Trong những ngày hè nắng nóng, giá cua cứ tăng vùn vụt. Nắm bắt được thị hiếu của các bà nội trợ chỉ lựa mua cua đồng nên những lời mời chào như “cua đồng, cua móc 100%” luôn là câu cửa miệng của các tay buôn cua.
Theo tiết lộ của một người tên T. có thâm niên “trong nghề” buôn cua thì: Bây giờ hiếm buôn được cua đồng móc để ngày nào cũng có bán, chủ yếu chỉ buôn được cua nuôi.
“Cua đồng móc đúng là toàn bùn rất bẩn, phải ngâm lâu và rửa nhiều nước mới sạch bùn đất. Còn những hàng bán cua dính đầy bùn mà chị nhìn thấy thì chi là cua được người bán trộn bùn đánh lừa thôi. Nếu không tin chỉ cứ mua thử và chỉ cần về rửa qua một lần cua đã sạch bóng. Mặt khác, khi nấu canh cua kém ngọt mà có vị mặn, thịt nát và gạch đen xanh chứ không vàng như cua đồng chính hiệu” anh T. bật mí thêm.
Theo quan sát của PV tại một chợ dân sinh ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), hai hàng bán cua cạnh nhau thì một bên là chậu cua dính đầy bùn đất rất đông người mua, còn hàng có chậu cua sạch nhìn rõ màu mai vắng khách hơn.
PV hỏi chủ hàng có chậu cua dính đầy bùn xem đây là cua gì, chủ hàng nhanh nhảu đáp ngay: cua móc chính
Với mánh này của người bán cua thì quả nhiên rất đắt hàng, chỉ đi qua đi lại PV đã thấy chậu cua dính đầy bùn đã gần hết, bán đều với giá 15.000 đồng/lạng, tương đương 150.000đồng/kg.
Trong khi đó, những hàng cua bán thường xuyên hàng ngày với những chậu cua sạch bóng cũng chỉ 130.000 – 140.000đồng/kg, nếu xé, xay cua và nhẩy gạch sẵn thì mới có giá 150.000đồng/kg.
Hỏi nhỏ một vị khách tên Bình đang mua cua ở hàng có chậu cua dính bùn đây có đúng là cua móc không, chị này cho hay: cua bẩn thế này thì đúng rồi còn gì, giá cũng đắt hơn các hàng cua khác nữa.
Hỏi thêm một người mua khác, chị này khuyên: vào mua nhanh kẻo hết, không phải ngày nào cũng có đâu, 2-3 ngày mới thấy bán đấy. Việc này được anh T. có thâm niên buôn bán cua lý giải "nếu ngày nào cũng bán thì người mua như các chị có tin là cua đồng, cua móc thật không? Đây cũng là miếng nghề đấy".
Theo kinh nghiệm chia sẻ của anh T, nếu là cua nuôi thì các con cua to đều như nhau, càng to, dùng ngón tay gõ vào thấy âm thanh rỗng, ốp, khi nhắc nhẹ mai cua phía dưới bụng sẽ thấy gạch cua có màu đen xanh. Cua đồng rất hiếm bởi các cánh đồng không còn nhiều, thêm vào đó với đủ các loại thuốc trừ sâu thì số lượng cua cũng ngày càng ít đi.