Nuôi chim ở buồng biệt giam
Trong lần tiếp xúc với tử tù Đào Ngọc Dần (đang bị giam tại trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên về tội giết người, cướp của cách đây 2 năm), tôi được nghe nhiều câu chuyện khá thú vị về Dần. Dần luôn thường trực một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Đôi khi hắn còn làm nũng cán bộ quản giáo và người nói chuyện đối diện.
Theo cách nói của cán bộ Hoàng Văn Tuấn - đội trưởng đội quản chế giam giữ (trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên), Dần là người "có tài" - theo cái nghĩa là hắn đánh "cờ mồm" và nuôi chim rất giỏi. Có nhiều hôm hắn đánh cờ với các tử tù phòng kế bên. Các thế cờ, nước cờ được Dần hình dung trong đầu và cứ thế là "chiến" với bạn tù. Hầu như những ván "cờ mồm" Dần đều ở thế thắng.
Các quản giáo kể, Dần còn có tài nuôi chim trong buồng biệt giam. Không hiểu sao, hắn có duyên gọi lũ chim đến. Phía trước phòng biệt giam của Dần, lũ chim, đặc biệt là chim sẻ rất hay kéo về. Có lần, hắn huýt sáo, lũ chim kéo về đậu ở cửa sắt. Trong lũ chim đó, một chú chim sẻ nhỏ đã bầu bạn với hắn ngay từ lần hắn huýt sáo đầu tiên. Bây giờ, mỗi khi nghe Dần huýt sáo, chú chim nhỏ ấy lại bay qua ô cửa sắt vào phòng biệt giam của Dần. Các quản giáo khen hắn tài thật, có tài "dụ" lũ chim về làm bạn. Không những thế, Dần cũng rất cao hứng sáng tác thơ, hát nhạc vàng rất hay.
Nhưng để có sự lạc quan, yêu đời như hiện nay là do sự động viên của các quản giáo và người thân mỗi lần đến thăm hỏi. Có dạo, Dần gần như rơi vào trạng thái trầm uất, hắn câm lặng ngồi bó gối, chẳng thiết ăn uống, ngủ nghỉ. Suốt một thời gian dài, Dần chìm trong sự buồn bã tái tê, thậm chí thời gian đó tâm trạng của Dần còn tệ hơn cả cái hồi hắn ra tòa nghe bản án tử hình dành cho mình.
Dần chỉ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần một thời gian vì nghĩ đến vợ (vợ hắn cũng đang chấp hành án ở trại giam Hoàng Tiến, Hải Dương vì cùng tham gia vụ án giết người, cướp của). Hắn nghĩ nhiều đến người cha già cơ cực (có 2 con trai là tử tù), lủi thủi vào thăm đứa con tử tù mỗi tháng. Nhưng rồi tình trạng đó cũng qua nhanh khi Dần tự ngộ ra được chân lý của cuộc sống, dù có thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn diễn ra...
Trong cuộc tiếp xúc với PV, tử tù Đào Ngọc Dần kể lại chuỗi ngày sống ám ảnh bởi tội ác mình gây ra trong trại giam như một sự biện minh cho lý do hắn gây tội ác. Dần bảo, "Chẳng ai sinh ra lại muốn giết người. Trong lúc túng quẫn, hoang mang nên đã gây ra tội tày đình như thế. Từ ngày bị bắt và giờ sống trong buồng biệt giam, cũng chừng ấy thời gian em sống trong tủi nhục và dằn vặt lương tâm".
Khi chúng tôi gặng hỏi, Dần cứ lảng tránh câu chuyện quá khứ. Dần nhắc nhiều đến người cha và ngậm ngùi khi nhắc đến những quãng thời gian gia đình đầm ấm trước đó. Dần bảo: “Sắp Tết rồi, chỉ còn lại bố mẹ lủi thủi với bữa cơm giao thừa. Nghĩ đến lúc đó, em lại ứa nước mắt”...
Cuối cuộc trò chuyện với PV, Dần nét mặt buồn thiu nói: "Nhà báo cho em được bắt tay một cái, lâu lắm mới lại có người vào thăm em! ". Cái bắt tay ấy, tôi cảm nhận được bàn tay hắn rất ấm đối ngược với sự lạnh lùng mà hắn đã gây ra vụ án giết người, cướp của chấn động cả một vùng quê cách đây vài năm.
