Tại cửa hàng bán cá quả cạnh chợ cá làng Sở Thượng lúc 3 giờ sáng ngày 1/4, la liệt các thùng cá quả chết, một số con có mùi tanh ươn. Mỗi con nặng khoảng một cân trở lên.
Trong vai người đi lấy hàng bán cho các quán cơm, PV được bà chủ hàng tên Nguyệt cho biết, loại cá quả chết được ướp trong các thùng lạnh giá chỉ 30 nghìn đồng/kg, trong khi cá tươi sống dao động 90 -100 nghìn đồng/kg. Bà chủ này cho hay, nếu bán cho các nhà hàng thì lấy loại này (chỉ vào cá chết - PV) là lãi nhất, chất lượng cũng như loại tươi sống thôi. Theo quan sát của phóng viên sáng 1/4, loại cá này được khá nhiều thương lái mua.
Khoảng 2 giờ sáng 2/4, phía trong chợ cá Yên Sở, nhiều cá mè, trắm, rô phi nằm ngổn ngang trên nền chợ. Loại các mè 1-2 kg/con, chạm tay vào thấy mát lạnh do ướp đá. Giá 1 kg là 8-10 nghìn đồng. Một tiểu thương chuyên gom loại cá này về bán lại cho các quán cơm, bếp ăn công ty kể, mỗi ngày chị mua từ một đến một tạ rưỡi cá. Sau khi gom cá chết từ các xe bán buôn, người phụ nữ này ướp cá với đá, đặt vào các thùng xốp.
Trên chiếc xe mang biển số 29 N4 - 9707, loại cá mè chết này được chở về chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, cá được chia nhỏ thành từng khúc rồi phân phối lại cho các nhà hàng, quán cơm với giá 15-17 nghìn đồng/kg.
“Có công ty lấy của tôi cả tạ cá về nấu cho công nhân”, tiểu thương này kể. Nhiều loại cá trắm, trôi chết cũng được bán với giá rẻ khoảng 10-12 nghìn đồng/kg cho các tiểu thương. “Cá này chỉ bán cho quán cơm, nhà hàng thôi, bán ở chợ sao được, khách mua nhận ra ngay”, một tiểu thương thu gom cá chia sẻ.
Thịt lợn thối về các chợ cóc
Tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), đi dọc các ki ốt bán thịt lớn, PV nhận thấy có rất nhiều loại thịt lợn khác nhau được bày bán. Có loại được đóng dấu kiểm dịch, có loại không. Tại một quầy bán thịt, thịt lợn chuyển màu tối thẫm, sờ vào thấy cứng. Chủ hàng nói: “Thịt trung bình thì chỉ quán cơm lấy thôi. Nhưng không phải lợn thối đâu mà sợ, chỉ là màu nó tái tái thôi. Tôi bán suốt, 45 nghìn đồng/kg. Cái này về làm thịt kho, thịt xào… miễn không phải luộc là được. Không làm sao cả”.
Mang hình ảnh về sản phẩm thịt lợn sang gặp ông Phạm Đăng Vĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hoàng Mai, ông Vĩnh cho hay, đây là thịt lợn chết do quá trình vận chuyển, lẽ ra phải tiêu hủy thay vì lưu thông trên thị trường.
Tại quầy hàng của tiểu thương tên Thiều luôn có rất đông người mua. Đa số mua buôn. Thịt lợn tại quầy, thâm đen và bốc mùi, giá 20 nghìn đồng/kg. Người bán hàng thái độ cáu kỉnh, nhanh chóng bán tống bán tháo, quát mắng khách hàng: “19,9 nghìn cũng không. Mua thì mua nhanh không mua thì thôi... thế có lấy không thì nói một câu”.
Thịt lợn trong quầy hàng của tiểu thương này đều đã được bỏ bì. Bì lợn tím tái, mỡ đóng tảng và có mùi lạ, không hề có dấu kiểm dịch.
Tuy nhiên, khi được hỏi, chị Thiều trả lời: “Mua được bao nhiêu cân, nếu mua nhiều thì chị có thể làm giấy kiểm dịch cho”. Giá bán lẻ của những thớ thịt kém chất lượng này là 35 nghìn đồng/kg thịt chưa bỏ bì, 40 nghìn đồng/ kg thịt đã được lọc bì.
Tiểu thương Thiều khẳng định mình là người bán buôn số lượng lớn ở chợ, rất nhiều các chủ ki ốt bán thịt ở chợ đầu mối phía Nam đều đến đây lấy hàng về bán. Họ cất hàng với giá 20 nghìn đồng/ kg và bán lại cho khách hàng với giá 50- 55 nghìn đồng/kg. Thịt loại này sau khi bỏ bì đi chỉ đậm màu hơn so với thịt tươi, rất khó nhận ra sự khác biệt.
Phóng viên theo chân một tiểu thương điều khiển xe máy mang biển số 29- U1 1468. Sau khi lấy hàng của bà Thiều, khách hàng này chở hàng về chợ bán lẻ ở ngã tư Lĩnh Nam- quận Hoàng Mai, chia nhỏ và bán lại cho người dân trong vùng. Một tiểu thương mua thịt lợn của bà Thiều mang về phân phối ở chợ Tân Mai. Một tiểu thương khác bày bán sản phẩm thịt lợn này tại một sạp hàng trên phố Đại La.