Cứ thế, người đàn bà không chốn dung thân ấy lặng lẽ sống nương nhờ sau khu K4 của Trại giam số 5, lặng lẽ viết lên câu chuyện thấm đẫm tình người ở chốn lao tù. Và, có lẽ, đó cũng là câu chuyện hy hữu, “độc nhất vô nhị” trong lịch sử trại giam Việt Nam.
Xót xa một kiếp mồ côi!
Ở Trại giam số 5 (Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Yên Định, Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Ốc khá “nổi tiếng”. “Nổi” chả kém gì người đàn bà ném tiền tỷ qua cửa sổ Lã Thị Kim Oanh, hay nữ quái Dung Hà, “cánh tay ma quỷ” trong đường dây tội ác Năm Cam; Nguyễn Thị Hoa, “Người đẹp Điện Biên” trong vụ án ma túy xuyên quốc gia Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, hoặc mới đây là kiều nữ Lê Thị Bình, người ngồi trên bụng tình nhân lia xuống hơn chục nhát dao “cho kỳ chết mới thôi”…
So với những tù nhân “lừng lẫy tiếng tăm” ấy, hoặc với bất cứ ai trong số hơn 1000 phạm nhân nữ đang thụ án trong cái trại giam nơi rừng xanh núi thẳm này, bản án “3 năm, ăn cắp vặt” của bà Ốc nó chả thấm tháp vào đâu. Bà “nổi” cũng không phải vì những mưu ma chước quỷ, những vô luân tàn độc hay vì đã gây tội ác trời không dung đất không tha như muôn người trong cái “thế giới áo kẻ sọc”, bà “nổi”, vì trót mang thân phận “giời đày”.
Ngồi nghe bà kể, trước sự chứng kiến của các cán bộ Trại giam số 5, và ngay cả khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi cũng không muốn tin trên đời lại có thân phận đớn đau đến vậy. Ông trời gần như lấy đi hết tất cả những gì bà có, ngoài số kiếp làm người. Lần giở cuộc đời bà, từ nhỏ tới giờ là lớp lang những bi kịch mà quãng khúc nào cũng đầy ăm ắp. Con người ta, dù cả đời chỉ cần hứng chịu một trong những tấn bi kịch đó cũng đủ thê thiết, cơ khổ lắm rồi. Ấy vậy mà với cái dáng vóc mong manh, bà Ốc cứ lặng lẽ đón nhận hết trận cuồng phong này đến cơn giông tố khác tràn qua, như một định mệnh.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không người thân, không tấc đất cắm dùi, hai anh em bà Ốc dắt díu nhau lang thang đầu đường xó chợ, đói rách rã rời nơi cái làng quê nghèo ở đất Hà Nam Ninh (bà Ốc không nhớ mình sinh ra ở đâu, chỉ nhớ mang máng vùng đất ấy thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ - PV). Đến giờ, khi nhắc nhớ về cái “tuổi thơ dữ dội” của mình, bà chả nói được gì nhiều. Có chăng cũng chỉ là những ký ức nhập nhòa kiểu như “đận đó “nhà cháu” đói lắm, sâu còn chả có mà ăn”, hay “đêm ngủ ngoài gốc đa, rét đắp bằng lá chuối. Nửa đêm, gió thổi lá bay…!”.
Rồi đến một “đêm gốc đa” như muôn vàn đêm khác, bà Ốc trở dậy và không thấy anh trai mình bên cạnh. Nhiều đêm tiếp theo, bà vẫn thức đợi anh về. Có lần xin được tấm mía, bà dắt cạp quần để phần anh, thèm lắm, đói lắm cũng chỉ dám bỏ ra hít hà vài cái. Mãi về sau, bà mới nghe người làng kể lại rằng đã gặp anh trai đang lang thang hành khất ở tít tận Sài Gòn. Từ đó, bà trở thành cô độc. Tấm mía dắt cạp quần, giờ quắt queo như cọng rơm khô.
Thời ấy, quê bà Ốc nghèo lắm. Bà ăn xin, nó cũng là cái sự bần cùng của kẻ rách nhiều ngửa tay với người rách ít. Khi lòng thương hại của thiên hạ đã vơi, hoặc có đầy cũng chẳng còn gì chia sẻ, bà không thể hành nghề ăn xin nữa. Sau chuỗi ngày dài đói khát, bà quyết định đi ăn cắp để đổi lấy “một bữa no”. Lần ấy, bà bị bắt, lĩnh án 3 năm tù rồi được đưa về trại giam này từ cuối những năm 1970.
“Cho “cháu” ở tù đi, cán bộ ơi!”
