Sáng ngày 6/11, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Linh (Nguyên Phó viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng) về tội "Dâm ô người dưới 16 tuổi".
Với tính chất nghiêm trọng, địa điểm xét xử đã được chuyển từ Tòa Gia đình (Lê Thánh Tôn) sang trụ sở TAND TP.HCM trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Bị cáo Nguyễn Hữu Linh được áp tải tới toà sáng 6/11.
Khoảng 7h45, ông Linh được ô tô màu trắng đưa tới trụ sở TAND TP. HCM. Do quá đông phóng viên nên ông Linh ngồi trong ô tô một hồi lâu mới mở cửa ra ngoài. Sau đó ông được bảo vệ tòa hộ tống đưa vào phòng xét xử.
Lúc 10h, sau hơn 3 giờ xét xử kín, tòa phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Linh, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên. Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Linh phạm tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, xử phạt Linh 18 tháng tù.
Sau khi toà tuyên án, Nguyễn Hữu Linh rời ghế bị cáo, đi lên phía trên gần bục xử án, định đi ra bằng cửa của HĐXX. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đóng cửa, chặn lại. Bị cáo Linh rời toà bằng ôtô, chưa bị bắt giam sau phiên xử.
Nhiều độc giả thắc mắc tại sao bị cáo Linh không bị bắt ngay sau khi toà phúc thẩm tuyên y án? Theo quy định, Chánh án TAND TP.HCM sẽ gửi quyết định về cơ quan thi hành án nơi ông Linh thường trú, cơ quan này phải ra quyết định thi hành án đối với bị cáo Linh. Quyết định thi hành án phải có đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 21 Luật Thi hành án Hình sự.
Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt tù, tòa án ra quyết định phải gửi quyết định thi hành án cho cá nhân, cơ quan, bao gồm: Người chấp hành án; Viện kiểm sát cùng cấp; Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án đang bị tạm giam, tại nhà tạm giữ hoặc đang tại ngoại; Sở Tư pháp - nơi tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
Kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trong 7 ngày, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự thuộc công an cấp huyện, được chỉ định trong quyết định thi hành án.
Quá thời hạn trên mà bị án đó không có mặt, cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc cảnh vệ tư pháp sẽ thực hiện áp giải thi hành án. Trong vụ ông Linh, khi TAND TP.HCM gửi phán quyết phúc thẩm về TAND TP Đà Nẵng (nơi ông Linh thường trú), cơ quan này phải ra quyết định thi hành án đối với bị cáo Linh.
Trong 10 ngày từ sau quyết định thi hành án được gửi đến ông Linh, nếu bị án này không có mặt để chấp hành thì sẽ bị cảnh sát áp giải để thi hành án.
Trước đó, sáng ngày 23/8, TAND quận 4, TP. HCM đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Hữu Linh 18 tháng tù giam về tội danh trên. Ngay khi phiên toà kết thúc bị cáo Linh đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm này. Trong đơn kháng cáo, ông Linh cho rằng mình bị oan, bản án sơ thẩm không phù hợp quy định pháp luật nên ông kháng cáo toàn bộ bản án.