Theo ghi nhận từ hiện trường vụ sập hầm thủy điện trong chiều tối 18/12 của phóng viên, phía ngoài đường hầm công tác hậu cần được thực hiện rất khẩn trương.
Một góc tốp người tập hợp gỗ để làm kè chuẩn bị sẵn sàng khi cần; cạnh đó một tốp công nhân dùng mũi hàn cắt gọt những thanh sắt lớn thành nhọn để làm gậy chống.
Trong khi đó, trong lán y tế dã chiến đã chuẩn bị đủ các loại thiết bị, máy móc, thuốc men, như máy thở, bình ô xy, máy sốc điện, đo điện tim, máy sưởi ấm… cần thiết để ứng cứu kịp thời các công nhân khi họ được đưa ra ngoài.
Trong quá trình cứu hộ, một số người bị thương nhẹ, xây xước, lập tức được đưa ra phòng y tế băng bó, để người khác vào thay thế thực hiện tiếp nhiệm vụ người vừa ra.
Chị Trang, em họ anh Trương Tuấn Việt (1 trong 12 người còn mắc kẹt trong hầm) cho biết, khi mới nghe tin anh Việt bị kẹt trong hầm gia đình rất lo lắng, đặc biệt khi biết tin ô xy trong hầm chỉ đủ để thở khoảng 2 ngày. Nhưng tới thời điểm này gia đình đã yên tâm phần nào, khi các mũi khoan đã thông được vào hầm để cung cấp ô xy vào trong.
Theo chị Trang, anh Việt có hai con nhỏ, một mới 3 tuổi, một 6 tuổi, còn vợ anh (chị Phạm Thị Hoa) ở nhà làm mấy sào ruộng cũng chỉ đủ ăn. Trong khi đó mẹ anh Việt đã mất khoảng 4 năm nay; bố anh là giáo viên cấp một đã về hưu khoảng 5-6 năm nay. Anh Việt cũng chỉ là lao động phổ thông.
Còn cô của anh Hoàng Đình Thịnh (Nam Định) cho biết, anh Thịnh là người con thứ 3 trong gia đình, trên anh có 2 chị, dưới anh còn một em trai sinh đôi cùng anh.
Bố anh Thịnh đã hơn 50 tuổi, vài tháng trước lại vừa phải mổ thận. Vì sợ ông sốc, ảnh hưởng tới sức khỏe, dù tai nạn đã xảy ra vài ngày nhưng gia đình không dám nói cho ông biết.
“Tôi lấy chồng và định cư ở Đắk Lắk, khi nghe tin cháu gặp tai nạn liền bắt xe lên đây.Vừa tới nơi tôi bị tụt huyết áp phải nhờ các bác sĩ tại lán y tế ở hiện trường chăm sóc”, cô anh Thịnh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo trước đây do Tổng Cty Xây dựng công trình số 5 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó dự án bị đình hoãn và dừng thi công khoảng 3 năm nay. Mới đây dự án mới được chuyển giao lại cho Cty Long Hội là chủ đầu tư, sau đó Cty CP Sông Đà 505 trúng thầu thi công.
“Trước đây cũng có một số sạt lở nhỏ trong hầm khi thi công, nhưng chỉ ở gần cửa hầm. Đoạn sạt lở mới được thi công lại mới đây sau khi dự án dừng thi công”, ông Yên nói.
Theo ghi nhận của một số phóng viên, trên đỉnh đồi phía trên đường hầm có hai vị trí sụt lún khá sâu và xuất hiện từ khá lâu trước đây (cỏ cây đã mọc). Ông Yên cho biết, ông không nắm được điều này.
Ngoài ra, đoạn hầm đã thi công chỉ một số vị trí được kè, một số vị trí khác không được kè. Trả lời vấn đề này, ông Yên cho biết, đơn vị thi công kè một số vị trí đất yếu, còn vị trí đá thì không kè, đây là phương án thi công đã được duyệt, nên đơn vị phê duyệt sẽ chịu trách nhiệm.
