TIN TỨC » Tin trong ngày

Khu vườn chôn 70 gánh vàng tại Hưng Yên

Chủ nhật, 05/05/2013 23:18

Cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 30km, một ngôi làng nhỏ tại thị trấn Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) hiện vẫn còn lưu truyền những câu chuyện nóng hổi liên quan đến 70 gánh vàng người Tàu từng chôn lại.

Kho vàng "ngủ quên" dưới lòng đất?

Chạy dọc quốc lộ 5, vòng qua đường 39, chúng tôi tìm về thôn Do, thị trấn Yên Mỹ vào một ngày nắng nhẹ. Tiến sâu vào làng, chúng tôi cảm nhận rõ nét cổ kính, thuần hậu của làng quê ven sông Bần này.

Xe đỗ xịch trước một chiếc cổng mái vòm cổ kính, thông tuột vào một con ngõ nhỏ. Con ngõ sâu hun hút dẫn qua chiếc cổng làng hình tò vò đưa chúng tôi đến một cánh đồng lồng lộng gió.

Chẳng biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã quen gọi cánh đồng là "vườn quan xó lác". Tương truyền, dưới lòng đất nơi đây hiện vẫn còn giấu cả một kho vàng khổng lồ.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, "vườn quan xó lác" xưa kia là cánh đồng rộng vài chục mẫu, bao quanh là hồ nước và kênh rạch chằng chịt.

Sau những biến thiên thời gian, "vườn quan" giờ đã thay đổi nhiều, có chỗ bị đào lấp, chỗ khác lại xanh mướt hoa màu. Song, có một điều đặc biệt khiến chúng tôi không khỏi chú ý, đó là rác những ngôi mộ nằm rải rác hai bên cánh đồng.

Những ngôi mộ này, cái có tên, cái vô danh nhưng vô hình trung tạo cho không gian thêm vẻ kì bí, huyền ảo. Một ngôi mộ lớn vượt lên, nằm chình ình giữa gò đất cao lập tức gây sự tò mò của tất cả chúng tôi. Chẳng ai bảo ai, cả nhóm dò dẫm tìm đến.

Vừa đặt chân xuống bờ cỏ, một tiếng gọi bất thình lình vọng lại từ phía xa khiến chúng tôi giật thót mình: "Đừng có dại dột mà ra đó, coi chừng bị ám đấy cháu".

Tôi ngoái đầu nhìn lại, một lão nông chừng 70 tuổi nói với chúng tôi bằng chất giọng quê đặc sệt. Hỏi ra mới hay, ông tên là Phạm Văn Trang, người thôn Đỗ Xá.

Theo lời kể của cụ Trang, thời xưa "vườn quan" toát ra khí lạnh run người. Ai yếu bóng vía qua đó vô tình dính phải gió độc có thể phát bệnh mà chết hoặc bị tâm thần.

Cũng vì thế mà rất ít người dám lai vãng đến gần, đám trẻ chăn trâu trong làng cũng chẳng bao giờ dám lùa trâu vào "vườn quan" gặm cỏ, dù quanh năm cỏ mọc xanh tốt. Hết thế kỷ này qua thế kỷ khác, khu vườn càng khoác trên mình màu sắc bí ẩn mà rất ít người có thể khám phá ra.

Cổng vào thôn Do, nơi có “vườn quan xó lác”.

Đem thông tin về kho vàng được giấu dưới "vườn quan" trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi được giải thích, khu "vườn quan xó lác" xưa kia là một gò đất cao. Một thời gian người dân đào lấy đất làm gạch và vô tình phát hiện ra có vàng lẫn vào đất.

Một người dân trong làng là anh Nguyễn Văn Hóa cũng có mặt tại buổi hôm đó. Ngay lập tức, anh Hoá liền huy động người nhà đến tìm vàng nhưng không phát hiện thêm được gì. Dần dần cũng phải từ bỏ ý định.

Theo ông Trang, liên quan đến lời đồn về khu vườn chôn vàng còn có rất nhiều điểm nghi vấn. Người thì bảo một tấn, người lại bảo 70 gánh vàng.

Nghe các cụ kể lại, người Tàu từng lần theo gia phả, nhiều lần thực hiện những chuyến khai thác vàng bí mật ở khu vực "vườn quan".

Họ chất đầy vàng bạc châu báu vào các quan tài để vận chuyển về nước hoặc tẩu tán tài sản trong các hang núi ở miền Bắc. Không loại trừ khả năng một số kho vàng giấu tại các hang núi phía Bắc nước ta là kho báu người Tàu chuyển về từ "vườn quan" và giấu tại đó!?.

"Vệ tinh" giữ của cho "vườn quan" hay chỉ là giai thoại

Cũng theo lời cụ Trang, người Tàu từng xây dựng rất nhiều quần thể xung quanh khu vườn để bảo vệ kho vàng. Ngay sát đường đi vào thôn Đông Phong trước kia có một ngôi mộ cổ.

