho hết những người ở đây rồi hãy đi”.
Trong khi “cô” lảm nhảm với chiếc máy điện thoại, tôi bốc máy gọi theo số ghi trên tường thì chuông vẫn reo mà không hề có ai bắt máy. Được biết, đó chính là số điện thoại của cô ghi ra và dán lên tường để khách tiện liên hệ.
Trong hàng trăm con người chực chờ, có mặt từ sáng tinh mơ, nhờ “cô” đuổi ma, bắt quỉ đang hành hoành trong gia đình, cũng có một số người đã nhờ đuổi ma xong, giờ mang lễ đến tạ “cô”. Và họ ở xa, chủ yếu một số tỉnh lân cận, không có ai là người địa phương. Còn “cô” lúc này đã ngồi trên bậc tam cấp hướng về các “tín đồ” dưới sân “nổ” rằng xuất thân của tôi là gia đình nghèo ở Cốc Lương, từng đi thu mua phế liệu khắp nơi, và sau một đêm “tôi được ăn lộc” ăn liền một lúc 47 nồi cháo không no, tu hết 2,5 lít rượu mà không hề say. Quả là "kỳ tài" chỉ có ở người đàn bà được mệnh danh là “hoàng hậu bắt ma” có một không hai trên thế gian này.