Thời điểm 22h, phóng viên đã trực tiếp vào hầm để chứng kiến công tác cứu hộ phía trong. Trong hầm ẩm thấp và lạnh, việc thở cũng khó khăn do không khí loãng và pha lẫn với khói máy phát điện và máy bơm. Lối vào hầm nước xăm xắp bắp chân. Cả đoạn hầm dài khoảng 500-600m, nhưng một số đoạn được gia cố bằng bê tông, lưới và khung thép, một số đoạn khác chưa được gia cố chỉ trơ đá. Nước từ mái đá rót xuống như mưa.
Có mặt tại vị trí hầm sụt, xung quanh khung sắt chống xiêu vẹo, đan chéo vào nhau, đã gỉ sét. Đây là vị trí hầm được gia cố bằng bê tông thép, nhưng đặc biệt hơn những đoạn hầm khác vì thép gia cố ở đây là thép vuông, thanh rộng khoảng 20cm, khác hẳn với những đoạn hầm được gia cố khác (chỉ dùng thép phi tròn, to như ngón chân cái).
Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương, với mong muốn sớm nhất đưa được những người bị nạn ra ngoài.
Tại vị trí sạt đất, loại đất sạt đang phong hóa, như người ta đem cát sỏi trộn đất, phóng viên cầm ít đất và nắm thật chặt, nước theo kẽ tay rỉ ra, nhưng vừa thả tay thì nắm đất cũng tơi theo. Khi lực lượng cứu hộ nói chuyện với người bên trong, có người đã rơi nước mắt khi công nhân bên gặp nạn gặng hỏi lúc nào được cứu ra ngoài.
Cùng lúc này, việc bơm cháo tiếp cho những công nhân mắc kẹt bắt đầu. Cháo được đổ vào ống ti ô, sau đó dùng lực khí nén bơm vào bên trong. Mọi liên lạc giữa người trong và ngoài được thông qua một ống khoan. Sau một hồi nói, nhân viên cứu hộ lại đặt tai vào ống để nghe người bên trong. Khoảng 30 phút sau việc bơm cháo kết thúc.
Anh Nguyễn Viết Nam (Nghệ An) nói vọng ra “Bao giờ mới hút hết nước? bao giờ mới được ra ngoài?”. Phía ngoài, những người cứu hộ chỉ biết yên lặng, rồi động viên “mọi người đang cố gắng để đưa mọi người ra ngoài sớm nhất”.
Anh Nam cũng thông báo, mực nước phía trong hầm vẫn ngang bụng. Sau một hồi trao đổi qua lại, nhiều khi tưởng như là hét với nhau, những người phía ngoài giọng như lạc đi.
Hiện một đường điện với bóng nhỏ đã được đưa qua đường ống vào trong để cung cấp ánh sáng.
Đơn vị cứu hộ đã lên phương án đưa một bức thư thông báo tình hình bên ngoài, động viên những người còn mắc kẹt, kèm theo bút để những công nhân mắc kẹt có thể viết những yêu cầu của mình và đưa ra.
Tới 23h đêm qua 18/12, để gọi những công nhân mắc kẹt phía trong chuẩn bị kéo dây vào để nhận thư, bút. Nhân viên cứu hộ liên tục gọi “Anh Nam ơi, anh Đăng ơi…”, sau một hồi vẫn không thấy có hồi âm, rồi mọi người phải thay nhau gọi vì giọng đã khàn. Lúc này, nhân viên cứu hộ phải dùng thanh sắt đánh mạnh vào đường ống sắt để gọi người phía trong.
Cạnh đó, ở hai bên hầm, những tốp công nhân của TKV và lực lượng Công binh vẫn miệt mài khoét từng xẻng đất để mở lối vào trong. Phía ngoài, một tốp khác đang cưa, chặt từng khúc gỗ, miếng ván để đưa vào chống hầm.