Ngẫm ở đời, con người ta vướng vòng lao lý, tù tội cũng là cái chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng với bà Ốc, cái sự “đi tù” vô tình lại giải thoát cho bà khỏi chuỗi ngày sống lầm than, cơ cực nơi đầu đường, xó chợ. Cuộc đời bà được lật mở sang một trang khác, tươi sáng hơn. Không còn canh cánh nỗi lo đói khát, không còn cảnh ngủ bờ, ngủ bụi với cái bụng sôi réo ùng ục mỗi đêm đông. Và hơn hết, ở đây, bà nhận được tình thương yêu, tấm lòng nhân hậu bao dung của các cán bộ trại giam, những người đã dày công chăm sóc, giáo dục, động viên bà hướng thiện.
Đồng thời, kể từ khi bước chân vào trại, bà được làm một người nông dân thực thụ, biết cấy lúa trồng rau, biết chăn trâu cắt cỏ, biết tận hưởng niềm vui thu hoạch. Những ước mơ bình dị mà xưa kia, một người vốn sinh ra là nông dân không một tấc đất như bà, có nằm mơ cũng không bao giờ với tới.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mãn hạn tù, khi cầm trên tay quyết định tha bổng, bà Ốc như cô bé trường làng bị thầy đuổi học. Bà chới với, chơi vơi như người chết đuối. Biết đi đâu, về đâu khi không quê hương, không người thân thích? Mà bấy lâu nay, bà cũng đã xem trại giam là nhà, cán bộ giám thị là người thân ruột thịt của mình. Rời xa, bà không nỡ. Mấy ngày liền, bà ôm bọc quần áo vạ vật ngoài cổng trại giam, cán bộ nào đi qua cũng níu áo trình bày thống thiết: Cho “cháu” quay lại ở tù đi, cán bộ ơi!
Bà xin thống thiết đễn nỗi, ban lãnh đạo trại phải tổ chức họp lấy ý kiến về cái “nguyện vọng ở tù” hy hữu ấy. Rồi năm lần, bảy lượt đoàn cán bộ trại lặn lội đi xác minh khắp tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), đều công nhận bà Ốc “5 không”: Không cha mẹ; không nhà cửa; không chồng con; không họ hàng và không nơi nương tựa. Cảm thông cho hoàn cảnh đáng thương, trại “chiếu cố” cho bà ở lại. Và từ đó, bà trở thành “tù nhân bất đắc dĩ”, trở thành người “nổi tiếng”.
Bởi, trong cái trại giam nơi gió Lào bỏng rát, sáng mở mắt ra là thấy kẻng rầm trời, thấy rợp đất dáng áo sọc của tù nhân, tối mịt vẫn miên man với những câu chuyện thê lương cướp giết hiếp của những người tù. Ai đã trót vào đây, đều mong sớm có ngày thoát khỏi những bức tường bê tông dây thép gai chăng lừng lững để đoàn tụ gia đình. Cũng không thiếu kẻ vẫn còn ngày đêm nung nấu ý định đào tường, khoét vách để trốn chạy khỏi kiếp tù đày. Ấy vậy mà bà Ốc lại nằn nì xin ở lại, mà ở liền tù tì hơn 30 năm thì âu cũng là chuyện lạ ở đời.
Nhưng có gặp, có tận mắt ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười đôn hậu của bà Ốc lấp lóa sau xanh rì hoa lá, mới thấy được cái chuyện xin “ở tù” nó chả lạ chút nào. Bà đã tìm được chốn bình yên giữa sự bao bọc của lớp lớp cán bộ trại giam, giữa tình thân ái với các “bạn” tù. Ở đây, nhiều phạm nhân còn gọi bà là Mẹ, khiến bà cảm động rơi nước mắt. Bởi, với một người đàn bà gần 80 tuổi, đầu phơ phơ bạc mà chưa mảnh tình vắt vai, cũng chưa từng biết đến cái “sắc dục” đúng nghĩa với đàn ông, thì cái chuyện được “làm mẹ” đến mấy chục “đứa con áo sọc” kia cũng là hạnh phúc lắm rồi.
Khi được hỏi, liệu bà có dự tính đi đâu? Bà Ốc chỉ thẽ thọt, tôi sẽ ở đây đến khi nào tổ tiên mình réo gọi. Thế mới thấy được, giữa chốn lao tù, không chỉ có mưu mô, tội ác của những kẻ rạch giời rơi xuống, mà nó còn lấp lánh thứ ánh sáng của pháp luật nhân văn, của tình người rộng lượng. Nhờ đó, nó giúp cho con người ta rũ bỏ u mê tìm về nẻo thiện, và giúp những kẻ biết quay đầu làm lại cuộc đời vững tin, đây là bến hoàn lương.