Nữ tử tù đỏng đảnh
Đó là tên gọi mà các quản giáo trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang "ưu ái” dành cho tử tù Nguyễn Thị Ngọc. Theo lời kể của trung uý Tăng Văn Tráng - cán bộ quản giáo trại tạm giam Bắc Giang, Ngọc là tử tù nữ duy nhất của trại nên được các quản giáo "ưu ái" hơn.
Mỗi lần người nhà đến thăm hỏi đều vội vội vàng vàng rồi đi. Họ gửi lại tiền thăm nuôi và nhờ quản giáo mua đồ giúp. Ngọc nhất quyết chỉ ăn xúc xích vỉ 3 chiếc chứ không ăn vỉ 4 chiếc. Mua gối cũng phải là gối màu hồng - màu mà thị yêu thích. Gối phải có chiều dài, chiều rộng đúng với ý của thị đề xuất. Có lẽ vì là nữ tử tù duy nhất nên thị Ngọc cũng khá đỏng đảnh. Đã có nhiều lần, do nghĩ ngợi nhiều, phẫn uất thị còn "găm" xú uế để đối phó với quản giáo.
Theo lời kể của cán bộ quản giáo, Ngọc phải nhận án tử hình do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngọc là một "mắt xích" trong đường dây buôn bán ma túy lớn đã bị triệt phá hồi tháng 4/2006. Đã bao năm "chinh chiến" trên thương trường ma túy khốc liệt và đã phải tạm giam ở trại mấy năm nhưng Ngọc vẫn có được vẻ ngoài ngây thơ, thùy mị với mái tóc dài thướt tha, đôi mắt to tròn ngơ ngác trong đôi bờ mi cong, lúc nào cũng như muốn nói với ai điều gì đó. Khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, xinh đẹp là thế, vậy mà...
Sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ tỉnh Cao Bằng, Ngọc được bố mẹ cho ăn học tử tế, nhưng có lẽ vì xinh đẹp nên sớm bén duyên. 18 tuổi với nhan sắc rực rỡ của cô thiếu nữ, Ngọc lấy chồng, nhưng hạnh phúc với cô thật ngắn ngủi. Chưa đầy một năm sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, chồng Ngọc đổ đốn nghiện ma tuý. Chết lặng, Ngọc bế con bỏ về bên ngoại, cắt đứt quan hệ với chồng. Nhưng tình nghĩa vợ chồng, không phải nói bỏ là bỏ ngay được, bao ngày thấy chồng đến nhà khóc lóc và thề thốt, Ngọc mủi lòng và chấp nhận quay lại để giúp chồng cai nghiện...
Chồng Ngọc cũng đi cai được mấy tháng, nhưng khi về lại đâu vào đấy, thậm chí còn nghiện nặng hơn. Cứ vậy, cai ra cai vào được vài lần, rồi Ngọc có thai đứa thứ hai và sinh thêm một cô con gái nữa, nhưng anh chồng vẫn đắm đuối với ma túy. Cũng chính vì sống với người chồng nghiện, Ngọc cũng đành buông xuôi theo chồng, cuốn theo vòng xoáy lợi nhuận của ma túy đem lại.
Sau khi chồng bị chấp hành án ở trại Phú Sơn, Thái Nguyên, Ngọc mới bắt đầu quen Vũ Năng Sỹ, một bác sĩ. Sau nhiều lần gặp gỡ, vị bác sĩ đã "dụ" Ngọc câu kết, góp vốn mua bán ma tuý lấy lãi chia nhau. Hai người trở thành cặp bài trùng và là tình nhân, tình ngãi. Khi các cán bộ hỏi: "Liệu có phải do giận chồng mà lao vào con đường phạm tội?", Ngọc trùng giọng: "Cũng không hẳn vì hận chồng, một phần cũng vì tôi ham giàu". Ngọc bảo, hồi đó cứ nghĩ đơn giản là đi "hàng" một vài lần, có tiền rồi về thì chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng cô chẳng ngờ, hậu quả của nó là phải trả giá.
