Ngày 27.8.2009, gia đình của chị Phạm Thị Ngọc Bích (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) làm đám giỗ cho cha và có mời một số khách đến dùng cơm thân mật với gia đình. Trong số này, có hai vị khách quen thân là Phan Tấn Phát và Lê Bình (thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, Trà Vinh) không ngại đường xa ôm hai thùng bia 333 đến dự.
Anh Phát và Bình là bạn quen thân với Bích trước đây nhưng lâu ngày không gặp. Vào bàn tiệc, Bích giới thiệu anh em dòng họ và chồng là anh Trần Văn Nhân cho hai vị khách quý biết. Tiệc rượu theo đó rôm rả hơn.
Có chút men bia rượu vào, trước tấm lòng của bạn cũ, Bích bày tỏ sự cảm kích bằng cách “tặng” cho Phát một... nụ hôn! Lúc này, anh Nhân - chồng của Bích - đã bừng cơn ghen nhưng kịp dằn lại được cho vui cửa vui nhà bên vợ.
Đáp lại tấm lòng “hết mình” của gia chủ, Phát và Bình nhậu “không say không về”. Khi hết bia, Phát mua thêm két bia khác về nhậu tiếp. Lúc này, trong bàn chỉ còn có Nhân, Phát, Bình và Bích ngồi nhậu. Uống tiếp được vài chai bia thì Phát đi “xả hơi”, còn Bình ra ngoài nghe điện thoại riêng, Nhân cũng đi vào nhà lấy thêm nước đá và mồi ra nhậu tiếp.
Thấy Phát đi lâu chưa vào, Bích ra ngoài mời vô nhậu tiếp. Trên đường vào, Phát “tranh thủ” hôn Bích một cái để… đáp lại. Lúc này, Nhân từ nhà đi ra, thấy cảnh Phát hôn vợ mình nên máu ghen nổi lên.
Nhân hỏi Phát: “Ông có gì với vợ tôi mà hôn vậy?” Phát trả lời: “Anh em không hà”.
Lúc này, Bình nghe điện thoại xong trở vào bàn nhậu, khuyên can hai bên và tiếp tục khui bia nhậu. Hết bia, Phát lại sang quán kế bên mua tiếp. Tức giận trước hành động quá trớn của Phát và vợ mình, Nhân bỏ vào nhà “méc” mẹ vợ và xách cây mác tìm Phát hỏi chuyện.
Thấy Bình đang đứng nghe điện thoại ngoài đường, Nhân chém một nhát vào lưng. Bình (thương tích không đáng kể) nhảy xuống sông thoát thân. Nhân quay lại chém Phát một nhát gần đứt tiện bàn tay trái. Bà con xung quanh đến can ngăn Nhân và đưa Phát đi băng bó vết thương tại Bệnh viện Đa khoa Vũng Liêm.
Do vết thương sâu, đứt gân nên bệnh viện chuyển Phát lên Trung tâm Chỉnh hình TP.HCM điều trị tiếp. Theo kết luận giám định pháp y, vết thương ở bàn tay Phan Tấn Phát bị đứt hết các dây cơ, dây thần kinh, gây mất cảm giác và mất phản xạ bàn tay. Tỉ lệ thương tích của Phan Tấn Phát là 30%.
Nhân bị Công an huyện Vũng Liêm bắt sau đó và bị khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Sau vụ án, phía gia đình Nhân có thương lượng với Phát khắc phục hậu quả tiền thuốc điều trị, mất sức lao động, tinh thần… là 50 triệu đồng và gia đình Nhân đã khắc phục được 20 triệu đồng.
Ngày 30.11, TAND huyện Vũng Liêm đưa vụ án trên xét xử lưu động tại xã Trung Thành Đông. Bị cáo Nhân cho rằng Phát có những hành động xúc phạm, ảnh hưởng đến tâm lý trong lúc có rượu nên không kiềm chế được hành động của mình… Còn Phát chối quanh cho rằng “bị Bích - vợ của Nhân - hôn và không có đáp lại”. Tuy nhiên, hồ sơ điều tra và các nhân chứng tại tòa xác định được Phát là người có lỗi trước.
Nhận thấy vụ án có một phần lỗi của bị hại, bị cáo Nhân gây án trong tình trạng bị xúc phạm, ảnh hưởng về tâm lý. Bản thân mới phạm tội lần đầu và sau khi gây án tích cực khắc phục hậu quả nên giảm nhẹ một phần hình phạt. TAND huyện Vũng Liêm tuyên án sơ thẩm phạt Trần Văn Nhân 9 tháng tù giam tội “Cố ý gây thương tích”.
Vụ án này cũng là bài học kinh nghiệm trong cách xã giao, nhất là đối với những phụ nữ đã có chồng.