Nguyên nhân được biết là do sự “yếu kém tập thể” của cảnh sát và chính quyền trong việc bảo vệ các nạn nhân nhỏ tuổi khỏi bị đánh đập, cưỡng hiếp và buôn bán như hàng hóa suốt hơn 16 năm trời.
Thông tin này được nhà hoạt động nhân quyền Alexis Jay đưa ra sau khi thu thập thông tin về các vụ bạo lực diễn ra ở thị trấn Rotherham có dân số 250.000 người từ năm 1997-2013. Báo cáo độc lập được bà Jay đưa ra sau khi tờ Times of London phanh phui một loạt thông tin chấn động về những kẻ chuyên tấn công tình dục trong thị trấn.
Báo cáo này cho biết những kẻ hiếp dâm trẻ em này chủ yếu là người Pakistan định cư ở Anh và các nạn nhân bị buôn bán từ đây tới các thành phố khác ở nước Anh, bị bắt cóc, đánh đập và đe dọa thậm tệ.
Bà Jay nói: “Có nhiều em bị bọn chúng tưới xăng và dọa thiêu sống hoặc bị dí súng, buộc phải chứng kiến những vụ cưỡng hiếp dã man và bị đe rằng các em sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo nếu dám tố cáo với bất kỳ ai. Có những bé gái mới 11 tuổi đã bị nhiều tên du côn cưỡng hiếp”.
Tác giả báo cáo này đã đưa ra nhiều bằng chứng về nỗi khổ ải mà các nạn nhân tuổi từ 11 đến 16 phải trải qua, trong đó phần lớn là các bé gái và các em đều bị rơi vào tay những gã đàn ông không hề quen biết.
Theo bà Jay, cảnh sát ở thị trấn này đã nhận được nhiều đơn trình báo về việc trẻ em mất tích, rời trường với những người đàn ông lạ hay bị kẻ lạ theo dõi. Các nạn nhân này là trẻ em mang quốc tịch Anh và có cả rất nhiều em là người Pakistan, Kashmir, Di Gan.
Thông tin về những vụ buôn bán, cưỡng hiếp trẻ em này bắt đầu xuất hiện ở Rotherham từ năm 2010, khi 5 đối tượng bị bỏ tù vì tội dụ các thiếu nữ quan hệ tình dục. Thị trấn Rotherham quyết định mở một cuộc điều tra chính thức và Jay được phân công tham gia vào cuộc điều tra. Jay cho biết những thứ mà bà điều tra ra được đã khiến bà vô cùng sốc.
Theo đó, cảnh sát Rotherham đã phớt lờ và coi thường tình cảnh của các nạn nhân nhỏ tuổi vì họ sợ rằng nếu động vào các băng nhóm buôn người Pakistan trong vùng, họ sẽ bị quy kết là “phân biệt chủng tộc”. Ngoài ra, những báo cáo đầu tiên về tình trạng này cũng bị cấp trên “bỏ xó” vì họ không tin điều đó lại xảy ra trong khu vực của mình.
Bà Jay nói: “Nhiều quan chức cảnh sát và chính quyền thị trấn rất ngại đụng chạm tới cộng đồng người Pakistan ở đây, họ cho rằng đây chỉ là vấn đề tạm thời và sẽ qua đi theo thời gian”. Bởi vậy, nhiều cảnh sát đã nhận được chỉ thị rõ ràng từ cấp trên là “không quan tâm tới vụ này”.
Báo cáo của bà Jay đã làm chấn động cả nước Anh, đất nước vốn được coi là giàu lòng vị tha và có một xã hội gắn kết. Các nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em đã vô cùng sốc trước việc các chính trị gia chỉ vì không muốn động chạm đến vấn đề chủng tộc mà để hơn 1.400 trẻ em bị ngược đãi, lạm dụng trong thời gian dài như vậy.
Ngay sau khi thông tin bị phanh phui, chủ tịch hội đồng thị trấn Rotherham đã lập tức xin từ chức. Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng cả cảnh sát và chính quyền Anh phải rút ra bài học từ vụ này, đồng thời kiên quyết điều tra để đưa những kẻ ngược đãi, lạm dụng trẻ em ra pháp luật.