Lật tẩy tội ác từ một manh mối không ngờ
Ngày 22/4/2011, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm nhận được Công văn số 926 của Cục Lãnh sự quán Bộ Ngoại giao đề nghị truy tìm một phụ nữ người Trung Quốc bị mất tích tại Hà Nội tên là Kim Xuân Tiên. Bà Tiên nhập cảnh vào Việt Nam ngày 8/4/2011 qua cửa khẩu Hữu Nghị và đến bến xe Gia Lâm vào lúc 17 giờ cùng ngày. Vào thời điểm đó, bà Tiên vẫn liên lạc được với bạn bè nhưng cho đến 18 giờ thì gia đình, bạn bè mất liên lạc hoàn toàn với bà.
Ngay sau đó, lai lịch và các mối quan hệ của bà Kim Xuân Tiên tại Việt Nam được các trinh sát dựng lại. Bà Tiên là một phụ nữ sắc sảo đã có mối quan hệ làm ăn kinh tế với nhiều người Việt Nam từ 4-5 năm trước. Bà Tiên thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam và nói tiếng Việt khá tốt. Rà soát các mối quan hệ của bà Tiên, các trinh sát đặc biệt chú ý đến một người tên là C.
Ông chính là người đầu tiên phát hiện bà Tiên mất tích khi vào lúc 18 giờ ông gọi điện thoại cho bà thì thấy mất liên lạc hoàn toàn. Cũng từ ông C., các trinh sát thu được một nguồn tin cực kỳ quan trọng. Đó là Hùng, một người làm nghề lái xe ôm ở bến xe Gia Lâm. Những lần về Việt Nam, bà Tiên thường thuê Hùng chở mỗi khi cần đi công chuyện ở Hà Nội. Ông C. kể rằng, sau khi điện thoại cho bà Kim Xuân Tiên không được, ông đã điện thoại cho Hùng nhưng không hiểu vì lý do gì, Hùng không nghe máy.
Chờ đến tối không thấy Hùng điện thoại lại, linh cảm thấy điều gì bất thường, ông C dùng một thẻ sim khác, gọi điện thoại cho Hùng thì anh này lại nghe máy. Nhận ra ông C., Hùng bảo anh ta đang ăn giỗ ở Hưng Yên chứ không có mặt ở Hà Nội. Khi ông C. hỏi Hùng về bà Tiên thì Hùng một mực bảo không biết. Nhưng gặng hỏi một lúc thì Hùng lại bảo, hồi chiều Hùng có gặp bà Tiên ở bến xe Gia Lâm. Sau đó, bà Tiên nhờ Hùng chở sang nhà chờ xe buýt ở chân cầu Chương Dương để bà bắt xe buýt về Giáp Bát. Nhận lời, Hùng đã chở bà Tiên đến đấy lúc trời xẩm tối, Hùng không biết rõ là mấy giờ, sau đó bà Tiên đi đâu thì Hùng không biết.
Từ những thông tin thu thập được ở ông C., các trinh sát nhận định, nhiều khả năng Hùng là người có liên quan trực tiếp đến sự mất tích khó hiểu của bà Tiên. Do đó, một yêu cầu khẩn thiết đặt ra là phải tìm được Hùng trong thời gian sớm nhất.
Tiếp tục lăn lộn tại bến xe Gia Lâm, dò hỏi rất nhiều nguồn tin về Hùng, các trinh sát đã dựng nên chân dung đầy đủ của Hùng. Đó là một người đàn ông trạc 50 tuổi, nhanh nhẹn và khá khéo léo trong giao tiếp. Vì vậy, tuy chỉ hành nghề lái xe ôm nhưng Hùng quan hệ khá rộng. Đây cũng là một điểm khá thuận lợi để hành trình tìm kiếm Hùng của các trinh sát đỡ vất vả hơn.
Thì ra, tên thật của Hùng là Phạm Thu Nguyệt sinh năm 1963, ở tổ 10, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Sau vụ việc bà Tiên bị mất tích một cách khó hiểu thì Hùng vẫn đi làm xe ôm và thái độ của anh ta không có gì bất thường. Tuy nhiên, trong quá trình dựng lại chân dung Hùng, các trinh sát do tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng nên được biết, trước khi mất tích ít lâu, bà Tiên suýt bị cướp một khoản tiền khá lớn.
Lần ấy, cũng là Hùng chở bà Tiên đi lấy tiền ở Hưng Yên số tiền là 200 triệu đồng. Sau đó, Hùng lấy lý do là bận việc không chở bà Kim Xuân Tiên quay về Hà Nội được mà điện thoại cho một người bạn xuống đón. Trên đường về Hà Nội, bà Tiên bị hai đối tượng là nam giới đi cùng chiều áp sát cướp giật túi tiền. Cú giật khá mạnh làm bà Tiên văng ra khỏi xe nhưng do cố giữ chặt túi tiền nên không bị mất. Cũng bởi vậy mà bà không trình báo công an.
