Bố cô dâu bị đánh chết
Đó là trường hợp ông Võ Viết Canh (SN 1958) trú tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) trong tiệc cưới con gái. Trưa 18-3-2012, ông Canh tổ chức tiệc cưới cho con gái tại gia đình. Trong lúc dự tiệc, hai nhóm thanh niên cãi vã rồi lao vào ẩu đả. Ông Canh can ngăn bị các đối tượng dùng gậy, vỏ chai tấn công. Mặc dù đã được người thân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng, ông Canh đã tử vong. Cơ quan chức năng đã bắt giữ 12 đối tượng có liên quan để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trước đó, cũng tại Hà Tĩnh, vào đêm 9-1-2012, khi thanh niên các xóm trong xã Xuân Lộc (Can Lộc) và các xã lân cận kéo về xóm Yên Xuân dự đám cưới. Trong lúc hát hò, nhảy múa, một nhóm thanh niên đã xảy ra xích mích dẫn đến ẩu đả. Chỉ trong ít phút nhiều thanh niên đã dùng hung khí đánh lộn lẫn nhau. Thấy vậy ông Nguyễn Văn Dũng (trưởng thôn) ra can ngăn thì bị một thanh niên chưa rõ tên tuổi đâm một nhát trúng ngực. Cú đâm thấu tim khiến ông Dũng tử vong ngay trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Chú rể cũng bị bắt vì đánh nhau
chuyện buồn này là của gia đình ông Hà Trọng Thư, ở xóm Sộp, xã Lương Sơn, thành phố Thái Nguyên. Ngày hôn lễ của con gái thứ hai trong gia đình ông, đáng lẽ phải là ngày vui, hạnh phúc thì bỗng chốc trở thành nỗi buồn và bất hạnh, bởi sự nông nổi, côn đồ của chính chú rể. Buổi tối trước ngày đón dâu, chú rể Dương Văn Cường, 23 tuổi, trú tại xóm Trung, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, cùng đoàn nhà trai hơn 30 người đi xe máy lên nhà cô dâu. Sau hơn 1 giờ uống rượu, giao lưu văn nghệ, đoàn nhà trai ra về, nhà gái tiễn khách và mời rượu chú rể. Cường từ chối không uống rượu nên đã xảy ra mẫu thuẫn, xô xát. Đám thanh niên nhà trai đã quay lại đuổi đánh nhóm thanh niên nhà gái. Bỗng chốc đám cưới biến thành trận hỗn chiến. Hậu quả làm 3 thanh niên nhà gái bị thương nặng, trong đó có Dương Văn Chỉnh, bị chém 10 nhát. Ngày mà chú rể cùng anh em bạn bè vui vẻ, đến đón cô dâu về xây dựng cuộc sống gia đình đã không thành, thay vào đó chú rể Dương Văn Cường bị tạm giữ để cơ quan Công an điều tra, làm rõ hành vi côn đồ của mình. Ông Thư cũng tuyên bố hủy hôn giữa con gái thứ hai của ông với Dương Văn Cường.
Mâu thuẫn từ trong bàn tiệc…
Tối 4-1-2012, tại đám cưới nhà anh N.T.S, tại xã Võ Cường, TP Bắc Ninh, do mâu thuẫn trong khi trong khi ngồi uống rượu cùng nhau, Nguyễn Hải Đăng (SN 1981) dùng dao nhọn đâm Võ Văn Phương (cùng trú ở xã Võ Cường) chết tại chỗ. Sau khi gây án, Đăng đã đến trụ sở công an đầu thú. Cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong khi ngồi uống rượu, ngày 10-3-2012, 2 nhóm thanh niên đến dự đám cưới tại tại ấp Tân Hà, xã Tân Tiến, Đồng Phú - Bình Phước đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến hỗn chiến kinh hoàng. Do bị Mai Văn Hiếu (SN 1994) trú tại ấp 8, xã Tân Lập vô cớ đánh nên Chu Văn Sơn (SN 1993) trú tại ấp Dên Dên, huyện Đồng Phú rút dao giấu sẵn trong người ra đâm Hiếu nhiều nhát khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Không chỉ có vậy, anh Nguyễn Xuân Huỳnh (SN 1993) và Nguyễn Ngọc Quán (SN 1988) cùng trú tại ấp Tân Hà, xã Tân Tiến khi chạy tới can ngăn liền bị người có tên thường gọi là Cu Hương (SN 1994) trú tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú dùng chai bia đâm liên tiếp vào lưng và vai. Liền đó, đối tượng Nguyễn Văn Huy (SN 1994) trú tại ấp 6, xã Tân Lập, Đồng Phú chạy vào sau nhà lấy cuốc bổ thẳng vào đầu, khiến Nguyễn Ngọc Quán chấn thương sọ não.
