TIN TỨC » Tin trong ngày

Ký ức về Tết quê thời bao cấp

Thứ ba, 12/02/2013 10:04

Mấy chục năm qua đi, ông vẫn nhớ cảm giác đứng tần ngần thèm thuồng nhìn những con tò he xanh đỏ ở chợ huyện ngày Tết.

Tết năm nay, chúng tôi có dịp cùng nhà văn Sương Nguyệt Minh ôn lại quá khứ mấy chục năm trước.

Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh vốn sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh Ninh Bình. Những năm tuổi thơ ông gắn liền cuộc sống thôn quê đặc trưng một thời nghèo khổ, thiếu thốn, trong chế độ bao cấp, tem phiếu áp dụng khắp cả nước.

Đến tuổi trưởng thành, ông đã đi khắp các chiến trường trong màu áo lính, sống qua những tháng ngày đạn bom lửa khói. Đề tài của ông chuyên về chiến tranh và người lính với đầy gian khổ đau thương, khốc liệt. Nhưng ngày Tết quê hương luôn hiện lên trong ký ức nhà văn với nét bình dị nhưng vui tươi, ấm áp.

Tết muốn ăn thịt lợn phải xin phép

Gần năm chục năm đi qua, nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn nhớ như in cảm giác đứng tần ngần thèm thuồng nhìn những con tò he xanh đỏ mỗi lần theo mẹ đi xuống chợ huyện ngày Tết. Tò he là thứ đồ chơi dân gian vẫn được trẻ con ngày đó yêu thích. Thường chỉ ngày lễ Tết người ta mới bán nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng được mẹ mua cho.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn nhớ cảm giác mùa xuân đến, xóm làng đông vui hơn hẳn bởi những người đi xa mới về. Làng trên xóm dưới rộn ràng, ồn ào đón Tết. Cảnh người trong làng đua nhau xuống ao đánh cá, bắt vịt, tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc.

Tiếng người lội nước bì bõm, ào ào đuổi theo cá úp nơm, bủa lưới. Tiếng người trên bờ hô hoán “bên này, bên kia” nghe náo động.

Thời bao cấp, nông dân sống theo chế độ phân phối, ăn chia theo công điểm. Nuôi lợn không được tự ý giết thịt mà phải bán cho nhà nước, mỗi năm phải đủ một khối lượng theo chỉ tiêu quy định.

Nhà nào nuôi được nhiều lợn hơn chỉ tiêu, muốn làm thịt ăn Tết thì phải xin phép chính quyền, ai không xin phép sẽ bị phạt. Đặc biệt, hồi đó cấm nhà nào dám giết thịt trâu bò, đó là phá hoại sức kéo.

Bởi vậy, ngày Tết, các gia đình nông thôn thường "đụng lợn" thay vì xếp hàng mua thịt như ở thành phố. Nhiều nhà chung nhau mua một con lợn, cùng làm thịt rồi chia nhiều phần trên lá chuối bốc thăm. Ai trùng phần nào thì mang về.

Ngày Tết, cảnh tượng làng quê rạo rực khác hẳn. Sân đình được dựng chiếc đu với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Nhà nhà lấy tranh đông hồ, câu đối ra treo. Hình ảnh cây nêu trước nhà ngày Tết là nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ ngày đó. Người Việt Nam dựng cây nêu để xua đuổi tà ma, đón điều may mắn.

Sáng mồng 1 Tết, không gian làng quê thường im ắng khác thường. Hầu như nhà ai cũng đóng cửa. Người nhà quê hay kiêng, chọn người xông đất. Người ta sợ nhất những người có dớp đen đủi, dở hơi vào nhà xông đất. Người ốm đau, bệnh tật cũng đều đáng sợ trong ngày Tết.

Ngày đầu năm, gia đình chỉ muốn người khỏe mạnh đến nhà. Ấy nhưng, người khỏe mạnh mà nghèo đói cũng không được. Không giàu có cũng phải đàng hoàng sáng sủa, đủ ăn, đủ mặc.

Bố đẻ của nhà văn vốn khó tính, Tết nào có người không như ý xông đất, ông làu bàu, cau có suốt ngày, thậm chí mất vui luôn cả mấy ngày Tết. Nhà văn nhớ, bố ông thường mời ông anh rể đến xông đất ngay sau giờ giao thừa. Sau khi nói những lời chúc năm mới, uống chén rượu đầu xuân, bố ông mới yên tâm đi ngủ.

Tết đoàn viên là quá khó

Có một thứ cảm giác ngày Tết của nông thôn Việt Nam trong thời bao cấp, thời chiến tranh mà chỉ những người như nhà văn từng sống ở đó mới hiểu được. Đó là cảm giác đoàn viên.

Những năm chiến tranh, nhiều người ra trận rồi mãi không về, số khác đến ngày xuân sang vẫn bặt vô âm tín. Cũng có người đi làm ăn xa, chẳng mấy khi gặp lại người thân. Bởi vậy mà cuối năm, người ở xa chỉ muốn về đoàn tụ ấm áp bên gia đình, người ở nhà trông mong con cái, anh em, bè bạn.