Theo lời kể của một cán bộ quản giáo, đường dây hoạt động ma tuý có nữ tử tù Nguyễn Thị Ngọc tham gia đã bị lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý công an tỉnh Bắc Giang triệt phá cách đây hơn 5 năm. Bản thân Ngọc từng lôi kéo bác ruột và em rể cùng tham gia. Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang xác định, đường dây này liên tục mua bán, vận chuyển heroin với khối lượng hàng chục bánh từ Thái Nguyên lên Cao Bằng bán. Ngọc vừa tổ chức, điều hành một nhóm chính của đường dây. Trong đó, Nguyễn Thị Ngọc 9 lần mua bán 9 bánh, 9 cây heroin. Khi tham gia vào đường dây này, Ngọc và nhân tình cùng góp vốn làm ăn chung, lời lãi chia đôi. Cả hai đứng ra thuê nhà nghỉ H.Y ở TP.Thái Nguyên làm nơi tổ chức mua bán, giao nhận hàng. Chỉ đến khi ăn chia không sòng phẳng, giữa Ngọc và nhân tình nảy sinh mâu thuẫn thì việc mua bán ma túy mới tạm dừng.
Trong khu biệt giam dành cho những phạm nhân lĩnh án tử hình ở trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang, giờ chỉ còn một nữ tử tù duy nhất - Nguyễn Thị Ngọc. Mọi thứ gần như đã đóng sập trước mắt Ngọc, nhưng cái đỏng đảnh của một người đàn bà đẹp và sắc sảo một thời luôn gây ấn tượng cho các cán bộ quản giáo.
"Vua chuột" ở trại tạm giam
Nghe chuyện về các tử tù, câu chuyện của tử tù Nguyễn Đăng Sùng (đang bị giam giữ tại phòng biệt giam của trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang vì hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh) có chút gì đó "vui vui". Sùng được mệnh danh là "vua chuột" trong trại vì thành tích diệt chuột của mình. Ở trong buồng biệt giam, Sùng đã tự thiết kế một cái bẫy bắt chuột. Số chuột mà hắn diệt được không còn nhớ xuể.
Có điều lạ lùng, gã tử tù này tính cách rất đồng bóng, màu mè, hắn chỉ thích mặc áo hồng, áo đỏ như con gái. Gã thích thế, cái sở thích này xuất hiện trong gã là vì hắn muốn diện những cái áo có màu tươi mới để tâm hồn thêm phấn chấn, vui vẻ.
Sùng chia sẻ rằng, vì thích màu đỏ nên mỗi khi có người nhà đến thăm, Sùng thường bảo mang cho những chiếc áo có màu đỏ tươi để mặc. Và trong số những chiếc áo bây giờ Sùng đang mặc ở trại, màu đỏ chiếm chủ yếu. Sùng bảo, chính bởi màu đỏ giúp anh ta thấy cuộc sống tươi đẹp, phấn chấn hơn. Sùng không cần biết ngày nào mình sẽ ra đi, cứ biết sống tốt những ngày nào còn có mặt ở trên đời để gia đình mình yên tâm, các cán bộ quản giáo không phải khổ sở trông coi...
Sùng có nét mặt khá hiền hậu, nhìn kiểu mặt đó rất dễ tạo lòng tin với người đối diện. Sùng hay cười, cái cười cũng có vẻ lành lành. Các cán bộ quản giáo ở đây nói rằng, Sùng là số ít các tử tù có thái độ thành khẩn, hợp tác và vui vẻ. Nếu Sùng không ở khu biệt giam, thì chẳng ai có thể nghĩ rằng người đàn ông mặt lúc nào cũng hớn hở kia lại là một tử tù đang đợi ngày đi trả án. Với Sùng, ngày với đêm được phân biệt bằng ánh nắng mặt trời và ánh đèn điện lọt qua khe cửa. Với Sùng, thứ ánh sáng ấy chính là người bạn thân thiết trong quãng ngày buồn tẻ.
Sùng là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có "người đẹp" Nguyễn Thị Ngọc tham gia. Nguyễn Đăng Sùng cũng là một người họ hàng gần của Ngọc. Sùng bảo trong đường dây ma túy của anh ta đã có vài người "lên đường", và người đầu tiên chia tay anh em là Vũ Năng Sỹ, một bác sĩ có tài.
Giờ ở lại trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang chờ ngày ra đi, chỉ còn Sùng và "người đẹp" Nguyễn Thị Ngọc. Và Sùng cũng chưa bao giờ nguôi hy vọng rằng một ngày nào đó anh ta sẽ nhận được quyết định ân xá của Chủ tịch nước để Sùng tiếp tục được sống và được đón nhận một cái tết ngọt lành bên người thân.