Anh Đặng Như Quỳnh, chủ một showroom ôtô tại phố Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là người khởi xướng chiến dịch giải cứu dưa hấu cho đồng bào miền Trung. Đợt 1, nhờ hoạt động quyết liệt, rốt ráo, Quỳnh và đội tình nguyện đã giải cứu thành công 185 tấn dưa hấu Quảng Nam gặp lũ, phải thu hoạch sớm.
Tiếp đà thành công ấy, cả đội thực hiện luôn đợt giải cứu dưa hấu thứ hai cho nông dân Quảng Ngãi. Đặng Như Quỳnh cho biết, lượng dưa cần tiêu thụ lần này lớn gấp 10 đợt trước, sẽ có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, anh khẳng định: "Nếu làm việc với tinh thần tập trung cao, bỏ qua tất cả để hướng tới mục tiêu, hơn 1.000 tấn dưa ế của dân sẽ được bán hết".
Nói tới đây, chủ showroom ôtô chùng giọng: "Tôi biết những ngày qua, bên cạnh làn sóng ủng hộ, chung sức chung lòng với chúng tôi, đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến nghi ngờ về hoạt động thiện nguyện này. Tuy nhiên, để thành công, đôi khi chúng ta cứ phải bỏ ngoài tai, đạp lên dư luận mà sống".
Giá bán 5.000 đồng/kg chỉ đủ bù vốn
Hình ảnh em bé Quảng Nam cùng gia đình dầm mình trong nước để cắt từng trái dưa gặp lũ, nông dân Quảng Ngãi khóc vì dưa ế là động lực để Đặng Như Quỳnh thực hiện chiến dịch giải cứu dưa hấu. Anh cho biết, dưa Quảng Nam do nước lũ tràn về làm bật gốc mà phải thu hoạch sớm hay dưa Quảng Ngãi đã chín già nhưng bí đầu ra đều chung tình trạng cần tiêu thụ gấp. Nếu không, dưa hỏng, kéo theo cả vụ lỗ to sẽ khiến người dân lao đao.
Xác định mục tiêu giải phóng dưa hấu trong thời gian nhanh nhất, Quỳnh và đội tình nguyện chủ động lựa chọn những giải pháp nhanh, gọn, hiệu quả. Một mặt, anh lập kế hoạch truyền thông, nhờ báo đài, cộng đồng mạng, hệ thống phát thanh huyện, xã ủng hộ. Mặt khác, cả đội phân công nhân lực đồng thời chuẩn bị vốn và phương tiện tiếp cận vựa dưa ế.
Tại đầu Quảng Nam, qua hệ thống phát thanh xã, các hộ dân có nhu cầu bán dưa sẽ mang dưa tới địa điểm tập kết. Đội tình nguyện thu mua cân và trả tiền trực tiếp theo đơn giá thỏa thuận công khai 3.000 đồng/kg, có xác nhận của chính quyền địa phương. Để giảm thời gian lưu cữu hàng hóa, đội thuê ô tô 20 tấn chạy từ Hà Nội hoặc TP HCM tới địa điểm tập kết, vận chuyển dưa ra thị trường Hà Nội với giá 2,5 triệu đồng một tấn dưa (tương đương 2.500 đồng/kg).
Thi thoảng, gặp được xe trống chạy đúng tuyến, phí vận chuyển giảm xuống còn 1,7 triệu đồng một tấn. Cộng lại các khoản, giá vốn dưa ra tới Hà Nội trung bình là 5.000 đồng/kg, chưa kể tiền phát sinh mua rơm lót chống xóc cho từng xe, tiền hỗ trợ tình nguyện viên ăn, nghỉ, tiền thuê bến bãi...
"Nhiều người cho rằng, chúng tôi mua dưa tại ruộng 3.000 đồng/kg, bán ra 5.000 đồng/kg là lãi cao, lợi dụng từ thiện để kiếm lời. Nhưng chi phí vận chuyển như vậy biết tính làm sao? Giá 5.000 đồng/kg chỉ vừa đủ bù vốn trên lý thuyết chứ thực tế còn lỗ", một thành viên trong đội cho biết.
