Anh, một gã giang hồ cộm cán, từng là cựu tù trốn trại, đại ca của bãi đào vàng và là tướng cướp trấn biên ải một thời dọc ngang. Còn chị là cô giáo dạy giỏi của trường chuyên tỉnh Bắc Giang, chỉ vì không giữ mình được trước cám dỗ của đồng tiền mà sa chân vào chốn tù đày, tan nhà nát cửa.
Đó là một mối tình kỳ lạ và đặc biệt nhất trong lịch sử trại giam. Đặc biệt hơn, cả hai anh chị cùng được đặc xá một ngày, trở về đời thường nên nghĩa phu thê, không chỉ hoàn lương mà gia đình ấm áp của hai cựu phạm nhân này còn làm được nhiều hơn thế nữa chỉ với hai bàn tay trắng.Về Thái Nguyên, nhắc đến Lê Văn Dũng, còn gọi là Dũng “K cơ” hay Dũng “đá quý”, từ giới thương buôn đến những đối tượng cộm cán ngoài xã hội không ai là không biết đến.
Vào tù ra trại, hết đại ca đến nghèo kiết xác và bây giờ là đại gia, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Lê Văn Dũng vẫn luôn giữ được cái “chất” ngang tàng, phóng khoáng nhưng trọng chữ tín của mình. Cuộc đời của Dũng “K cơ” chìm nổi lênh đênh phận người, nhưng ít ai biết rằng trong những thăng trầm ấy, luôn có một người phụ nữ thầm lặng bên anh, cùng chia ngọt sẻ bùi.
Cũng không ai ngờ rằng, tổ ấm mà anh chị đang có, với 4 đứa con ruột là con anh con tôi và 2 đứa con nuôi lại được xây dựng trên nền tảng của hai người từng lầm lỡ. Gặp nhau và yêu nhau trong những ngày còn chung cơm tù áo số, chuyện tình của phạm nhân Lê Văn Dũng và phạm nhân Nguyễn Thị Kim Oanh có lẽ là mối tình kỳ lạ, độc đáo và đặc biệt nhất trong lịch sử nhà tù.
Quá khứ bất hảo của hai phạm nhân
Lê Văn Dũng sinh năm 1960 ở xã Lạc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên trong một gia đình gia giáo. Thế nhưng, với bản tính phóng khoáng, năm đang theo học lớp 8 trường làng, Dũng đã bỏ ngang chuyện học hành để theo chúng bạn vào đội thủy lợi xã.
Năm 18 tuổi, trong một lần mải chơi bị bố mắng, Dũng âm thầm viết đơn xin đi bộ đội và được chấp thuận, bố trí về Trung đoàn 338 chiến đấu. Vào chiến trường chưa được bao lâu, anh đã được cả trung đoàn biết đến và cảm phục bởi sự nhanh nhẹn, dũng cảm và sống hết mình vì đồng đội.
Thấy Dũng thông minh, lãnh đạo đơn vị cho đi học lớp tiểu đội trưởng ở cấp sư đoàn và chưa đầy hai năm sau, năm 1980, anh được kết nạp Đảng, trở thành Đảng viên trẻ tuổi nhất trung đoàn khi đó. Tuy nhiên, cũng giai đoạn này, do suy nghĩ nông cạn, tuổi trẻ bồng bột đã dẫn anh đến hành động sai lầm và đây cũng chính là bước ngoặt cuộc đời của Lê Văn Dũng.
Được giao phụ trách nổ mìn các công trình nên Dũng thường xuyên là người tiếp nhận mìn, thuốc nổ, trông coi khối tài sản đó cho đơn vị. Một vài lần, Dũng lấy thuốc nổ ra suối đánh cá để cải thiện bữa ăn cho anh em trong đơn vị.
Khi kiểm kê, khối lượng thuốc nổ hao hụt mất khoảng 200kg nên anh đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và ra khỏi đơn vị. Những ngày ở nhà không có việc làm, Lê Văn Dũng đã phạm tiếp sai lầm khi làm giả các loại giấy để ra vào Viện 91 gần nhà mình, bán lại kiếm tiền bất chính.
Vụ việc bị vỡ lở, năm 1986, Dũng bị bắt giữ, sau đó bị Tòa án Quân khu I xử 18 tháng tù giam về tội làm giả giấy tờ. Mãn hạn tù, mặc cảm thân phận nên anh đã khoác balô lên thị trấn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn mưu sinh.
Tại đây, nghe dân tình bàn tán có một bưởng trưởng trong bãi vàng quê ở Thái Nguyên, Dũng liền lên xin việc và được dung nạp. Vì là chỗ đồng hương, anh nhanh chóng được tin tưởng giao toàn quyền cai quản bãi vàng và để lấy số má, Dũng nuôi râu, uốn vểnh ngược, trông chẳng khác nào mặt người trong con bài “K cơ” của bộ tú lơ khơ nên biệt danh Dũng “K cơ” xuất hiện từ đó.
Chỉ một thời gian rất ngắn ở Bắc Kạn, tiếng tăm của Dũng “K cơ” nổi danh như cồn, được đồn khắp bãi vàng, dân tứ chiếng trong đó nhiều kẻ là tù tội, giang hồ nô nức kéo về làm thuê cho Dũng, tôn anh làm bưởng trưởng.
Để đánh dấu chủ quyền, Dũng khoanh một vùng rộng lớn, cắm biển cảnh báo những kẻ có ý định lấn chiếm, đồng thời cho dựng nhiều công trình có quy mô lâu dài, từ nhà ăn, nhà chỉ huy đến khu vui chơi giải trí. Lê Văn Dũng thưởng cho các phu vàng bằng thuốc phiện và gái đẹp.
