TIN TỨC » Tin trong ngày

Mối tình đặc biệt nhất trong lịch sử trại giam (Phần 2)

Thứ tư, 11/01/2012 11:21

Cuộc gặp định mệnh và những lá thư đặc biệt sau song sắt: Bước chân vô định về buồng giam nữ khu K2, Kim Oanh đờ đẫn như một cái bóng. Có mơ thấy ác mộng chị cũng không bao giờ nghĩ đến cảnh này.

Gia đình nhỏ của vợ chồng anh Dũng, chị Oanh.

Bố mẹ Oanh vốn là cán bộ ngành giáo dục ở Phú Thọ. Suốt nhiều năm giảng dạy ở trường chuyên Bắc Giang, chị luôn là giáo viên dạy giỏi được nhiều học sinh yêu quý. Khi nhận án, biết tương lai ngày về quá mịt mờ, Oanh đã chủ động viết đơn xin ly hôn để giải phóng cho chồng.

“Khi đặt bút ký, tôi vô cùng đau khổ nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng 8 năm là cả một thời gian quá dài để níu kéo hạnh phúc”. Chị Oanh chia sẻ. Và đó thực sự là bản án cay nghiệt nhất mà số phận đẩy đưa đến với chị.

Đêm đầu tiên ở Phú Sơn, nước mắt lưng tròng, Oanh tỉ tê trò chuyện với người bạn tù bên cạnh để tạm quên những đắng cay của số phận: “8 năm ra thì chẳng còn gì nữa, mọi thứ mất hết rồi”. Chị khóc nức nở. Người bạn tù lắc đầu:

“Chị đừng buồn. Nếu cần, tôi giới thiệu ông anh kết nghĩa cho. Anh ấy là một tay giang hồ khét tiếng, cũng đang có mặt ở đây”. Vốn con nhà lành, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học hành nên nghe từ “giang hồ”, Oanh đã thấy khiếp vía.

Nhưng rồi, chẳng biết cô bạn “hót” thế nào mà đêm ấy, hai người “lập mưu” viết thư cho anh. Người đàn ông giang hồ đó chính là Lê Văn Dũng. Lúc bấy giờ, tổ 11 ở K4 của trại giam Phú Sơn 4 vô cùng hỗn loạn. Ban giám thị đã giao cho Lê Văn Dũng làm đội trưởng với hy vọng danh tiếng của anh có thể dẹp yên mọi chuyện.

Hôm đó, khi chiếc xe chở nhóm tù nhân có chị Oanh nhập trại, Dũng được phân công kiểm tra hành lý cá nhân. Thấy trong túi người nào cũng có thức ăn dở dang, anh ngạc nhiên hỏi nhóm phạm nhân mới thì được biết đó là “quà” của cô giáo Oanh cho trong lúc giải lao. Cái tên “cô giáo Oanh” tốt tính nào đấy cũng đi vào cuộc đời Dũng “K cơ” một cách tình cờ nhưng đầy định mệnh như thế.

Một ngày sau khi đi làm về, Lê Văn Dũng nhận được lá thư với nội dung “Anh còn nhớ một em nào ở cạnh buồng anh không?”. Dũng lẩm nhẩm: “Ở chốn tù tội này sao mà nhớ hết được”.

Nhưng lá thư đã làm anh tò mò, cả đời ngang dọc chưa từng nhận được bất cứ sự quan tâm của cô gái lạ nào nên với bản tính thông minh, anh đã tham mưu với ban giám thị để lên kế hoạch sang khu nữ lấy cây về nhân giống nhưng kỳ thực, chuyến đi đấy anh muốn biết cô em ở cạnh buồng đã biên thư cho mình là người như thế nào.

Bận ấy, vừa nhìn thấy Kim Oanh, Dũng bất chợt sững người. Linh tính mách bảo, cái cô giáo tốt tính hôm đám phạm nhân nhập trại nhắc đến với cô gái này là một. “Sao có người đàn bà xinh và tốt bụng vậy nhỉ”, anh tự hỏi mà cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc sống lưng.

Còn chị Oanh thì chia sẻ: “Lúc đó, trông anh ấy đã lùn lại còn đen, được mỗi nụ cười khoe hàm răng trắng đều đặn. Vậy mà chẳng hiểu sao khi về buồng giam, nụ cười ấy lại ám ảnh tôi mãi”.

Thế là từ đó, hai người thư đi thư lại cho nhau. Mỗi lá thư anh gửi đều thấm đẫm những ký ức về năm tháng tuổi thơ nơi vùng quê nghèo Phổ Yên, những ân hận về quá khứ oai hùng để gia đình phải mang tiếng có con tù tội.