Đi tàu về quê ăn Tết thời xưa - (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Những ngày cuối năm, người trong làng ngồi đếm số người về. Ở quán nước đầu làng, góc ruộng, bờ ao, người ta bàn tán hỏi chuyện như điểm danh: "Con ông nọ, bà kia đã về hay chưa? Vì sao con bà Liễu chưa về? Con ông Mai vừa về đấy, trông gầy lắm". Ai chưa về được, người làng mong lắm.

"Đâu phải như bây giờ. Đứa nào trong làng đi hay về cũng mặc, xóm làng đâu có nhớ" - nhà văn nói.

Chính ông cũng có nhiều cái Tết nằm lại trong chiến trường không về được. Ba ngày Tết, ta và địch thường có hiệp định ngừng chiến. Lính tráng được nghỉ ngơi. Tin đình chiến được thông báo trên sóng phát thanh. Người ở nhà nghe tin cũng thấy an tâm phần nào, mẹ đỡ lo lắng cho con phải chiến đấu gian khổ trong những ngày nơi làng quê đang đón xuân yên ấm.

Năm 1978, cái Tết thứ ba người lính Nguyễn Ngọc Sơn (tên thật của nhà văn) nằm lại ở chiến trường Campuchia. Nghe tin quê nhà mất mùa không có gạo ăn, lòng ông như quặn thắt.

Chuyện đi lại bằng tàu xe đối với người sống thời kỳ đó quả là điều cực hình. Nhiều người đi làm ăn xa, dù nghỉ nhưng không về được vì tàu xe ít ỏi, không mua được vé.

Mùa xuân năm 1980, sau 5 năm xa nhà biền biệt, lần đầu tiên nhà văn trở về quê ăn Tết. Xe đơn vị chở đám lính tráng từ Tây Nguyên về Sài Gòn. Dù bộ đội chiến trường thuộc đối tượng ưu tiên nhưng ra đến ga Bình Triệu thì nhận thông báo hết vé.

Nhà văn cùng mấy đồng đội người Bắc quyết định nhảy tàu, lên mua vé bổ sung. Nhưng muốn lên kiểu đó phải trèo tường, nấp chạy như đặc công. Người nhảy vào trước đón ba lô giúp người vào sau. Mải trèo tường, nhà văn bị kẻ trộm vác mất chiếc ba lô đựng toàn bộ tư trang, quà Tết gia đình. Nhà văn tiếc nhất là quyển nhật ký 5 năm chiến trường. Bạn bè thương quá, cuối cùng người góp cái áo, cái quần, người góp gói bánh giúp nhà văn về quê ăn Tết.

Tàu hồi đó đi từ Nam ra Bắc thường mất ít nhất 3 ngày 3 đêm. Ngày Tết, trên tàu đông vô kể, không còn thừa một chỗ dù chỉ để đứng. Nhiều người lên cả nóc tàu ngồi suốt mấy ngày mới về đến nhà.

Không những giao thông mà liên lạc thông tin ngày đó cũng quả là điều đáng sợ. Năm 1985, lúc này nhà văn Sương Nguyệt Minh đã ra Bắc công tác, về quê ăn Tết. Bố ông tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm ăn xa mãi tận Tuyên Quang. Hồi đó, muốn liên lạc với bố, ông phải lên bưu điện huyện đánh điện tín. Từ huyện, điện tín được truyền lên Bưu điện trung tâm của tỉnh rồi từ tỉnh này truyền sang tỉnh khác. Đến tỉnh Tuyên Quang, thư tín lại được truyền về Chiêm Hóa, nơi bố ông làm ăn. Mỗi bức điện tín truyền đi thường cũng mất 3-4 ngày.

Năm đó, trước Tết bố ông nhắn rằng 28 tháng Chạp sẽ có mặt ở nhà. Ông chú về trước cũng nói rằng vừa gặp ông đang chuẩn bị về. Vậy nhưng đợi mãi đến tận 30, gia đình ông vãn chưa thấy bóng dáng người cha đâu. Tối 30, anh em rủ nhau ra cầu Lồng đầu xóm ngồi đợi để rồi quay về đón giao thừa trong nỗi thất vọng, lo lắng không yên.

Sáng mồng 2 Tết, nhà văn lên đường đi Chiêm Hóa. Đến nơi, thấy bố vẫn ở đó. Hỏi chuyện mới biết, ông lên trung tâm tỉnh Tuyên Quang đón xe khách về quê nhưng đợi suốt cả ngày không có xe đành quay trở lại nơi làm việc đón Tết. Ông đã đánh điện tín báo không về từ hôm ba mươi mà sao con ông vẫn lên đây? Nhà văn yên tâm quay về thì được biết, điện tín bố ông gửi đã đến nơi vào chiều mồng 2 Tết khi ông đang trên đường lên Tuyên Quang.

Cảnh đoàn viên ngày Tết hồi đó thật hiếm hoi nên cũng vô cùng thiêng liêng, quý giá.

Kham pha