Đầu tháng 5/1990, Dũng “K cơ” chán đất khách quê người nên dẫn quân về vùng vàng ở Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên lập nghiệp nhưng chưa về đến nơi thì đội quân của Dũng đã gây ra vụ cướp xe khách trắng trợn với số tài sản lên đến 64 triệu đồng nên Dũng bị bắt giữ.
Tuy nhiên, quá trình chờ xét xử, Dũng đã bỏ trốn vào đêm 23 tháng Chạp âm lịch. Vùng đất hứa lần này Dũng chọn là Quảng Ninh để buôn chuyến. Được một thời gian ngắn thì anh nhảy về vùng đất Lục Yên, tỉnh Yên Bái đào đá đỏ bởi thời kỳ này, đào đá đỏ đang trở thành nghề kiếm ra bội tiền.
Tại đây, Dũng hết đào đá, sang hành nghề xe ôm rồi bảo kê các xe chở hoa quả, chi phối mọi hoạt động buôn bán. Một lần nữa, tiếng tăm nổi như cồn, nhưng lần này, Dũng “K cơ” mới thấy cuộc sống đơn thương độc mã thật vô vị liền tính chuyện đầu thú.
Ngày 22/5/1994 Dũng “K cơ” quyết định về đầu thú tại Công an tỉnh Thái Nguyên, sau đó bị kết án 11 năm tù, thụ án tại trại Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên.
Tại đây, Dũng “K cơ” được đưa vào đội gạch, chuyên sản xuất gạch xây dựng trong trại. Dũng được cử làm đội trưởng đội gạch vì vốn đã có kỹ thuật đun gạch từ hồi còn ở Trại giam T4. Đội gạch của Dũng “K cơ” đã lập được nhiều thành tích nên anh bắt đầu gây được sự chú ý trong Ban giám thị trại Phú Sơn 4.
Trong quãng thời gian này, bằng "tai tiếng như cồn" của mình, Dũng “K cơ” còn giúp Ban giám thị ổn định tình hình trại viên, khám phá và ngăn chặn nhiều âm mưu kéo bè kéo cánh để chống đối, để trốn trại của các trại viên khác và đề xuất nhiều biện pháp quản lý mới, hiệu quả hơn.
Quá trình phấn đấu đó được ghi nhận và sau hơn 1 năm cải tạo ở đội gạch, Dũng “K cơ” được chuyển lên làm thi đua. Từ đó, hằng ngày, Dũng “K cơ” được giao quản lý toàn bộ anh em trong phân trại của mình, kiểm tra tất cả các phòng giam khi can phạm đã đi lao động để xem xét các tình huống mất an toàn, nắm tình hình tâm lý trại viên cũng như quá trình cải tạo của họ.
Nhờ có Dũng “K cơ” mà tình hình an ninh trật tự trong các buồng giam "gấu" luôn ổn định. Thế nhưng, như chia sẻ thật của anh Lê Văn Dũng bây giờ thì ngày đó, có nằm mơ anh cũng không nghĩ rằng mình sẽ tìm được người con gái của cuộc đời trong bốn bức tường uy nghi, lạnh lẽo ấy.
Ấy vậy mà, thật bất ngờ là chính tại đây, Dũng “K cơ” đã tìm được một nửa của mình khi có mối tình kéo dài 2.000 ngày câm lặng với nữ phạm nhân xinh đẹp nguyên là một cô giáo trường chuyên triển vọng.
Cô giáo đó không ai khác chính là Nguyễn Thị Kim Oanh, vợ của anh Lê Văn Dũng hiện tại. Sinh ra trong một gia đình giáo chức có 4 chị em, Kim Oanh được xem là người chị thông minh và cá tính nhất. Năm lớp 7, Kim Oanh đã đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc.
Đến năm lớp 12, Kim Oanh lập lại thành tích khi đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Văn toàn quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội II với tấm bằng loại giỏi, Kim Oanh được phân về dạy ở Trường Năng khiếu Bắc Giang.
Là một cô gái xinh đẹp có việc làm ổn định nên chị luôn là đối tượng của nhiều chàng trai săn đuổi nhưng chị lại yên phận làm vợ của một anh giáo nghèo, đàn hay hát giỏi. Năm thứ hai công tác, chi đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, trong số 10 học sinh giỏi cấp tỉnh và giữ vững trong suốt 5 năm tiếp theo và chị được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ làm thủ quỹ của trường.
Với bản chất tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người Kim Oanh đã mang số tiền 600 triệu của trường cho bạn vay đi buôn hàng Trung Quốc, người bạn buôn bán thua lỗ không trả được, chị vay mượn người thân và bạn bè trả lại được 400 triệu còn lại 200 triệu không có khả năng khắc phục hậu quả.
Vào những năm 1995 thì đó là một món tiền khổng lồ. 8 năm tù giam là cái giá mà chị phải trả. Ngày chiếc xe bít bùng chở vào Trại giam Phú Sơn 4, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh dựa người vào thành xe, xót xa khi nghĩ về những tháng ngày đứng trên bục giảng.
Hình ảnh lũ học trò nghịch ngợm giờ chỉ còn trong ký ức của chị mà thôi. Ở một góc riêng, chị Oanh miên man nghĩ lại những gì đã xảy ra. Giờ có hối hận thì cũng đã muộn.