Duyên phận hẩm hiu
Người đàn ông tên Nguyễn Công Chính (SN 1967, trú tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) – kẻ có nước da đen nhẻm và đôi mắt trắng dã đứng ngạo nghễ trước vành móng ngựa. Giữa chốn công đường, bị cáo vẫn giữ vẻ mặt dữ dằn, đổ thừa cho vợ đã tự “tìm đường” vào chiếc cũi chó; mà chị Trịnh Thị Út đâu phải người mất trí. Thật đáng lên án khi Chính bao biện cho hành vi bất nhẫn của mình là do ghen tuông, vì yêu vợ. Trả lời những câu hỏi của HĐXX, Chính không chút sám hối. Gã thản nhiên, cất giọng rành rọt và cho rằng, mình bị “cắm sừng” nên việc vợ bị trừng phạt là đích đáng: - Sáng sớm hôm ấy, điện vào máy di động của vợ và nghe tiếng một người đàn ông trả lời, tôi nổi điên. Trong cơn ghen, bị cáo không thể kiểm soát bản thân và đã nhốt vợ cùng đàn chó. Tôi chỉ muốn vợ cảm thấy nhục mà lần sau chừa cái thói bỏ nhà đi. Tất cả chỉ là dọa, tôi không biết mình đã phạm tội...
Thái độ ngoan cố ấy của của Chính khiến vị chủ tọa cũng không kiềm chế được cảm xúc:
- Bị cáo thấy ở đâu có chuyện chồng nhốt vợ vào cũi chó chưa? Cả phòng xử rộ lên những tiếng la ó, phản đối. Còn Chính thì nín thinh, hắn cúi gập mái đầu bù xù. Ngồi trên hàng ghế dành cho bị hại, chị Út nước mắt lưng tròng. Nhấc tấm thân tàn tạ, chị cất giọng nghẹn ngào: - Ghen tuông chỉ là cái cớ anh ta tạo ra để bọc lót con người vốn ham mê thói “đỏ - đen”. Đây mới là nguyên nhân khiến gia đình tôi tan vỡ. Vốn là người cùng làng, chị Út không lạ gì máu “anh chị” của Chính. Chị Út biết Chính là kẻ ra tù vào tội vì gây gổ và tham tiền của người khác. Ai cũng tránh gã như tránh tà, vậy mà chị lại bị cuốn vào cuộc đời của kẻ vũ phu ấy. Chị kể, một lần ghé qua ngôi nhà tuềnh toàng vắng bàn tay người phụ nữ, thấy bữa ăn của Chính và cậu con trai (SN 1989) không cơm chỉ có độc rau luộc, chị đã rớt nước mắt. Cuộc sống của mình đã khốn khổ, chị không ngờ có người còn cám cảnh hơn. Hình ảnh hai bố con bên mâm cơm đạm bạc luôn ám ảnh chị. Thương Chính cảnh “gà trống nuôi con”, thi thoảng, chị lui tới săn sóc hai bố con. Khi ấy, người nhà can chị, chớ đâm đầu vào bể khổ nhưng chị đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn. Tấm lòng chân thành của chị đã khiến Chính cảm động. Lâu lắm rồi, hắn không thấy được sự dịu dàng của người phụ nữ trong nhà mình. Chịu thương, chịu khó, kén chồng đâu chẳng được, vậy mà dễ dàng nhận lời cầu hôn của Chính. Gạt đi mọi lời dèm pha, chị Út nên duyên với Chính. Lần đò thứ 2 lại chẳng sung túc gì, rước chị về làm vợ, Chính chỉ mời những người thật thân thiết để chứng kiến lễ thành hôn của mình. Hiểu hoàn cảnh ấy, chị không tủi phận mà còn ấm lòng vì tin tưởng mình đã lựa chọn đúng. Những tưởng sự ân cần và tấm chân tình của chị mãi sưởi ấm được sự cô quạnh trong Chính, nhưng ngày vui của họ “chẳng tày gang”. Đứa con chung chào đời, chẳng vui mừng, Chính còn hằn học với vợ. Thời gian ở cữ, không chạy chợ, cơm nước được, chị đã bị chồng đánh gãy tay. Vết thương thể xác chị chịu đựng được nhưng vết thương lòng thì khó mà quên được. Vừa đau, vừa tủi nhưng chị Út đành cắn răng chịu đựng. Nghĩ lại lời bố mẹ mà chị như đứt từng khúc ruột. Đã ra nông nỗi này, chị phải che giấu, chứ than khổ, mọi người trong gia đình lại vì chị mà nghĩ ngợi. Cả nhà chỉ trông vào chiếc xe máy để chạy chợ thế mà Chính cũng “nướng” sạch vào những canh bạc. Phần vì tiếc của, phần vì sự vô trách nhiệm của chồng, chị góp ý. Nhưng mỗi lần vợ mở miệng là Chính lại hằn học, trút những trận đòn vô cớ. Chị tính, chờ khi con trai cứng cáp, sẽ thoát ly ra nội thành Hà Nội làm ăn với hy vọng chồng sẽ hồi tâm, cải tính. Nghe vợ giãi bày, Chính nghe bùi tai, thuận theo. Hai vợ chồng đã thuê một miếng đất ở xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm, Hà Nội) dựng quán bán thịt chó. Vợ chồng chung lưng đấu cận, đận khó khăn ban đầu cũng qua, việc kinh doanh “xuôi chèo, mát mái”. Những tưởng, tổ ấm ấy đã bền chặt trở lại. Ngặt nỗi, nhà có đồng ra đồng vào, Chính lại tái phát “bệnh” cờ bạc. Lần này, Chính không thèm chơi cò con và càng chơi, hắn càng thua đậm hơn. Chị Út tiếc đứt ruột khi mấy sào ruộng ở quê và đàn lợn cũng bị chồng bán để trang trải các món nợ bạc. Nói nặng, nói nhẹ, Chính không suy chuyển nên chị đành dằn lòng làm đơn xin ly hôn.
