Cùng nhìn lại những phiên tòa này.
Xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm trong “đại án” Vinalines
Trong phiên tòa sơ thẩm đại án tham nhũng ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hồi tháng 12.2013, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) án tử hình. Cùng ra tòa và lĩnh án với bị cáo Dũng là 9 người khác nguyên là cán bộ của Vinalines, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa).
Không lâu sau bản án sơ thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng đã nộp đơn kháng án kêu oan ở tội tham ô và xin giảm nhẹ hình phạt ở tội cố ý làm trái. Ngoài bị cáo Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc kêu oan cả 2 tội tham ô và cố ý làm trái, các bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên ở phiên phúc thẩm hồi tháng 5.2014, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên không chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt Dương Chí Dũng tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái; Mai Văn Phúc tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái.
Tổ chức cho anh trai bỏ trốn, cựu đại tá công an Dương Tự Trọng lĩnh án
Chưa đầy 1 tháng sau khi anh trai Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình, đầu tháng 1.2014, em trai của bị cáo Dũng là cựu đại tá Dương Tự Trọng (SN 1961, nguyên Cục phó Cục VII, Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) và đồng phạm cũng phải hầu tòa trong vụ án đưa Dũng trốn đi nước ngoài.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù, 6 bị cáo khác trong vụ án lần lượt nhận các mức án từ 5-13 năm.
Đến tháng 5.2014, TAND Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm, nhận thấy Dương Tự Trọng đã thành khẩn khai báo nên đã xét giảm một phần hình phạt, tuyên phạt Dương Tự Trọng 16 năm tù. Ngoài bản án trên, bị cáo Dương Tự Trọng còn bị TAND Hải Phòng tuyên phạt 15 tháng tù giam tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với hành vi bao che, không chỉ đạo truy bắt Đồng Xuân Phong, là tội phạm do Công an TP.HCM ra quyết định truy nã toàn quốc.
Đường dây ma túy “khủng” 32.000 bánh heroin
Hồi tháng 6.2014, tại trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra phiên xét xử phúc thẩm đối với 89 bị cáo tham gia đường dây mua bán vận chuyển trái phép 32 nghìn bánh heroin (tương đương 12 tấn) do Nguyễn Bích Ngọc (53 tuổi, ở Bắc Giang) cầm đầu. Sau 1 năm truy xét từ đường dây này, Công an tỉnh Quảng Ninh lần lượt triệt phá thêm 4 đường dây ma túy khác có liên quan.
Qua xem xét lại các chứng cứ, lời khai của bị cáo và bào chữa của luật sư, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang, đại diện TAND Tối cao đã tuyên phạt 29 bị cáo phải chịu mức án tử hình, 14 bị cáo chịu án chung thân.
Kẻ sát nhân khiến ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm hầu tòa
Ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được minh oan sau 10 năm ngồi tù vì bị kết tội sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (trú cùng thôn Me). Tuy nhiên, dư luận vẫn quan tâm tới vụ án từng khiến ông Chấn ngồi tù oan bởi hung thủ thật sự của vụ án vẫn chưa bị pháp luật trừng trị.
Lý Nguyễn Chung (SN 1988, quê Lạng Sơn; trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), hung thủ thật sự sát hại chị Hoan đã bị TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử vào ngày 29.9 về 2 tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản". Tuy nhiên, sau đó bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ của nạn nhân Hoan) vắng mặt, có giấy xin hoãn toà nên HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang quyết định hoãn phiên toà.
“Đại án” kinh tế “bầu” Kiên và đồng phạm
Giữa tháng 4.2014, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến bị cáo Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm.Tuy nhiên, sau đó HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố hoãn phiên tòa xét xử Kiên và đồng phạm do bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) đang bị bệnh nặng.
Hơn 1 tháng sau đó, phiên tòa được mở lại, HĐXX TAND TP.Hà Nội quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá nhưng vẫn tiếp tục xét xử. Sau 11 ngày xét xử, sáng 9.6, dù bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định mình không phạm tội như truy tố nhưng sau khi xem xét toàn diện vụ án, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Kiên 30 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Kiên còn nhận hình phạt bổ sung tiền trốn thuế 75 tỷ đồng và thêm 100 triệu đồng cho hành vi lừa đảo... Các bị cáo khác lần lượt nhận các mức án từ 2 đến 8 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, “bầu” Kiên và một số bị cáo đã có đơn kháng cáo nên TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vào ngày 28.11. Kết thúc phiên xử, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ án; không có căn cứ để xem xét, giảm nhẹ hình phạt nên tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với hầu hết các bị cáo, chỉ riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ được giảm từ 5 năm xuống 4 năm tù.
Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác phi tang
Hơn 1 năm sau khi xảy ra vụ án chị Lê Thị Thanh Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tới Thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường phẫu thuật thẩm mỹ thì tử vong và sau đó bị Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc TMV Cát Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh ném xác xuống sông, ngày 4.12, TAND TP.Hà Nội đã đưa Tường và Khánh ra xét xử.
Tại phiên tòa này, Nguyễn Mạnh Tường bị HĐXX tuyên phạt 19 năm tù giam, trong khi bị cáo Khánh bị tuyên phạt 33 tháng tù giam.
Trước đó, Tường và Khánh đã hầu tòa vào hồi tháng 4.2014 nhưng HĐXX sau đó đã quyết định tạm dừng, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Vụ án này nhiều khả năng vẫn chưa thể khép lại khi Nguyễn Mạnh Tường vừa có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
“Siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng
Ngày 15.12 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm vẫn đang tiếp tục.
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1.2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.