TIN TỨC » Tin trong ngày

Nếu thiếu 'Vươn', Tiên Lãng có gì nổi tiếng?

Thứ sáu, 10/02/2012 10:11

Dường như vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn đã làm cho những giá trị văn hóa độc đáo làm nên danh tiếng bấy lâu nay của đất Tiên Lãng tạm thời bị quên lãng…

Những ngày này, nói đến huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), hầu hết người dân Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới ông Đoàn Văn Vươn và vụ việc cưỡng chế đất lùm xùm tại địa phương này.

Thuốc lào  Trước khi vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn xảy ra, nếu nhắc đến Tiên Lãng, rất nhiều người sẽ nhớ ngay đến một đặc sản nổi tiếng của miền đất này: thuốc lào. Thuốc lào Tiên Lãng đã được đến gần xa từ rất lâu đời với tư cách của một sản vật dâng tiến vua chúa. Sách Đồng Khánh dư địa chí lược ghi “thuốc lào xã An Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất”để tiến vua. An Tử Hạ ngày nay chính là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.

Những cánh đồng thuốc lào xanh ngát trải rộng tới chân trời là một nét độc đáo của Tiên Lãng.

Thuốc lào vốn là một thứ đồ để hút đặc trưng, được xếp vào hàng ẩm thực truyền thống của người Việt. Cùng với trầu cau, nước trà, thuốc lào không thể thiếu trong những buổi tiếp khách của người Việt thời xưa.  Từ những người nông dân đến quan lại, vua chúa, không ai là không bị cái “nghiện” của thuốc lào làm mê hoặc. Bởi vậy mà dân gian có câu : “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”…  Đất đai ở Tiên Lãng dường như phù hợp đặc biệt với cây thuốc lào. Chỉ khi được trồng ở nơi đây, những lá thuốc lào mới tạo ra hương vị cuốn hút, đê mê, xứng đáng với đẳng cấp của một sản vật tiến vua. Ngày nay, những cánh đồng thuốc lào xanh ngát trải rộng tới chân trời đã trở thành một khung cảnh đặc trưng của Tiên Lãng…   Suối nước khoáng nóng  Bên cạnh thuốc lào, tự nhiên còn ban tặng cho Tiên Lãng một món quà độc đáo khác, đó là những mạch nước nóng giàu khoáng chất phun lên mặt đất từ độ sâu gần 1km.  Từ xa xưa, nước khoáng nóng đã được coi là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đã có không ít truyền thuyết kể về việc sử dụng nước khoáng để chữa bệnh và nước khoáng luôn có mặt trong đời sống của các bậc công hầu, vua chúa.  Việt Nam có nhiều nguồn nước khoáng, nhưng chủ yếu năm ở các miền rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Tuy vậy, nguồn nước khoáng ở xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng nằm ngay vùng đồng bằng ven biển, chỉ cách thành phố Hải Phòng 18km, rất thuận tiện cho việc đi lại và khai thác. Đây được đánh giá là 1 trong 5 nguồn nước khoáng đặc biệt có giá trị của Việt Nam. 

Suối nước khoáng nóng Tiên Lãng là một điểm du lịch được nhiều người biết đến của Hải Phòng.

Dù được phát hiện từ năm 1965, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, phải đến năm 1982, nguồn nước khoáng nóng Tiên Lãng mới được mở cửa để phục vụ các tầng lớp dân chúng. Năm1984, Phó chủ tịch Quốc hội Xuân Thủy khi về đây đã sinh cảm hứng viết tặng một bài thơ:  “Qua thăm Tiên Lãng - Hải Phòng Ngờ đâu mạch đất có dòng nước sôi Quý thay, đất - nước - con người Tắm xong khoan khoái tưởng đời như Tiên!”. Từ năm 2004 đến nay, một khu nghĩ dưỡng hiện đại đã được xây dựng tại suối nước khoáng nóng Tiên Lãng, trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.  “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi”… Tiên Lãng cũng là quê ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) - nhân vật lịch sử được dân gian truyền tụng suy tôn là “nhà tiên tri số 1” của Việt Nam, đồng thời mảnh đất cũng gắn với sự linh ứng một câu sấm truyền nổi tiếng của ông, có nội dung như sau: "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về".

Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa).

Lời sấm này có nghĩa là bao giờ vùng đất Tiên Lãng bị xẻ làm đôi ra và con sông Hàn được nối lại thì tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ vang dội trở lại.  Quả đúng như vậy, vào năm 1991, huyện Tiên Lãng bị “xẻ đôi” vì có công trình đào kênh thuỷ lợi. Cùng lúc ấy thì có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Tiên Lãng. Thời điểm ấy cũng tròn 500 năm kể từ ngày sinh của ông (1491 – 1991). Một lễ kỷ niệm long trọng đã được tổ chức tại Văn Miếu -  Quốc Tử Giám. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng gắn với tài năng kiệt xuất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được làm sống lại trong lòng người dân Việt Nam…

Đất Việt