Những ngày qua, nhiều khu vực nội thành Hà Nội "chìm" trong bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí ở top đầu thế giới.
Theo hệ thống quan trắc môi trường tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô ở mức xấu và rất xấu, với chỉ số AQI từ 161 đến hơn 210. Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 (loại bụi được coi là "tử thần" trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em) ở mức rất cao.
Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 14/10 theo trang web IQair.
Theo trang web IQair chuyên về theo dõi chất lượng không khí, sáng 14/10, không khí tại Hà Nội đang ở mức không an toàn với chỉ số AQI lên tới 160. Nguyên nhân là do bụi mịn PM2.5 gấp 13,6 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Một số điểm có chỉ số AQI cao tại Hà Nội như: Cửa Nam (160), Thành Công (151), Ngọc Lâm (160), ngoài ra một số khu vực ngoại ô cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 160 đến 180. Thậm chí khu vực bán đảo Quảng An (Tây Hồ) còn có chỉ số AQI lên tới 203 vào lúc 9h sáng. Đây là mức rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người mỗi năm, chiếm 32% của miền Bắc. Vậy không khí Hà Nội ô nhiễm do đâu? Qua quá trình thực đo, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho Hà Nội, bao gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp; khoảng 800 làng có nghề, trong đó 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770.000 xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Khí thải từ ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, người dân Hà Nội cần theo dõi các trang web cập nhật số liệu quan trắc về chỉ số ô nhiễm không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hoặc một số ứng dụng uy tín khác. Trong những ngày có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đối với những người có bệnh nền liên quan đến hô hấp hoặc trẻ nhỏ cần ở trong nhà hoặc hạn chế đi ra ngoài. Các gia đình có điều kiện nên sở hữu máy lọc không khí. Khi ra ngoài, người dân cần trang bị kính, khẩu trang, đồng thời rửa mắt, súc miệng khi trở về nhà.
Các chuyên gia cũng kiến nghị những giải pháp như: Trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm, bệnh viện ra ngoài khu vực nội đô; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, để triển khai nhiều biện pháp đạt hiệu quả nhất, bên cạnh quyết tâm của Hà Nội, cần có sự phối hợp của các tỉnh, thành phố lân cận trong việc ngăn chặn, xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời, huy động sự chung tay hỗ trợ, hợp tác của những tổ chức quốc tế và các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, hạn chế tối đa ô nhiễm.