Di chứng của bệnh lao cột sống khiến chị Phạm Thị Lan (SN 1987, ngụ xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị liệt nửa người. Người chồng mới cưới cũng vì vậy mà lạnh lùng rời xa chị để tìm hạnh phúc mới. Chị Lan ngỡ rằng, quãng đời còn lại của mình sẽ chỉ còn là những ngày tăm tối...
Ký đơn ly hôn khi vừa trở về từ bệnh viện Chị Lan là con cả trong gia đình có bốn chị em. Cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào nghề làm muối, quanh năm nước mặn ngập chân mà vẫn không đủ ăn. Gia đình khó khăn nên chị phải nghỉ học từ năm lớp 8, hàng ngày theo cha mẹ ra ruộng cào muối. Năm 2006, chị kết hôn với một thanh niên cùng làng, lớn hơn chị bảy tuổi.
Cưới chồng được hơn một tháng, chị thấy trong người có biểu hiện lạ, toàn thân đau nhức, khó chịu. Cứ nghĩ đó là dấu hiệu mang thai nên chị chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh tình nặng hơn, chị đi kiểm tra sức khỏe và ngã quỵ khi cầm trên tay kết luận bị lao cột sống. Sau 7 tháng điều trị tại bệnh viện, trải qua hai cuộc phẫu thuật, chị Lan trở về nhà với hình hài của một phế nhân, đôi chân bị liệt hoàn toàn. Cuộc sống của chị chỉ quanh quẩn bên chiếc giường nhỏ với chiếc ống thông tiểu. Từ một người nhanh nhẹn, hay nói hay cười, chị sống thu mình, mặc cảm, tự ti.
Cuộc sống của người phụ nữ từng bị chồng bỏ vì bất ngờ bại liệt
Đắng cay hơn, sau khi trở về từ bệnh viện, chị phải nuốt nước mắt, ký vào đơn ly hôn chồng đã viết sẵn. Anh ta muốn đi tìm hạnh phúc mới chứ không muốn gắn cuộc đời mình với một người tàn phế như chị. Không lâu sau đó, chị đau khổ chứng kiến cảnh chồng cũ tổ chức đám cưới rình rang với một người phụ nữ làng bên. Tuyệt vọng vì bệnh tật, vì hôn nhân tan vỡ, nhiều lần chị Lan định tìm đến cái chết để quên đi sự đời, để giải thoát cho bản thân và cha mẹ. Cuộc sống cứ trôi đi trong sự tẻ nhạt cho đến ngày chị gặp anh Nguyễn Bá Long (SN 1989, ngụ tỉnh Thái Bình). Từ một cuộc điện thoại nhầm số, hai con người với hai số phận khác nhau, sống cách nhau hàng trăm cây số đã tìm đến bên nhau. Ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, chị Lan kể về ngày định mệnh khi xưa. Đó là một buổi tối mùa xuân năm 2014, chị gọi điện cho một người bạn nhưng lại nhầm vào máy anh Long. Đầu dây bên kia, một giọng nói miền Bắc trầm ấm vang lên khiến lòng chị xao xuyến. Lúc đầu, cả hai chỉ chào hỏi xã giao bình thường. Dần dần, họ nói chuyện cởi mở hơn, xem như đã quen biết từ rất lâu. Cũng trong lần đầu nói chuyện đó, chị Lan không ngần ngại chia sẻ về cuộc đời bất hạnh của mình. Anh Long cũng cho biết, anh ít hơn chị 2 tuổi, quê ở Thái Bình. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học từ sớm, đi làm thợ hồ. Thế rồi, cả hai quyết định trở thành bạn bằng cách lưu lại số điện thoại để thường xuyên liên lạc. Những cuộc nói chuyện của cả hai cứ thế tăng dần, họ gọi tên nhau một cách vô cùng thân mật. Giữa năm 2014, anh Long vượt hàng trăm cây số từ Thái Bình vào Nghệ An thăm chị Lan. “Tôi rất bất ngờ khi anh xuất hiện, càng bất ngờ hơn khi anh ngỏ lời yêu và muốn lấy một người tàn tật như tôi làm vợ. Mới đầu, tôi từ chối tình cảm của anh vì nghĩ mình không xứng đáng, vì sợ mình trở thành gánh nặng cho anh. Dần dần, anh xin bố mẹ tôi cho anh ở hẳn lại để chúng tôi được gần gũi nhau, để anh được thường xuyên chăm sóc cho tôi. Tôi cảm nhận được sự chân thành của anh qua từng câu nói, từng cử chỉ. Tôi thấy mình là người may mắn khi có anh trong cuộc đời. Anh xuất hiện như một phép màu vậy”, chị Lan chia sẻ. Khi biết con trai mình yêu người phụ nữ tàn tật, lại từng trải qua một đời chồng, gia đình anh Long ra sức phản đối. Họ cho rằng, anh Long là người khờ dại, bao nhiêu cô gái khỏe mạnh bình thường không yêu, lại đi yêu một