Khoảng chục năm về trước, một số người trong thôn Ốc Khai đã kéo đến khai quật ngôi mộ hy vọng tìm thấy vàng. Nhưng thật kì lạ, ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng, không có bất cứ vật gì bên trong.

Tuy nhiên, quan sát trên thành ngôi mộ, không khó để nhận ra dấu hiệu từng bị đào bới. Rất có thể trước đó đã từng có người đến đào trộm mộ để tìm kho báu.

Trước sự lạ, phòng Văn hóa thị trấn Yên Mỹ từng cho người về tìm hiểu, nhưng từ đó đến nay, không còn thông tin nào khác liên quan đến ngôi mộ.

Phòng Văn hóa thị trấn cũng không có thông báo gì về kết quả của cuộc khảo sát, chỉ biết rằng, nhiều người đều tin và cho rằng, không loại trừ ngôi mộ chỉ là một kế nhằm đánh lừa những kẻ tham lam muốn tìm được số vàng kia.

Một chuyện ly kỳ khác được các bậc cao niên trong làng kể cho chúng tôi nghe. Có ý kiến cho rằng, người Tàu còn lập ra một ngôi miếu làm "thần giữ của", giúp họ giữ được vàng bạc ở "vườn quan".

Tuy nhiên, theo thời gian, miếu bị phá nên dấu tích hầu như không còn. Không loại trừ khả năng, ngôi miếu cũng là một trong những "vệ tinh" giữ của cho "vườn quan"!?.

Gần đó, người dân cũng đào lên hai tảng đá lớn kỳ lạ. Một trong hai tảng đá được người dân chuyển vào thôn nhưng kéo theo nhiều điều bất thường nên một thời gian dài, tảng đá phải nằm chềnh ềnh giữa làng.

Theo lời kể của người dân, những người tham gia vận chuyển tảng đá lớn bỗng nhiên lăn ra ốm mà không rõ nguyên nhân. Đến bệnh viện cũng không tìm ra bệnh.

Chỉ là những lời đồn đoán

Cụ Trang còn kể cho chúng tôi nghe về sự tồn tại của đàn lợn vàng, mà thế hệ các ông vẫn được người đời trước kể lại. Nhiều người biết chuyện có con lợn bằng vàng chạy quanh cánh đồng, nghi ngờ khu vực này có chôn vàng bèn rình cơ hội để bắt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy lợn vàng, chỉ những người hợp mệnh mới được nó dắt đường chỉ lối cho thấy kho vàng.

Cũng theo ông Trang, thời trước có một người từng đuổi bắt bầy lợn, thấy một chú lợn què, anh ta không bắt mà đuổi theo con lợn vàng. Khi lợn vàng chạy mất, anh ta quay lại thì lợn què cũng biến theo.

Một số người dân nơi đây cho biết, kho vàng trong lời kể đã từng mang theo lời nguyền kỳ bí, không phải ai có thể nhận thấy sự tồn tại của kho báu này.

"Số vàng bạc châu báu mà người Tàu để lại chắc chắn còn sót lại, nhưng ở vị trí và địa điểm cụ thể nào thì không ai được biết. Muốn khai quật thì phải tìm được bản đồ kho báu.

Có một điều kỳ lạ, người dân nơi đây chẳng ai là dám phạm vào khu vườn, nên bí ẩn vẫn vĩnh viễn bị chôn vùi", cụ Trang nói thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng thôn Do, "vườn quan xó lác" đã có từ rất lâu đời. Từ hồi tóc còn để chỏm ông đã được các bậc cao niên trong làng kể cho nghe những câu chuyện kỳ bí về khu vườn chôn vàng này.

Ngày này qua ngày khác, bí ẩn vẫn tiếp tục được thêu dệt khiến không ít người hoài nghi. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện như thế nào thì lớp trẻ rất ít người được biết, cũng chưa ai lý giải được.

"Chỉ biết rằng, đó là một khu vườn được cho là có chứa vàng bạc mà người Tàu để lại. Còn chuyện họ đã khai quật lấy kho báu đi hay chưa thì không ai kiểm nghiệm được mà chỉ là những lời đồn đoán", ông Hưng nói thêm.

 

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, ông Đỗ Đức Toàn, chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết: "Chuyện người Tàu giấu vàng ở "vườn quan xó lác" tại thôn Do, tôi cũng từng nhiều lần được nghe. Tuy nhiên, chỉ những cụ cao niên ngày trước mới có thể được tận mắt chứng kiến và biết đôi phần sự thật. Nay rất nhiều cụ đã khuất núi nên bí ẩn vĩnh viễn bị chôn vùi.

Ngày nay, hầu hết những bí ẩn ấy đã dần chìm vào quên lãng, nhưng một số người cứ tung tin những chuyện tâm linh mang tính mê tín dị đoan theo tôi là không có cơ sở. Người dân cần tin vào những chứng cứ dưới góc độ khoa học chứ không nên tin vào lời đồn đoán".

 

Soha.vn