Còn trong những lá thư của Oanh, chị cũng kể về con đường phạm tội của mình, về cậu con trai với một tình thương vô bờ bến, những ân hận muộn màng và cả tủi phận khi nghĩ đến “ngày về xa lắc”. Mỗi lần nhận thư là một lần chị khóc.

Khát khao được tự do cứ lớn dần lên trong trái tim hai con người. Những sai lầm nông nổi dần chìm vào quá khứ. Lá thư nào họ cũng dành một đoạn nói về tương lai với những dự định sau khi ra khỏi nhà tù.

Yêu nhau qua những cánh thư, qua những lời động viên vội vàng của thời gian gặp mặt hiếm hoi trong những buổi trại tổ chức các chương trình giao lưu hay những hội nghị biểu dương những gương mặt phạm nhân điển hình, cả Dũng và Kim Oanh đều xác định tình yêu họ dành cho nhau là chân tình.

Dũng thổ lộ với người yêu rằng: “Nếu hôm nào không nhận được thư của Oanh là anh bồn chồn không thể làm gì được. Anh yêu Kim Oanh không chỉ ở nét chữ, lời văn mà qua những cánh thư, sự từng trải đã cho anh thấy được bóng dáng của người vợ hiền đảm đang sẽ cùng anh đi hết cuộc đời sau này”.

Trong trại, tất nhiên là không thể công khai yêu đương. Cả hai đã âm thầm không vượt quá giới hạn, mặc dù họ đều là phạm nhân tự giác, có thừa điều kiện để gần nhau. Nghĩ đến một sự gắn bó trọn đời sau khi ra trại, cả Oanh và Dũng đều quyết tâm chờ đợi. Họ viết cho nhau nhiều đến độ, khi ra tù phải nhờ gia đình chuyển về một thùng lớn.

Lên núi xây “lâu đài tình ái”

Nhờ tình yêu, cả hai cùng có động lực để cải tạo tốt. Kết quả thật bất ngờ, họ được đặc xá cùng một ngày. Lúc nghe tin ấy, anh chị bàn nhau “không báo người nhà để được đi chơi thỏa thích”. Thế nhưng vừa bước ra cổng, Nguyễn Thị Kim Oanh đã “bị” chị gái chờ sẵn kéo lên xe đi luôn. Lê Văn Dũng đứng như trời trồng trước sân trại.

Sau mấy ngày bị gia đình “lôi” về quê, chị thấy nhớ da diết người đàn ông đã cùng mình đồng cam cộng khổ giữa chốn lao tù. Oanh bắt xe về nhà anh ở Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.  Khi thấy chị đứng trước cửa nhà, anh ngỡ ngàng hạnh phúc nhưng vẫn tỏ ra giận dỗi.

Chị ngậm ngùi: “Chúng ta đã hứa sẽ sống bên nhau cả đời mà”, nghe chị nói, anh bỗng thấy xót xa. Hồi lâu anh lên tiếng: “Bây giờ anh tính lên núi, nếu em muốn đi theo anh thì chỉ có hai bàn tay trắng”, chị gật đầu.

Nhưng chị Oanh vốn là con nhà gia giáo, bố mẹ có chức sắc ở Sở Giáo dục nên khi biết con muốn gắn cuộc đời với một tên tướng cướp đã kịch liệt phản đối. Không nhận được sự ủng hộ, Oanh trốn nhà lên với Dũng, trong tay chỉ có ba triệu đồng do một người bạn tốt cho mượn, hai người đưa nhau lên Lục Yên làm lại cuộc đời.

Số tiền mang theo chỉ vừa đủ thuê căn nhà nhỏ, sắm một cái giường và xe đạp mini để đi lại. Tài sản gom góp lúc này còn lại là 15.000 đồng, chị Oanh bắt đầu những tháng ngày buôn bán nhỏ lẻ dưới chân núi đá để chồng yên tâm “lên núi tìm vận may”.

Lúc đầu công việc thuận lợi, bao nhiêu đá khai thác đều được đối tác Thái Lan mua hết. Nhưng được một thời gian thì họ không nhập nữa, hàng chục bao đá nằm chỏng chơ nơi góc nhà, anh Dũng đã mua lại toàn bộ số đá ấy.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ cứu giúp mọi người chứ lời lãi gì cái đống đá vụn ấy”, anh kể lại. Dắt vợ về quê, Dũng lại xoay đủ nghề kiếm sống. Anh đi nhiều nơi, gặp nhiều người phụ nữ ăn vận trẻ trung, sang trọng mà thấy thương vợ quá.