người nằm liệt giường. Rồi sau này con cái sinh ra sẽ thế nào, có bị mang bệnh tật như mẹ hay không. Không khuyên được con, cha mẹ anh Long tuyên bố từ mặt con, đuổi anh ra khỏi họ. Nhưng vì tình yêu, anh Long đã bất chấp tất cả để được ở rể bên nhà vợ, nguyện che chở cho chị Lan suốt cả cuộc đời. Hàng ngày, anh Long xin làm thợ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà, đến bữa lại tất tả về lo cơm nước, chăm sóc cho người yêu. Đầu năm 2015, hạnh phúc vỡ òa khi chị Lan biết tin mình sắp sửa được làm mẹ. Dù đang bị ngăn cấm nhưng cả hai vẫn quyết định đi đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận là vợ chồng, để con cái sau khi sinh ra được đường hoàng mang họ của cha. Chị Lan tươi cười nhớ lại kỉ niệm dung dị khi xưa: “Ngày chúng tôi chính thức nên nghĩa vợ chồng không có mâm cao cỗ đầy. Chồng tôi góp tiền mua hai chiếc nhẫn cưới về đeo vào tay hai vợ chồng, hứa sẽ ở bên mẹ con tôi suốt cuộc đời này. Với tôi, như thế là đã quá đủ, được làm vợ anh không còn gì hạnh phúc hơn”. Niềm vui giản dị quanh bốn góc giường
Trên chiếc giường nhỏ, chị Lan âm thầm chứng kiến con trai lớn lên từng ngày. Đi qua cánh đồng muối chát mặn, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Lan. Khi chúng tôi đến, chị Lan đang nằm nghỉ trên giường, đôi chân thẳng đuột, bất động. Chị đang cố gắng nghiêng mình sang một bên để pha sữa cho con uống. Ngồi bên cạnh là cậu con trai 10 tháng tuổi trông rất khôi ngô, lanh lợi, đang cầm bình sữa bú một cách ngon lành. Nhìn con bằng ánh mắt hạnh phúc, chị cho biết, vì bệnh tật nên chị phải sinh mổ, rất may đứa trẻ sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Sau khi sinh, chị không có sữa cho con bú nên bé phải uống hoàn toàn sữa ngoài. Mỗi tháng, riêng tiền sữa của con đã tiêu tốn hơn hai triệu đồng. Cha mẹ thì ngày đêm tất bật ngoài đồng muối, anh Long lặn lội làm thuê làm mướn khắp nơi nên từ khi sinh con cho đến nay, dù nằm một chỗ nhưng chị Lan gánh trách nhiệm trông nom, chăm sóc con. Hàng ngày, trước khi ra đồng, mẹ chị chuẩn bị sẵn một số dụng cụ để khi đứa trẻ khát sữa, chị Lan có thể tự pha rồi cho con uống. Những lúc con buồn ngủ, dù nằm một chỗ nhưng đôi tay chị vẫn vỗ về ru con. Cuộc sống hàng ngày của mẹ con chị thu gọn trên chiếc giường nhỏ. Chia sẻ về cuộc sống của vợ chồng anh Long, chị Lan, bà Nguyễn Thị Thảo (hàng xóm) cho biết: “Mới đầu nhìn họ quấn quýt bên nhau, bà con lối xóm chẳng ai tin họ sẽ là vợ chồng. Cứ nghĩ người bình thường, khỏe mạnh như chú Long dại gì lấy một người tàn tật như cô Lan. Nhưng dần dần, tình cảm chân thành của chú Long khiến chúng tôi thán phục. Chú ấy siêng năng, cần cù lại rất thương yêu vợ con. Trên đời này hiếm tìm được người có trái tim chân thành, cao thượng như vậy. Tôi tin sau này, khi nhìn thấy cháu nội, gia đình chú Long sẻ bỏ qua tất cả, chấp nhận mẹ con cô Lan để cho con cháu có đủ tình thương yêu của hai bên nội ngoại”.
Đầu năm 2016, thấy công việc phụ hồ ở quê thất thường, lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình, anh Long quyết định xa vợ con, ra Thái Bình làm công nhân cho một công ty nước ngoài. Tuy lương không cao nhưng ổn định, nếu chịu khó làm tăng ca, anh cũng kiếm thêm được một khoản thu nhập kha khá. Hàng tháng, anh đều đặn về thăm vợ con một, hai ngày rồi lại đi. “Đời con Lan nhà tôi chịu nhiều thiệt thòi nhưng dường như nó được tái sinh lần nữa khi gặp thằng Long. Dù nằm một chỗ nhưng vui buồn gì nó cũng dành trọn cho chồng con, nghĩ đến chồng con mà cố gắng. Nhìn con gái vẫn vui cười, trêu đùa với con, hạnh phúc bên mái ấm của mình, tôi cũng thấy an lòng”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, mẹ của chị Lan chia sẻ. Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi