Kỳ 1: Đứa trẻ bị kiến bu trở về kỳ diệu từ rừng già
Xã Xuân Sơn nằm sâu trong rừng quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ với hơn 50% người Dao sinh sống. Những cánh rừng nguyên sinh thâm u bao bọc khiến bản làng trở nên heo hút và huyền bí với người khách lạ.
Những ngày lang thang ở bản Dù, bản Cỏi, chúng tôi được nghe những câu chuyện rùng rợn về tục bỏ con của người Dao - một hủ tục đã từng “ăn sâu bám rễ” vào cuộc sống của người dân nơi này.
Khủng khiếp thay, khi đẻ đứa con ra mà không muốn nuôi, họ đem vào rừng già sâu thẳm rồi treo lên ngọn cây, phó mặc sinh linh bé bỏng ấy cho thú dữ, cho rừng thiêng nước độc và coi như đã rũ bỏ được đứa con “sinh nhầm thời”, đã vứt đi thành công “máu mủ ruột già” của mình.
Sự “trở về” của đứa bé
Chuyện người ta rũ bỏ ruột thịt của mình bằng cách treo con lên cây vừa ám ảnh, vừa khó tin. Người tôi tìm gặp đầu tiên để xác minh thực hư của câu chuyện ở xã miền núi xa xôi này chính là ông Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn.
Không hề lạ lẫm và bất ngờ, ông Lâm rót nước mời khách, trầm ngâm một lúc rồi bắt đầu kể rành rọt, chi tiết những chuyện xác thực rằng hủ tục treo con đã từng tồn tại rất lâu ở các bản làng người Dao nơi đây.
Ông kể bằng giọng chân chất của người Dao bản xứ: “Ngày xưa, treo con lên cây thì người Dao mình làm suốt ấy mà. Họ bỏ con với lý do rất đơn giản. Sinh con ra không nuôi được thì đem vào rừng bỏ đi thôi…”.
Ở bản Dù, xã Xuân Sơn ngày trước có nhà ông Kh đã sinh được một cô con gái và hai cậu con trai. Vợ ông Kh lại mang thai lần thứ tư rồi sinh ra một đứa trẻ bị dị tật ở chân. Họ “quyết” không để đứa bé thành người.
Ông Kh đem bỏ đứa bé bất hạnh ấy vào rọ tre, lầm lũi đi vào rừng sâu rồi treo nó lên ngọn cây. Sau ba ngày mưa gió của rừng thiêng nước độc, lạ lùng thay, tiếng khóc của đứa trẻ vẫn cất lên, vang cả một góc rừng. Người đi rừng truyền tai nhau rằng đứa trẻ vẫn còn sống.
Cũng ở bản Dù, có vợ chồng ông Vấn và bà Tiệp nghe tin đó đã lóp ngóp chạy vào rừng, vít ngọn cây, gạt bỏ kiến vàng bu khắp người đứa bé, rồi bế nó về tận nhà, rồi đưa nó sang máng nước để tắm rửa cho nó.
Khốn khổ thay, thằng bé vừa lọt lòng đã bị đem treo lên cây, màng máu không được lau rửa đã bốc mùi hôi thối sau ba ngày nắng gió trong rừng thẳm, lại bị kiến vàng cắn khắp người.
Không ai tin rằng thằng bé có thể sống. Họ sợ nó chết trong tay vợ chồng bà Tiệp thì suốt đời bà phải tội, họ khuyên ông Vấn, bà Tiệp mang trả nó về rừng già, nơi cha sinh mẹ đẻ của nó đã “an bài” cho nó.
Bà đành cắn rơm cắn cỏ nghe lời. Kỳ lạ thay, bà Tiệp và nhóm người vừa quay lưng đi, thằng bé bật khóc oa oa rồi biết nín khóc khi có người tới gần. Tiếng khóc vang rừng như lời kêu cứu. Thằng bé được Thần Rừng che chở rồi truyền cho một niềm khát sống mãnh liệt.
Họ mừng mừng tủi tủi đón cậu bé về bản rồi gọi tên cậu là Nhặt để ghi nhớ sự việc ấy. Sau này, gia đình bà Tiệp đã đặt cho Nhặt một cái tên chính thức là Đặng Văn Phúc - nghĩa là cậu bé có Phúc trời cho.
Điều kinh hoàng và ít ai tưởng tượng được rằng khi nhặt Phúc ở rừng về, họ phát hiện trên đầu cậu bé có một vết thương bằng ngón tay. Người ta đồn đoán rằng, đó là vết thương mà những người cố tình bỏ Phúc đã để lại, nó giống với vết thương tạo bởi chiếc que cời bếp của người Dao.