Lúc này, Chính xuống nước, mở lời xin lỗi vợ. Hắn còn dỗ ngon ngọt khiến chị Út lại mềm lòng. Nhưng chỉ được dăm bữa, người chồng vũ phu này lại trị vợ vì cái tội “dám bỏ chồng”. Kể từ cái ngày vợ định dứt áo ra đi, Chính đâm ra hồ nghi chị. Chị Út thấy rõ sự thay đổi của chồng, anh ta ngày một thất thường. Có lần, khách đến mua thịt chó và chê thịt thâm, hắn nổi điên đánh người đàn ông này thương tích 16% và nhận 24 tháng tù tội “Cố ý gây thương tích”. Bản án còn chưa ráo mực (Chính được tại ngoại), Chính lại phạm tiếp tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác” đối với vợ. Sợ chồng hơn bầy chó Bị đa chấn thương phần mềm rải rác nhiều nơi trên cơ thể, mẻ đốt sống thắt lưng (10% thương tật), sức khỏe chị Út đã dần hồi phục nhưng chị không thể hết lần này đến lần khác tha thứ cho chồng. Cho tới giờ, nỗi đau tâm can vẫn giày xé trong chị Út bởi ký ức ngày 7/6/2008. Sau khi bị trút một trận no đòn, nhân lúc Chính cho lợn ăn, chị Út trốn đến nhà anh trai ở huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tờ mờ sáng hôm sau, Chính gọi điện giục vợ về. Thấy chị Út, Chính hằm hè bước ra cửa. Biết có điều chẳng lành, chị bỏ chạy. Trong cơn hoảng loạn, chị bước hụt và đã bị chồng thụi gạch vào lưng. Khu phố Nhổn đã bị náo loạn bởi tiếng la hét khản đặc của chị Út và tiếng chửi rủa ầm ĩ của Chính. Đám đông kéo tới nhà chị Út và rùng mình khi thấy, người phụ nữ này bị trói và bị nhốt trong cũi cùng bầy chó đang sủa ông ổng. Ai cũng lắc đầu ái ngại khi chị Út cố khom mình trong chiếc cũi cao 1m với vẻ mặt lấm lét. Còn Chính, gã tỏ ra vô cảm, bỏ ngoài tai lời cầu xin của vợ. Trong khi đó, việc can thiệp của những người hàng xóm gần như vô hiệu. Chỉ đến khi Cảnh sát 113 xuất hiện, tình hình mới được cải thiện. “Tôi như bị tê liệt. Bị nhốt chung với 7 con chó lạ tôi còn cảm thấy an toàn hơn. Vướng lan sắt, anh ta không thể quất gậy vào người tôi” – chị Út chua chát nói. Đối với chị Út, đó là một bi kịch. Bi kịch vì chị còn sợ chồng hơn cả bày chó. TAND huyện Từ Liêm đã tuyên Nguyễn Công Chính (SN 1967, trú tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) 18 tháng tù giam vì tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”. Cộng thêm 24 tháng tù của bản án trước, tổng hình phạt Chính phải thi hành là 3 năm 6 tháng tù. So với khung hình phạt bị VKSND huyện Từ Liêm truy tố, mức án này là nhẹ. Nhưng chị Út sẽ không kháng cáo. Chị chia sẻ, dù rằng Chính tệ bạc nhưng để chồng phải đứng trước vành ngựa, chịu phán quyết của pháp luật, người vợ này rất rầu lòng. Vậy nên, chị Út không muốn đo đếm mức án nặng nhẹ. Và cũng không đề nghị Toà phúc thẩm xem xét số tiền bồi thường (TAND huyện Từ Liêm yêu cầu Chính phải bồi thường cho vợ hơn 15 triệu đồng, trong khi, số tiền chị yêu cầu hơn 60 triệu đồng). Ra nông nỗi này, cuộc hôn của chị và Chính không thể cứu vãn. Sẽ có một phiên tòa dân sự để giải quyết vấn đề giữa hai người. Ngày mới đến “Ngôi nhà bình yên” (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội phụ nữ Việt Nam), chị Út phải nằm bẹp giường. Mọi sinh hoạt đều do các chị em trong ngôi nhà chia sẻ. Bởi vậy, chị không thể nào quên ân tình của mọi người đã giúp đỡ mình trong lúc khốn khó. Tá túc ở đây, chị mang theo cả đứa con trai. Nhưng thời hạn 3 tháng lưu trú cũng đã hết, chị Út không biết sẽ đi về đâu khi không còn chỗ nương thân. Tương lai của người phụ nữ này thật mịt mù: con nhỏ, sức khoẻ yếu lại tay trắng. Thêm một điều chị Út lo lắng là cậu con riêng của Chính. Khi bố bị bắt tạm giam, chị lại nằm viện, nó bỏ nhà và giờ không biết lang bạt ở đâu... Cũng may, những nỗi đau đó của chị giờ đã trở thành quá khứ.