Sáng ngày 11/7, ông Nguyễn Huy Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận một cháu bé 22 tháng tuổi bị chó cắn, mặc dù được các y bác sĩ tìm mọi cách cứu chữa nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, bệnh nhi đã không qua khỏi. Ảnh: SGGP
Theo người nhà bệnh nhân chia sẻ, chiều ngày 10/7, cháu Phan Thị Yến N. (22 tháng tuổi, ở xóm 3, xã Nghi Diên) đang chơi cùng chị gái 10 tuổi trước cổng nhà thì bất ngờ bị con chó becgie của hàng xóm xông ra tấn công. Thấy vậy, chị cháu N. la hét và được người lớn chạy đến đuổi chó cứu cháu N.
Ngay sau đó, cháu N. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại bệnh viện, cháu N. được xác định bị chó cắn gây thủng ruột, thủng cơ hoành và vết thương ở tim gây tràn dịch. Bệnh nhi có tiền sử bị bệnh tim bẩm sinh nên tình trạng càng trở nên nghiêm trọng.
Do vết thương quá nặng nên bệnh nhi tiếp tục được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu. Tuy nhiên, cháu N. đã không qua khỏi.
Trước đó hồi tháng 4 vừa qua, một trường hợp thương tâm khác cũng khiến dư luận bức xúc khi cháu bé 7 tuổi, học sinh lớp 1 tử vong khi bị cả đàn chó tấn công vào tối tại sân vận động Kim Động cũ thuộc địa bàn thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động.
Ngày 2/5 vừa qua, trong lúc chạy ra ngoài đồng để gọi anh trai về nhà thì một bé trai ở Thanh Hoá bị 2 con chó nặng khoảng 30 kg của nhà hàng xóm đuổi theo, lao vào tấn công khiến cậu bé rơi xuống ruộng. Khi nhập viện, bé bị chó cắn tổn thương dập nát vùng mặt, da đầu, mất toàn bộ 2 tai, mất máu, chấn thương não.
Thống kê từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ đầu năm 2019 đến nay có đến 11 bệnh nhân bị chó cắn nhập viện trong tình trạng trầm trọng được chuyển vào khoa. Gần đây có nhiều việc vụ chó cắn chết người trên cả nước.
Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm tiêm chủng Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hơn 1.000 trường hợp đến tiêm vắc xin và khoảng 1.000 người khác tiêm huyết thanh phòng dại, tăng hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, những bệnh nhân đến tiêm phòng dại thì đa số là bị chó nhà cắn, còn lại một số trường hợp là bị chó không rõ nguồn gốc cắn.
Hàng năm nước ta có hàng nghìn vụ chó cắn người, nhưng do tính chất vụ việc không nghiêm trọng nên dư luận ít chú ý. Chỉ đến khi những vụ việc đau lòng xảy ra, công tác quản lý việc nuôi và sử dụng chó mới được nhìn lại.
Trước thực trặng trên, nhiều người cho rằng nếu công tác quản lý việc nuôi chó vẫn bị cơ quan nhà nước buông lỏng như hiện nay, người dân vẫn thờ ơ và chủ quan, những vụ việc trẻ em, người già và chính chủ nuôi bị chó cắn sẽ vẫn còn tiếp diễn.Tình trạng chó thả rông mà không rọ mõm gây nguy hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ em. Đặc biệt khi chạy ra đường còn làm ảnh hưởng đến tham gia giao thông của mọi người.
Mặc dù chó là con vật rất trung thành, gần gũi với con người thế nhưng mà nó vẫn là động vật. Thậm chi được huấn luyện nhưng khi ra đường nó gặp người lạ thì chủ nuôi cũng không thể kiểm soát được hành động của nó. Tốt nhất là dắt chó đi ra đường chúng ta nên rọ mõm, tiêm phòng định kỳ cho chó để có thể đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Theo Nghị định 90 năm 2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, trường hợp chó nuôi ra ngoài không rọ mõm gây ra cắn người, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ vật nuôi. Chủ đàn chó có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký.
Tuy văn bản, nghị định xử phạt đã có đầy đủ nhưng theo thống kê của Cục Thú y, ngoại trừ các địa bàn thí điểm đội săn bắt chó, thì đến nay, Cục Thú y chưa ghi nhận trường hợp để chó thả rông ngoài đường không đeo rọ mõm bị xử phạt!