TIN TỨC » Tin trong ngày

Quan chức hầu tòa

Thứ hai, 23/01/2012 11:41

Họ từng giữ những chức vụ quan trọng nhưng vì không thể chống lại cám dỗ của tiền bạc, họ đã sa ngã, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Trong năm 2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử 3 vụ án nhận hối lộ liên quan đến các ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc BQL Dự án Đại lộ Đông Tây; Nguyễn Văn Khỏe- nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn và Trần Kim Long- nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp.

Mỗi người có những hoàn cảnh phạm tội khác nhau nhưng ở họ đều có những điểm chung rất dễ nhận thấy: ra Tòa, hầu như họ không thừa nhận toàn bộ tội trạng như cáo trạng đã truy tố, thậm chí kêu oan; với phong thái tự tin, đĩnh đạc, họ không tránh né ống kính của các phóng viên (cá biệt có người còn cười rất tươi). Tuy nhiên, để có những tấm ảnh đăng báo nhằm phục vụ bạn đọc, cánh phóng viên pháp đình chúng tôi lại khá khó khăn khi tác nghiệp bởi phải luôn cố gắng "làm ngơ" trước những lời lẽ khó nghe của lực lượng người nhà hùng hậu của các bị cáo.

Dưới đây là những ghi nhận tổng hợp về 3 vụ án này.  Vừa kêu oan, vừa xin giảm án Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ diễn ra vào tháng 10-2010. Tháng 1-2011, TAND Tối cao tại TPHCM dự định mở phiên tòa theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo nhưng hoãn đến mãi cuối tháng 8-2011, phiên tòa phúc thẩm mới được mở. Theo bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, dự án Đại lộ Đông Tây được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 5-7-2000 bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Với mục đích kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, Công ty PCI Nhật Bản cùng một số quan chức đã tổ chức phân chia vai trò để bàn bạc, thống nhất việc đưa tiền cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ là 10% giá trị hợp đồng tư vấn thiết kế, tương đương 900.000 USD và 11% giá trị hợp đồng tư vấn giám sát, tương đương 1,7 triệu USD. Trưa 28-5-2003, tại văn phòng làm việc của ông Sĩ, các quan chức PCI đã đưa số tiền 262.000 USD (tương đương hơn 4 tỉ đồng). Để nhận số tiền trên, ông Sĩ với chức trách, nhiệm vụ là Giám đốc Ban QLDA đã có những hành vi và việc làm không đúng với các quy định của hợp đồng, tham mưu đề xuất cho các cấp thực hiện không theo đúng các quy định của Nhà nước. Với một phong thái đầy tự tin, suốt phiên tòa, ông Sĩ luôn kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm quy kết ông tội nhận hối lộ và tuyên phạt tù chung thân là không công bằng, không đúng các quy định của pháp luật.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ tại Tòa phúc thẩm

“Cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của các cựu quan chức PCI do phía Nhật Bản cung cấp. Bản thân tôi không có hành vi phạm tội, cũng không có chứng cứ chứng minh tội nhận hối lộ. Tôi không thỏa thuận ăn chia phần trăm và không nhận 262.000 USD của các quan chức PCI; tôi cũng không có việc làm nào làm có lợi cho PCI”, ông Sĩ khẳng định. Tuy nhiên, ở lời nói sau cùng, ông Sĩ không còn kiên định với việc kêu oan mà lại đề nghị: “Nếu có đủ căn cứ xét xử bị cáo tội nhận hối lộ thì đề nghị xem xét việc gia đình bị cáo tự nguyện nộp 3 tỉ đồng để giảm nhẹ cho bị cáo”. Rất may, lời đề nghị "kịp lúc" này đã được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xem xét, giảm hình phạt tù cho bị cáo từ chung thân xuống còn 20 năm (cộng với bản án 6 năm tù ngày 17-3-2010 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành là 26 năm tù). Cũng trong phiên tòa này, Tòa án đã hủy bỏ một phần lệnh kê biên đối với căn nhà trên đường Võ Văn Tần (quận 3) của vợ chồng ông Sĩ. Bất ngờ hủy án Trong hai ngày 15 và 16-6-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Văn Khỏe. Tuy nhiên, sau khi vào nghị án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bất ngờ ra tuyên bố hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, giao hồ sơ vụ án về cho cấp sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại từ đầu. Đáng nói là, mặc dù trong vụ án có 10 bị cáo bị xét xử, 6 người kháng cáo, 4 người khác đã chấp nhận bản án và đang thi hành bản án nhưng do họ có liên quan chặt chẽ đến hành vi phạm tội của các bị cáo khác nên Tòa phúc thẩm thấy cần phải hủy luôn phần bản án đối với 4 bị cáo không có kháng cáo để điều tra, xét xử lại.

