Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ai cũng hiểu, các chiến sĩ áo trắng luôn là những lực lượng tuyến đầu chống đỡ và rất vất vả. Nên mỗi lần hình ảnh các nhân viên y tế kiệt sức tới mức ngất xỉu hay bộ đồ của họ ướt sũng như tắm vì mồ hôi túa ra... được chia sẻ lên luôn khiến người xem nghèn nghẹn.
Mới đây, lại thêm những hình ảnh về lực lượng y tế đang gồng mình tại tâm dịch Bắc Giang được đăng tải đã nhanh chóng thu hút nhiều sự quan tâm. Theo đó, giữa trời nắng nóng, các bác sĩ vẫn phải mặc đồ bảo hộ y tế và làm nhiệm vụ ngoài trời. Tới khi lột bỏ bộ đồ xuống, tấm lưng của một nhân viên y tế đã đỏ ửng, phồng rộp cả lên vì cháy nắng.
Ngoài việc chịu nóng mất nước vì đổ mồ hôi ướt sũng, những nhân viên y tế còn cháy da cháy thịt khi phơi mình giữa cái nắng đầu hè.
Ngay khi đăng tải, những hình ảnh này thu hút hàng ngàn lượt tương tác. Nhiều người để lại bình luận cổ vũ những cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế... đang ở trong tâm dịch. Bên cạnh đó, một số dân mạng cũng nhắc nhở nhau đừng lơ là, chủ quan mà cần thực hiện tốt 5K để phòng dịch:
"Mặc bồ đồ này nóng mà, nó như ủ nhiệt trong người ấy. Lại nắng to nữa, bảo sao da lưng của các chiến binh áo trắng bị rộp da đỏ ửng vậy... Thương quá! Cố lên các chiến binh Việt Nam!"; "Nhìn mà ứa nước mắt. Không biết những người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly có thấy tội lỗi khi nhìn không?"; "Họ đã rất vất vả rồi. Chúng ta nếu không thể làm thay thì cũng đừng khiến họ thêm khổ sở. Vì thế hãy ở đâu ở yên đó, hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 nha! Chúng ta sẽ chiến thắng!", là những lời động viên dành cho những 'thiên thần áo trắng'.
Đồng nghiệp chỉ nhận ra nhau nhờ tên viết bằng bút trên bộ đồ bảo hộ.
Cảm ơn những anh hùng, những thiên thần áo trắng!
Theo lời một nhân viên y tế nơi tâm dịch Bắc Giang, thời gian lấy mẫu kéo dài khiến các y bác sĩ rất mệt mỏi. Tuy nhiên, vì đồ bảo hộ rất đắt và không thể tái sử dụng, họ cố gắng lấy được nhiều mẫu nhất có thể trên một bộ để tránh lãng phí.
Ghế sô pha được tận dụng làm nơi nghỉ ngơi cho các y, bác sĩ.
“Chúng tôi thường cố gắng nhịn uống nước để tránh buồn đi vệ sinh, bởi dù có muốn cũng không thể đi được. Nhiều người phải đóng bỉm giống như các bác sĩ điều trị ở khu cách ly. Khi hết việc, đa phần mọi người khát nên uống nhiều nước cùng lúc, rất dễ dẫn tới hiện tượng mất cân bằng điện giải. Vì công việc, mọi người phải chấp nhận hy sinh”, chị Đỗ Thái Phượng (SN 1988), bác sĩ khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện A Thái Nguyên kể.
Cảm giác nóng bức, người đầm đìa mồ hôi, mắt cay xè. Dù rất khát, nhưng họ không thể kéo khẩu trang xuống uống nước vì như vậy không đảm bảo phòng dịch. Da tay tiếp xúc lâu với mồ hôi cũng nhăn nheo lại.
Da tay nhăn nheo, mặt hằn khẩu trang là những điều không thể tránh khỏi với các y, bác sĩ khi phải mặc đồ bảo hộ quá lâu.
Tranh thù giây phút ít ỏi để nghỉ ngơi.
Những ngày này, người dân đều thương nhân viên y tế, công an, bộ đội, dân quân tự vệ… Nên tất cả các chiến sĩ nơi tuyến đầu đều rất tự hào khi được tham gia chống dịch.