Khẳng định bỏ ngoài tai những nghi vấn cho rằng mình độc quyền phân phối dưa hấu từ thiện, bán giá chênh lệch để kiếm lời, ông chủ showroom ôtô chỉ cười: "Hơn 1.000 tấn dưa cũng chỉ bằng 2-3 chiếc ôtô nhập khẩu của tôi. Bạn nghĩ sao nếu một doanh nhân buôn ôtô mà phải thức đêm thức hôm bán dưa, nhặt bạc lẻ? Còn cả vùng dưa ở đó, nông dân ở đó, trong lịch sử đã có đơn vị, thương lái nào bao tiêu, độc quyền cả thị trường dưa chưa mà đã tới lượt anh lính mới, tay ngang?".
Ngoài đội của Đặng Như Quỳnh, có nhiều tổ chức đoàn thể cũng huy động sức người, sức của, về tận địa bàn tham gia mua gom, giải cứu dưa cho đồng bào. Theo anh, đó là hiệu ứng tốt, sẽ giúp giải phóng nhanh chóng lượng dưa đang có nguy cơ hỏng từng ngày.
Dưa từ thiện chỉ bán buôn, không kiểm soát việc loạn giá bán lẻ
Cũng vì đặt mục tiêu giải cứu dưa trong thời gian ngắn nhất, cả đội ưu tiên phương án bán buôn. Những đơn vị đặt buôn số lượng lớn sẽ được giải quyết đơn hàng theo thứ tự, khách mua lẻ có thể tìm tới các địa điểm đã lấy buôn trước đó.
"Với những địa chỉ tình nguyện trở thành đầu mối phân phối lẻ, hỗ trợ đội giải cứu, cam kết bán dưa đúng giá 5.000 đồng/kg, sẽ được hỗ trợ vận chuyển", Đặng Như Quỳnh cho biết.
Theo tìm hiểu, trong đợt giải cứu dưa Quảng Ngãi mới phát động cách đây 2 hôm, hiện thị trường Hà Nội đã xuất hiện nhiều điểm bán dưa với giá chênh lệch cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Điểm bán tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội rao giá 7.000 đồng/kg, một số điểm nhỏ lẻ tại nội thành và trên diễn đàn mạng cũng rao bán dưa từ thiện Quảng Ngãi giá 6.000-7.000 đồng/kg.
Hầu hết các mối bán đều khẳng định lấy dưa từ đầu mối của Đặng Như Quỳnh. Việc bán ra với giá cao hơn được giải thích là do các nhóm phải tự lo chi phí vận chuyển và hư hao.
"Kể cả có trường hợp mua số lượng lớn để bán lẻ với giá cao hơn, kiếm lời thì chúng tôi cũng không thể kiểm soát được. Mục tiêu là giải phóng nhanh, số lượng nhiều, phong tỏa bến bãi cho các đợt dưa tiếp theo đang về", Quỳnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, phản đối việc lợi dụng mác "dưa từ thiện" để thu lợi, anh cho biết, đội giải cứu chủ động ưu tiên các mối lấy buôn số lượng lớn là các cơ quan, đoàn thể, công ty có kế hoạch từ thiện công khai cũng là để sàng lọc bớt những đối tượng trên.
"Tôi hy vọng hiệu quả từ thực tế giải cứu dưa hấu lần này sẽ là một cú thúc mạnh cho thị trường. Rõ ràng nếu giảm bớt kênh phân phối, hạ bớt quyền lực thương lái, người nông dân và người tiêu dùng đều có lợi. Ở đợt bán dưa hấu Quảng Nam, 30% thành công có được là nhờ tấm lòng chia sẻ của đồng bào nhưng 70% còn lại là nhờ giá dưa tới tay người dùng rẻ. 5.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/4 giá bán tại chợ và siêu thị, có bà nội trợ nào không ưng?", Đặng Như Quỳnh nói.