Đêm đã về khuya, hàng vạn người dân Phố núi Pleiku, Gia Lai càng siết lại gần nhau hơn trong cái se se lạnh của thời tiết, ai ai cũng hồi hộp chờ đón những màn pháo hoa rực rỡ, báo hiệu một năm mới chính thức bắt đầu. Và đây cũng chính là thời gian mọi người đều rũ bỏ những công việc, những suy tư lo lắng trong cuộc sống để tận hưởng những giờ phút thiêng liêng nhất của năm. Nhưng với những “chị lao công đêm đông quét rác” thì ngược lại. Quanh năm làm việc, nhưng đêm giao thừa lại chính là đêm khiến các chị, các anh phải tất bật nhất, mệt nhọc nhất bên những đống rác chất cao như núi.
Và đương nhiên, dù rất khao khát được đón giao thừa bên gia đình, nhưng họ cũng đành bỏ lỡ, vì công việc làm sạch phố phường vẫn còn kéo dài. Với họ, giao thừa là một thứ gì đó xa xỉ, dường như nó chỉ được “đón” trên những dòng suy nghĩ thầm lặng với những ước mong cho một năm mới.
<
Đã hơn 10 năm nay, không được đón giao thừa bên gia đình, “chị lao công” Hoàng Thị Toan (47 tuổi) đã quá quen thuộc với công việc của mình, nên không còn buồn khi phải “đón giao thừa” trên đường phố nữa. Với chị, phải cố gắng làm sao cho công việc càng hoàn thành nhanh càng tốt, và một giấc ngủ ngắn ngủi để sáng mai thức dậy thật tươi tỉnh là một “phần thưởng” sau một đêm làm việc vất vả.
“Đã hơn 10 năm nay, tôi chưa một lần được đón giao thừa ở nhà, năm nào cũng vậy, sớm nhất thì cũng 3, 4 giờ sáng tôi mới trở về nhà. Nhà tôi có 3 mẹ con, con tôi thấy thương mẹ quá nên năm nào nó cũng ra đây giúp mẹ làm việc để mong có thể xong sớm về nhà kịp đón năm mới vào sáng mùng 1”, chị Toan tâm sự.
Vất vả là vậy nhưng cô Toan luôn tự hào về công việc của mình, bởi với cô nghề nào cũng cao quý và công việc của cô là làm đẹp cho đời, mang niềm vui đến cho mọi người: “Ở đây, chúng tôi đều yêu công việc của mình”.
“Đã chọn nghề này thì mình phải biết chấp nhận, phải biết hy sinh bởi nghề nào cũng có sự hy sinh riêng của nó. Chúng tôi chỉ mong sao đóng gọp một chút sức mình cho xã hội là vui rồi”, một công nhân tâm sự.
Tiếp chuyện của cô Toan, cô cho biết hơn mười năm nay cô không được đón giao thừa cùng gia đình. Đặc biệt, cách đây vài năm chồng cô mất, một mình cô lam lũ nuôi 2 người con ăn học thành người. Nhưng đến đêm giao thừa khi nhà nhà đoàn tụ bên nhau thì cô vẫn phải để 2 người con của mình ở nhà một mình, lặng lẽ đi tới sáng mới về.
Tại Cần Thơ, đêm giao thừa phố đông nghẹt người, các anh chị lao công phải chờ đến lúc mọi người trở về mới quét được rác. “Càng tết rác càng nhiều hơn tăng gấp 3 lần ngày thường công việc càng vất vả hơn”, chị Võ Hồng Loan (31 tuổi) thuộc Công ty Công trình đô thị Cần Thơ nói.
Một ngày làm việc của chị Loan bắt đầu từ 11 giờ khuya đến 6 giờ sáng. Phải thức suốt đêm làm việc quần quật, thường xuyên tiếp xúc với bụi, rác thải, nhưng chị Loan vẫn tỏ ra lạc quan. Mỗi công nhân vệ sinh như chị không chỉ phụ trách một con đường mà trên ba, bốn con đường, tùy theo độ ngắn dài của chúng.
Chị Loan có con nhỏ chưa tròn 2 tuổi, vẫn thèm hơi ấm, vẫn mong chị vỗ về mỗi đêm, nhưng vì công việc, vì cuộc sống của gia đình nên chị đành để con gái lớn của chị ở nhà trông em. Chồng chị Loan cũng là công nhân đi làm xa nhà, gánh nặng cơm áo đã đè lên đôi vai nhỏ bé của chị. Suốt 2 năm làm việc ở Công ty Công trình đô thị chị chưa nghỉ ngày nào (kể cả đêm giao thừa).
Lẫn trong dòng người đêm giao thừa, anh lao công Lê Văn Đức đang cần mẫn gom rác lên xe. Anh Đức cho biết “đã hơn 10 năm rồi anh mong có được một đêm giao thừa sum họp bên những người thân nhưng điều ước đó chưa bao giờ thực hiện được. Phố phường ngày tết đông người và rác thải ra cũng nhiều, nếu mình không làm việc thì rác ngập phố mất thôi”.
2 giờ sáng trên con đường Cách mạng tháng 8, anh Đức vẫn tất bật với những thứ phế thải của người dân thải ra ngày cuối năm, những đống rác lớn được anh lụi cụi cho lên xe.