Họ không dám khẳng định điều gì, nhưng ai cũng lắc đầu sợ hãi khi nghĩ đến chuyện “hổ cái còn không ăn thịt con”, nữa là… Sau này, phải mất ba tháng trời dịt thuốc lá rừng, vết thương trên đầu Phúc mới lành hẳn.
Khi ông Vấn, bà Tiệp lên rừng nhặt Phúc về là khoảng 19 giờ ngày 22 tháng 5 năm 1990. Bấy giờ, gia đình nào ở bản Dù cũng khó khăn và túng quẫn, nuôi nấng một đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản.
Thế nhưng bằng tình yêu thương và nâng niu một sinh linh bé bỏng, gia đình bà Tiệp đã bất chấp khó khăn mà nuôi lớn cậu bé đến từ chiếc rọ tre treo lúc lẳng trên búi giang rậm ở trong rừng sâu kia.
Nhiều đêm khát sữa, cậu bé Nhặt khóc ngằn ngặt đến tím tái hình hài. Ông bà lại cầm bát đi gõ cửa những nhà có trẻ nhỏ xin sữa về cho cậu ăn.
Thế rồi, Phúc càng lớn càng ngoan ngoãn, ai hỏi chuyện cậu cũng rành rọt trả lời: “Cháu là con bố Vấn, mẹ Tiệp”. Ngặt một nỗi, vết dị tật ở chân từ thuở lọt lòng khiến cậu đi lại vô cùng khó khăn.
Thêm một lần chắt bóp, bà Tiệp đưa Phúc đến khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện Sơn Tây (Hà Tây cũ). Ở đây, các bác sĩ đã tạo hình lại bàn chân bé nhỏ của Phúc. Từ đó, Phúc được vô tư chạy nhảy nô đùa trên đôi chân gần như lành lặn giống bao đứa trẻ khác.
Kể về sự việc này, ông Bàn Xuân Lâm nhớ lại: “Chính tôi đã cùng gia đình bà Tiệp đưa Phúc đi bệnh viện để chỉnh hình bàn chân bị tật. Thấy cậu ấy bây giờ khỏe khoắn, chạy nhảy như… máy bay, tôi mừng lắm”.
Năm nay Phúc đã ngoài 20 tuổi, đã học hành đàng hoàng, tốt nghiệp xong và trở về làm cán bộ thú y của xã nhà. Khó ai tin được rằng chàng trai Phó trưởng ban Khuyến nông của xã Xuân Sơn bây giờ lại chính là cậu bé Nhặt đến từ rừng già thuở trước.
Ở bản này, ai cũng biết câu chuyện của Phúc, nhưng ít người còn kể lại câu chuyện ấy nữa, bởi Phúc đã trở thành người lớn, đã hiểu hơn về số phận chìm nổi của mình.
Phúc không than vãn, oán trách cha mẹ đẻ của mình, cũng không muốn nhắc lại câu chuyện bị ruồng rẫy hết sức đau buồn của cuộc đời mình nữa. Bây giờ, Phúc muốn một lòng chăm sóc phụng dưỡng gia đình đã “tái sinh” ra mình và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho tương lai.
Và có lẽ, Phúc là đứa trẻ cuối cùng được cứu sống từ ngọn cây trong rừng thẳm, đứa trẻ bước ra từ hủ tục treo con rất đỗi kinh hoàng của người Dao ở xã Xuân Sơn này.
Câu chuyện về hủ tục treo con được xác thực bằng lời kể của ông Lâm, lại được thêm thắt bằng đôi ba câu của những người dân bản.
Hầu như, ở Xuân Sơn, ai cũng kể được những câu chuyện đáng sợ về hủ tục bỏ con kinh hoàng của người Dao nơi này: “Ngày xưa thì người ta treo con nhiều lắm mà. Đến những năm 1980 thì ít dần. Đến năm 1990 thì chúng tôi biết trường hợp của Phúc.
Một số đứa trẻ sinh ra đã bị dị tật thì họ cũng bỏ đi. Nhà họ nghèo quá, đông con quá, không nuôi được thì họ bỏ đi, không ai nuôi thì họ cho vào cái rọ, cái bu rồi treo lên cây”.
“Treo lên cây thì là cái hoa rụng thôi, không phải làm đám ma”
Những đứa trẻ may mắn được cứu sống như Phúc không nhiều. Hầu hết, những đứa trẻ bị treo trên ngọn cây đều không chịu nổi sự khắc nghiệt và nguy hiểm luôn rình rập của rừng già.
Có những đứa trẻ được dân bản phát hiện đưa về cứu chữa nhưng cũng không sống được. Những sinh linh bé bỏng ấy đã phải chịu cái chết vô tội và dã man nhất bởi cái đói, cái nghèo, bởi sự thiếu hiểu biết và mông muội của chính những người sinh ra mình.