Vụ cướp giật bất thành tưởng không có liên quan gì đến vụ mất tích bí ẩn của bà Tiên nhưng các trinh sát Đội Truy tìm vẫn không bỏ qua. Từng có thâm niên nhiều năm làm trinh sát hình sự, với bề dày kinh nghiệm đánh án, Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đánh giá đây là chi tiết rất quan trọng. Nó góp phần củng cố những nghi vấn về Phạm Thu Nguyệt, tức Hùng.
Và anh này, ngay sau đó đã bị triệu tập đến Cơ quan Công an. Cùng thời điểm đó, tại mương nước thôn Lảnh Trì, xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam, người dân phát hiện một xác nạn nhân nữ khoảng 45 - 50 tuổi chết trong tình trạng bị hai cọc tre buộc chéo dìm xác, hai hòn đá to đè lên ngực và chân. Tiến hành khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân chết trước đó khoảng 3 - 4 ngày, chưa rõ tung tích. Đối chiếu với thông báo truy tìm của Công an TP Hà Nội về đặc điểm của bà Kim Xuân Tiên thấy có nhiều điểm trùng khớp với tử thi chết tại mương nước thôn Lảnh Trì, xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam. Và vậy là những nhận định đánh giá về sự bất minh của Hùng đã được Đội Truy tìm chuyển giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam khai thác.
Quả đúng như nhận định ban đầu, qua đấu tranh, cuối cùng Phạm Thu Nguyệt đã phải khai nhận tất cả. Chiều 8/4, biết bà Kim Xuân Tiên thuê chở đi lấy 590 triệu đồng tiền hàng ở một cơ sở sản xuất, Nguyệt đã nảy sinh lòng tham muốn chiếm đoạt.
Nguyệt đã gọi điện thoại nói với cháu họ mình là Nguyễn Xuân Thành (22 tuổi quê ở Hà Nam) về việc giết bà Tiên để chiếm đoạt tiền, Hùng hứa khi thực hiện xong sẽ cho Thành tiền để mua xe máy và cho tiền gia đình Thành để trả nợ, Thành đồng ý.
Với mục đích điều bà Tiên đi xa đến nơi vắng vẻ để dễ bề thực hiện tội ác, Nguyệt đã tạo cớ là mẹ đang cấp cứu tại bệnh viện và rủ bà Tiên về thăm nhà Thành.
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 8/4/2011, Nguyệt chở bà Tiên đến Cầu Giát gặp Thành, sau đó Thành đi trước dẫn đường, Hùng chở bà Tiên đi sau theo hướng vào thôn Chuôn, xã Châu Giang rồi ra đường bờ Bắc mương nước Cửa Kho, thôn Lảnh Trì. Khi đến vị trí giấu búa, Thành dừng xe lại tắt máy, Nguyệt chở bà Tiên đi vượt lên khoảng 3m thì dừng lại. Thành xuống xe đi đến vị trí giấu chiếc búa đinh lấy và cùng Nguyệt sát hại bà Tiên. Bà Tiên kêu cứu và bỏ chạy nhưng bị ngã, Nguyệt chạy đến dùng búa tiếp tục ra tay.
Biết bà Tiên đã chết, Nguyệt kéo xác đến sát bờ phía Bắc rồi lấy cây dừa nước phủ lên và lên bờ gọi Thành lại vị trí xác. Thành thấy một phần cơ thể bà Tiên nổi trên mặt nước nên đã đi đến ngã ba phía cánh đồng thuộc thôn Lảnh Trì bê cục đá lại và thả xuống vị trí xác bà Tiên. Do sợ xác của bà Tiên bị phát hiện sớm, Nguyệt về gặp Thành và bàn với Thành phải dùng vật nặng đè lên, nên khoảng 22 giờ ngày hôm sau 9/4/2011, Thành điều khiển xe chở Nguyệt từ Bệnh viện đa khoa Hưng Yên quay lại hiện trường lấy một tảng gạch đè lên xác của bà Tiên, sau đó trở về Hà Nội làm việc bình thường.
Cuối năm 2011, vụ án đã được đưa ra xét xử. Với tội ác tày đình, Nguyệt phải chịu án tử hình và Thành nhận án tù chung thân.
Gian nan như mò kim đáy bể
Mới thành lập được 1 năm và chỉ vẻn vẹn có chưa đầy một chục trinh sát nhưng khối lượng công việc mà Đội Truy tìm phải đảm nhiệm khá lớn. Không chỉ chuyên trách mảng công việc truy tìm người mất tích, các trinh sát ở đây còn phải thực hiện cả việc truy tìm vật chứng trong các vụ án theo yêu cầu của thủ trưởng Cơ quan điều tra. Trong năm qua, Đội đã tiếp nhận hơn 400 thông báo truy tìm, trong đó riêng người mất tích là 139 trường hợp, mà trường hợp nào cũng khẩn cấp và khó khăn.