Ông Nguyễn Văn Khỏe sau phiên tòa phúc thẩm bị hủy án

Lý do hủy án được Tòa Phúc thẩm đưa ra là bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc giải quyết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự của hai bị cáo Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa (giám đốc, phó giám đốc Công ty Thành Phát) và vụ án còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Trong khi trước đó, VKSND Tối cao đề nghị giữ nguyên mức án như tòa sơ thẩm đã tuyên đối với ông  Khỏe (26 năm tù về ba tội danh: nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi) cùng 5 bị cáo khác. Tại Tòa Phúc thẩm, ông Khỏe trình bày, hai tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (7 năm tù) và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (2 năm tù) là đúng, chỉ xin tòa giảm nhẹ hình phạt vì hiện đang bị bệnh nặng, nhân thân có nhiều cống hiến cho công tác, được tặng thưởng danh hiệu, bằng khen. Riêng tội Nhận hối lộ với mức án 17 năm tù, ông Khỏe đề nghị tòa phúc thẩm xem lại khoản tiền 1 tỉ đồng mà cấp sơ thẩm cáo buộc ông đã nhận từ Trần Thị Hà (nguyên giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại và kinh doanh nhà Thành Phát) vì "không đúng’’. Càng xử án càng tăng Ngày 12-12-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng đất đai tại quận Gò Vấp - TPHCM theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Kim Long. Tuy nhiên, do tòa chỉ triệu tập được một mình bị án Dương Công Hiệp (nguyên phó phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp); còn những bị án khác như Phạm Thị Tuyết Lan (“cò” đất), Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm (giám đốc, phó giám đốc Công ty Địa ốc Gò Môn), Nguyễn Minh Hoàng (đồng phạm vụ chạy án cùng với ông Long) vắng mặt nên luật sư Phạm Công Út, người bào chữa cho bị cáo, đã đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để triệu tập đầy đủ nhân chứng. Đây là lần thứ 6 ông Long hầu tòa và cũng ngần ấy lần chúng tôi đối diện với nụ cười muôn thuở của ông. Có lần, một người bảo vệ tòa thắc mắc về việc vì sao lúc nào cũng thấy ông Long phơi phới yêu đời dù trong cảnh tù tội,  vợ ông ngậm ngùi nói: "Ảnh là vậy, lúc nào cũng cười dù trong lòng rất buồn". Ông Long là bị cáo có dáng vẻ bình dị, dễ gần nhất trong số các quan ra tòa với tư cách bị cáo mà chúng tôi được biết.

Ông Trần Kim Long với nụ cười muôn thuở khi ra Tòa

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: với chức vụ chủ tịch UBND quận Gò Vấp, bị cáo Long giới thiệu và đề nghị Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp – viết tắt XDGV, sau đổi tên là Công ty Địa ốc Gò Môn, nay là Công ty cổ phần địa ốc 6, đã bị tòa án tuyên phạt 28 năm tù giam về hai tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”) gặp Phạm Thị Tuyết Lan (bị tuyên mức án tù chung thân về hai tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai”) thỏa thuận việc sang nhượng hơn 11 ha đất tại phường 12, quận Gò Vấp trái pháp luật. Đồng thời với chức vụ của mình, ông Long ký duyệt để hợp thức hóa việc sang nhượng này, tạo điều kiện cho Lan nâng giá đất cao hơn nhiều so với thực tế chuyển nhượng, qua đó chiếm đoạt của Công ty XDGV hơn 16,6 tỷ đồng. Đổi lại, ông Long được Lan chi “lại quả” 540 triệu đồng.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, ông Long yêu cầu lãnh đạo Công ty XDGV đưa hối lộ 30.000 USD và 20 triệu đồng để “lo” cho vụ việc không bị xử lý hình sự. Ngoài ra, từ năm 1996 đến cuối năm 2004, ông Long lợi dụng chức vụ của mình để buộc Châu dùng tiền của Công ty XDGV thanh toán cước phí 2 số điện thoại di động với số tiền hơn 131 triệu đồng.

Vụ án được Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố điều tra từ năm 2004, đến tháng 2-2007, TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Long 25 năm tù với 3 tội danh: đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn. Bản án này bị Tòa Phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ để điều tra xét xử lại từ đầu.

Tháng 6-2010, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2, tuyên phạt bị cáo Trần Kim Long 26 năm tù với 2 tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn và đưa hối lộ. Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Long làm đơn kháng cáo kêu oan, Viện trưởng VKSND TPHCM có văn bản kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng thêm tội danh Nhận hối lộ đối với bị cáo Long. Xét xử phúc thẩm lần 2 (tháng 10-2010), TAND Tối cao tại TPHCM cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội, tuyên hủy một phần bản án liên quan đến bị cáo Long để cấp sơ thẩm xét xử lại. Phiên tòa sơ thẩm lần 3 ngày 19-7-2011, ông Long bị tuyên 30 năm tù giam với 3 tội danh. Tất cả những lần ra tòa, ông Long đều kêu oan, phủ nhận hành vi phạm tội mà cáo trạng đã truy tố và quy kết của bản án sơ thẩm.

NguoiLaoDong