Trước đó khoảng 20h30 ngày 27-11-2011, tại nhà chị Nguyễn Thị T (SN 1994) trú tại Mê Linh - Hà Nội, đã xảy ra vụ án mạng do mâu thuẫn bột phát giữa hai nhóm thanh niên trong đám cưới. Nhóm thanh niên ở xã Tiến Thịnh đánh nhau với nhóm thanh niên ở xã Liêm Mạc. Hậu quả dẫn đến anh Vũ Văn Hải (SN 1990, ở Yên Thị, Tiến Thịnh, Mê Linh) bị đâm 1 nhát vào bụng, chết trên đường đi cấp cứu. Còn Nguyễn Văn Bang (SN 1994, cùng trú ở Tiến Thịnh, Mê Linh), bị đánh gây thương tích nhẹ.
... Tới nhà đâm đối thủ
Vào lúc 22h30 ngày 18-12-2011, trong lúc đang tới đám cưới nhà ông Trần Văn Gẩm ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), Trương Xuân Ba (SN 1982) và anh Nguyễn Văn Cường (SN 1985) cùng trú tại thôn Bình Tân, xã Phước Minh xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau và được mọi người can ngăn. Sau đó, đến khoảng 23h cùng ngày, Ba đến nhà ông Uông Sỹ Toàn trú tại thôn Bình Tiến lấy 1 con dao bầu rồi quay trở lại đám cưới nhà ông Gẩm. Đi được một đoạn Ba gặp Nguyễn Văn Tuấn là em họ của Ba. Tại đây, Ba chửi Tuấn rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào cổ, má, mạn sườn, nách và đùi của Tuấn. Đâm em họ xong, Ba bỏ đi. Còn Tuấn được người dân gần đó phát hiện chở đi bệnh viện cấp cứu. Đến khoảng 24h cùng ngày, Ba tiếp tục cầm theo con dao bầu và đi xe máy đến nhà anh Cường. Nghe tiếng gõ cửa, anh Cường tưởng người quen nên vội ra mở thì lập tức bị Ba dùng con dao bầu đâm xuyên qua 2 má. Bị thương tích khá nặng nhưng anh Cường chộp được khúc cây chống trả quyết liệt rồi gục xuống bất tỉnh. Trương Xuân Ba đã bị công an thị xã Phước Long bắt ngay sau đó.
Chỉ tại… rượu
Có thể thấy, trong thời gian qua các vụ việc đánh nhau gây thương tích trong các đám cưới diễn ra có chiều hướng gia tăng. Trong đó, các đối tượng gây án chủ yếu là thanh thiếu niên ở các vùng nông thôn, có trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật hạn chế, thích thể hiện sự hung hăng, côn đồ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều rượu trong đám cưới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Theo thống kê của riêng Công an huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên trong 25 vụ án cố ý gây thương tích xảy ra năm 2011 thì có tới 14 vụ đánh chém nhau ở trong các đám cưới. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc xô xát, mâu thuẫn đánh nhau đã được Công an xã giải quyết, hòa giải và xử phạt hành chính ngay từ cơ sở. Đó chỉ là một địa phương rất nhỏ, nếu tính trên toàn quốc, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo báo cáo từ các địa phương thì tình trạng này ngày càng gia tăng. Sự hung hãn của thanh niên ngày càng tăng lên với cấp độ cao hơn. Chỉ cần một ánh mắt bị cho là nhìn đểu, một lời mời uống không được đáp lại, những thanh niên sẵn sàng lao vào nhau “chiến đấu không thương tiếc”. Tại các vùng nông thôn, đám cưới không chỉ diễn ra trong một ngày mà kéo dài tới 2 thậm chí 3 ngày vì thế rượu liên miên ảnh hưởng không nhỏ đến thần kinh của những người đến dự tiệc. Có những đám cưới với khoảng 60 mâm cơm nhưng đã tiêu thụ hết 100 lít rượu gạo tự nấu thì mới thấy rượu chiếm một tỷ lệ lớn như thế nào và người say nhiều đến đâu. “Rượu vào lời ra” khi không làm chủ được hành động của mình nó trở thành một kết cục buồn.
Trung tá Nguyễn Văn Hưng - Phó trưởng Công an huyện Phú Bình cho biết: Các đối tượng phạm tội trong các vụ cố ý thương tích thường sử dụng hung khí như dao, gậy, nhiều đối tượng tham gia và để lại những hậu quả rất lớn. Để hạn chế tình trạng này, theo trung tá Hưng, các cơ quan chức năng cần có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân, phải hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồng thời tổ chức cho các chủ hộ gia đình, cô dâu chú rể ký cam kết phải đảm bảo an ninh trật tự ở gia đình trong ngày cưới.
Nhiều năm qua việc tuyên truyền giáo dục không lạm dụng rượu bia đã diễn ra thường xuyên nhưng kết quả không được như mong muốn. Từ những vụ việc nêu trên chúng ta có thể thấy rõ những hậu quả mà rượu mang lại cho con người khi sử dụng quá điều kiện cho phép. Vì vậy để ngày vui được trọn vẹn và cuộc sống an toàn hơn, mỗi người, đặc biệt là thanh niên cần phải kiềm chế bản thân, nâng cao hiểu biết pháp luật để từ đó có những hành vi ứng xử đúng mực. Mà những vụ án đau lòng như vừa kể trên là bài học đắt giá cho tất cả mọi người.