Nếu như khi đi truy bắt đối tượng truy nã, anh em trinh sát được tiếp nhận khá nhiều nguồn tài liệu sẵn có như ảnh, lý lịch, các mối quan hệ thân thiết hoặc khả nghi của đối tượng từ Cơ quan điều tra; còn khi truy tìm người mất tích thì những thông tin kiểu đó lại rất ít ỏi. Đa số các gia đình khi con em mất tích đến đây trình báo đều biết rất ít về các mối quan hệ của con em mình.
Một nữ sinh học lớp 10 ở một huyện ngoại thành Hà Nội đột ngột mất tích sau giờ tan lớp, cha mẹ đến đây khóc lóc vật vã, thống thiết yêu cầu Cơ quan Công an tìm kiếm giúp nhưng khi hỏi về con, họ hầu như không biết con chơi với bạn bè thế nào, con có mâu thuẫn với ai không. Hoặc giả có gia đình biết, thậm chí biết rất rõ con mình, một bé gái 13 tuổi đã nhiều lần lén lút sang nhà bạn trai… ngủ thân mật nhưng khi con mất tích đến trình báo thì rất ngại ngần, không dám nói thật những chuyện không lấy gì làm hay ho ấy. Hay như trường hợp giả chết của em N. ở Quảng Bình cũng vậy. Khi ra Hà Nội trình báo, gia đình em hầu như mù tịt, không biết một chút gì về mối quan hệ của em trong thời gian em lưu trú tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương chữa bệnh…
Vì tất cả những lý do đó mà các cuộc tìm kiếm bị thiếu đi những dữ liệu cần thiết khiến trở nên khó khăn hơn.
Một khó khăn nữa, theo Trung tá Nguyễn Quốc Toản, Đội trưởng Đội Truy tìm là trong đại đa số các trường hợp người mất tích không phải là đối tượng phạm tội nên không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo pháp luật đối với họ được. Thế nên, khi tìm thấy họ mà vì một lý do nào đó họ không muốn trở về với gia đình thì các trinh sát đành phải bó tay, bao nhiêu công kiếm tìm đổ xuống sông xuống bể.
Thượng úy Đỗ Thanh Hải kể lại câu chuyện cười ra nước mắt mà anh và đồng đội gặp phải mới đây trong cuộc tìm kiếm cô Kim T. ở Kim Mã, Hà Nội. Gia đình T. đến Đội Truy tìm khẳng định nhiều khả năng Kim T. và đứa con trai 3 tuổi của cô đã bị bọn tội phạm lừa bán qua biên giới và khẩn thiết yêu cầu Cơ quan Công an giải cứu cho hai mẹ con cô được trở về.
Huy động lực lượng, kiếm tìm khắp nơi, áp dụng đủ mọi biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng các trinh sát mới xác định được một manh mối quan trọng tại TP HCM. Thượng úy Đỗ Thanh Hải ngay lập tức bay vào để xác minh. Đeo bám nhiều ngày trời ở đây, cuối cùng anh cũng tìm ra nơi ở của hai mẹ con Kim T. Sau khi lập biên bản xác nhận việc hai mẹ con cô không bị xâm hại, không bị lừa gạt bán qua biên giới, thuyết phục mãi cô mới đồng ý đưa con trở về sum họp với gia đình ngoài Hà Nội. Đội Truy tìm cũng đã báo cho gia đình cô ở Hà Nội vào đón và tưởng rồi họ sẽ đoàn tụ. Nhưng không ngờ, trên đường di chuyển đến Công an phường sở tại nơi cô Kim T. thuê trọ để đoàn tụ cùng gia đình, cô Kim T. ôm theo con bất ngờ… bỏ chạy. Thượng úy Đỗ Thanh Hải cười buồn, thì đành lòng vậy, cầm lòng vậy chứ biết làm sao…
Những cuộc kiếm tìm khó khăn và nhiều khi trớ trêu đến thế nhưng hiện nay chưa có kinh phí cấp cho công tác truy tìm. Ngoài chi phí cho các chuyến công tác khắp trong Nam ngoài Bắc rất lớn thì chỉ tính riêng chi phí in sao thông báo truy tìm, ảnh và các tài liệu khác gửi Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước để phối hợp tìm kiếm mỗi tháng đã cả triệu đồng.
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Hà Nội hiện nay đang phải tự san sẻ từ các nguồn kinh phí phục vụ công tác truy nã cho công tác truy tìm, thế nên eo hẹp lắm. Anh em trinh sát cũng biết thế nên chấp nhận vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi. Mỗi ngày họ tự chọn cho mình niềm vui riêng trong công việc - niềm vui khi sự thật được làm sáng tỏ sau các cuộc tìm kiếm gian truân, nhọc nhằn