Để lý giải nguyên nhân của tục bỏ con đáng sợ này, tôi đi tìm các già làng, trưởng bản. Ông Đặng Văn Hếnh (75 tuổi) làm già làng đã nhiều năm nay. Khi nghe tôi hỏi về tục treo con của người Dao, ông Hếnh lắc đầu thở dài: “Có nhiều cháu đã thoát khỏi cái hủ tục ghê gớm ấy. Nhưng chuyện treo con lên cây và rất nhiều đứa trẻ đã chết là có thật…”.
Thế rồi, ông Hếnh ngồi ngẫm nghĩ như để nhớ lại chuyện của thời trước. Ông liệt kê cho tôi một danh sách dài những cái tên, như để chứng thực cho sự tàn khốc của hủ tục treo con của người Dao: “Ngày xưa họ sinh đẻ bừa bãi, không có kế hoạch, đời sống lại quá khó khăn nên người ta hay treo con.
Hiện nay, vẫn còn một vài người, ngày trước bị treo lên cây cách một ngày rồi mà vẫn còn sống đến giờ. Chết thì cũng thấy nhiều. Ở xóm dưới, bà Mìn có treo một con… Ngay xóm này cũng có vài người treo bỏ.
Treo thế mà không ai nuôi thì phải chết thôi. Còn có nhà nào họ hiếm con, họ thấy còn khóc thì họ đem về nuôi.
Ngay tôi biết đây là nhà ông Chườm treo một con, ông Cầu lấy về nuôi. Nhà ông Lèng treo một con, nhà ông Dầu nuôi, nhà ông Thái treo một con, nhà ông Điềm nuôi. Ông Quân nuôi một con nhặt trên rừng về…”.
Thuở trước, người Dao nơi đây quan niệm một cách mê tín rằng: Những người đã chôn xuống đất, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều đã trở thành ma, gia đình đó phải làm đám ma cho người xấu số ấy. Làm đám ma thì vô cùng “tốn kém” với ba con lợn, ba con gà, xôi, rượu…
Như thế, khi không muốn nuôi đứa trẻ nữa, họ treo lên cây để không phải làm đám ma cho linh hồn em bé ấy nữa, họ coi những đứa trẻ là cái hoa, cái quả của cây rừng, khi không nuôi nấng được thì đem trả về với rừng già thâm u.
Ông Đặng Văn Liềm (SN 1954) - già làng của xóm Dù kể: “Ngày xưa tôi cũng nghe các cụ truyền lại đấy là trẻ con mới sinh ra khoảng 3 ngày trở lại, nếu không nuôi được thì phải treo lên. Treo thì khỏi phải làm đám ma. Treo thì nó không thành ma.
Mới sinh ra, đồng bào tôi gọi là cái hoa cái quả thôi, chứ không phải là người. Treo lên cây thì chỉ là cái hoa nó rụng thôi. Chôn xuống đất thì phải làm đám, phải cúng mo rồi đưa nó về rừng mới được. Nếu không làm đám thì làm ăn làm mướn nó không thành đạt, nó lôi thôi lắm. Nghe các cụ già truyền lại như thế”.
Ông Liềm lý giải thêm: Ba ngày đổ lại là phải treo, bốn ngày trở đi là phải “khai sinh” rồi, đã làm lễ cúng mời tổ tiên về để “nhập hộ khẩu” cho đứa trẻ rồi. Khi ấy, người ta không thể treo đứa trẻ ấy lên ngọn cây nữa.
Ông Liềm còn kể một câu chuyện đầy màu sắc mê tín rằng: “Có nhà anh Thành vì thiếu thốn quá mà đứa trẻ sinh ra bị chết, anh Thành đem đặt đứa trẻ lên hòn đá.
Nhưng rồi vài ba năm sau gia đình họ cứ thấy người ốm yếu quá, họ đi xem bói thì thầy bói bảo tại đứa con ấy, thế là nhà anh Thành vẫn phải làm đám ma cho đứa trẻ hết sức tốn kém. Lúc ấy, đứa trẻ đã không còn xác, họ lấy áo gọi hồn về mà làm đám cho nó.
“Những đứa trẻ còn sống mà bị treo thì cũng nhiều lắm. Họ nhặt cái sọt rách, cái bồ rách, cho rơm rạ vào rồi treo đứa trẻ lên. Cũng không được cho quần áo vào đâu. Treo mà không có ai nhặt là đứa trẻ chắc chắn sẽ chết. Tục lệ nó như thế rồi. Đáng sợ lắm…”.