Soumen mới bắt đầu học nhiếp ảnh, ban đầu anh đi xem khỉ và hổ trong khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng không ngờ lại được nhìn thấy con hổ hiếm nhất thế giới. Anh kể: “Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và may mắn, nó đột ngột xuất hiện từ trong rừng, ở lại vài giây rồi bỏ đi. Lúc đầu tôi không biết mình nhìn thấy gì, chỉ nghĩ nó khác với những con hổ khác. Ở đây khó có thể nhìn thấy hổ đen vì chúng thích lang thang trong môi trường tự nhiên và số lượng chỉ có một hoặc hai con".
Hổ đen không phải là loài đặc biệt mà do lớp lông của hổ thông thường bị đen lại. Các sọc đen dày bao phủ lớp lông màu cam, đôi khi trông hoàn toàn màu đen.
Có thể hiểu hổ đen thực chất là hổ Bengal nhiễm chứng hắc tố giả, một đột biến gene hiếm ở động vật khiến họa tiết sọc vằn trở nên bất thường. Hổ đen thường nhỏ hơn một chút so với những con hổ Bengal khác và hiếm khi xuất hiện trước mặt con người.
Hổ đen thường chỉ được ghi hình qua bẫy camera. "Với sự trợ giúp của bẫy camera, các chuyên gia ước lượng có khoảng 6 hoặc 7 con hổ đen trong khu bảo tồn Simlipal và Nandankanan tại bang Odisha. Chúng tôi hy vọng hổ đen sẽ ghép đôi với những con khác để có cơ hội có thêm hổ đen con", Soumen nói.
Hổ Bengal (Panthera tigris tigris) phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và một số nước châu Á. Tuổi thọ trung bình của chúng là 8-10 năm, con trưởng thành nặng từ 110-230 kg. Con mồi của chúng gồm hươu nai, lợn rừng, bò tót, một số động vật nhỏ như thỏ, nhím, công, đôi khi cả gia súc gia cầm.