“Một lần lôi mấy bao tải đá ra ngắm, anh bỗng hỏi vợ: “Mình có sẵn đá, nếu anh mở xưởng làm tranh đá quý thì sao nhỉ?”, chị Oanh gật đầu. Đến giờ chính bản thân anh chị cũng không tin rằng từ những viên đá ế ẩm ở Lục Yên năm xưa đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời họ.

Anh Dũng lao đi tìm thầy để học nghề làm tranh đá. Cuối năm 2006, công ty TNHH Dũng Tân ra đời, đánh dấu một hướng đi mới cho dòng tranh đá quý của Việt Nam. Sau hơn 5 năm gây dựng, đến nay, Cty TNHH Dũng Tân của vợ chồng Dũng đã có hàng trăm lao động.

Tranh đá quý của Dũng Tân được đánh giá đạt được độ tinh xảo, có tính mỹ thuật cao, độc đáo. Đặc biệt, tranh được làm bằng đá tự nhiên 100%, còn khung tranh được làm bằng nhựa và gỗ Đồng Kỵ để tránh hư hỏng do sự thay đổi của thời tiết.

Tướng cướp khét tiếng năm xưa đã trở thành ông chủ doanh nghiệp. Nhìn cơ ngơi của anh chị hiện nay, người ta dường như quên hẳn một đại ca giang hồ để nhường chỗ cho một người đàn ông thành đạt với một gia đình hạnh phúc.

Gia đình hạnh phúc và thương hiệu “Dũng Tân”

Anh bảo: “Tôi có ba con riêng, Oanh có một đứa, chúng tôi nhận thêm 2 đứa con nuôi nữa, như thế là một gia đình trọn vẹn rồi”. Anh chị cũng từng mong có con chung, nhưng hồi trẻ thì phải bươn chải kiếm sống, mãi sau này muốn sinh thêm lại quá tuổi.

Chị bảo rằng, điều đó chẳng quan trọng vì với gia đình anh chị bây giờ, 6 đứa con là một tài sản vô giá. Nỗ lực của Dũng đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu bằng khen, giấy khen dành cho cá nhân cũng như thương hiệu tranh đá quí Dũng Tân.

Năm 2010, anh đã được vinh danh là Doanh nhân xuất sắc đất Việt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, vợ chồng Dũng Oanh còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, cho những gia đình khó khăn trong vùng vay vốn làm ăn.

Tin vui mới nhất mà vợ chồng anh Dũng có được là họ đã chính thức lên chức ông bà nội được mấy tháng. Hiện nay, gia đình anh chị đang sống ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Công việc chính là kinh doanh tranh đá quý với 7 cơ sở trong cả nước.

Ngoài làm tranh đá, anh còn kinh doanh cây cảnh. Tháng 8/2011, anh chị cũng đã khánh thành Trung tâm thương mại đá quý Dũng Tân với diện tích 11.000 m2 tại thị xã Sông Công.

Lý giải cho việc tại sao lại là Dũng Tân, anh Lê Văn Dũng tủm tỉm: “Tân là mới, là tân thời. Tôi muốn tất cả mọi người nhìn Dũng “K cơ” ngày nào bằng một con mắt khác bởi đơn giản tôi là một con người khác”. Bao nhiêu năm qua, anh chị đã đoạn tuyệt với lầm lỡ của quá khứ để vươn lên, trở thành điển hình không chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà còn cả giới danh nhân trong cả nước.

Được biết, hôm khánh thành “Quỹ hoàn lương”, vợ chồng anh Lê Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Kim Oanh cũng có mặt, họ chỉ muốn góp một chút sức lực bé mọn để giúp những người đã từng sa ngã, lầm lỡ có định hướng đúng đắn hơn vào tương lai.

Còn câu chuyện tình yêu kỳ lạ của họ, đến nay không chỉ cán bộ và phạm nhân tại trại giam Phú Sơn 4 vẫn kể cho nhau nghe mà dường như thiên tình sử ấy đã được bam giám thị các trại giam trong cả nước kể lại để làm gương cho các phạm nhân khác cải tạo tốt để sớm về với xã hội.

(Thêm một thông tin khá thú vị là chuyện về phạm nhân Lê Văn Dũng mới đây đã được nhà văn Chu Lai chọn làm nguyên mẫu trong cuốn tiểu thuyết mới của mình).

Phunutoday