Còn nước nhưng bác sỹ ngừng tát
Một lần vào thăm người bệnh tại bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi vô tình gặp chị Chu Thị Nên (Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên), vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Thụy. Chị Nên khóc nức nở rồi kể về câu chuyện của chồng chị.
Trong khóe mắt đỏ âu ấy, có lẽ một phần chị khóc vì buồn tủi trước cách ứng xử của một số bác sỹ tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện B ở Hà Nội), một phần vui vì chồng chị đã dần hồi phục sức khỏe. Chị Nên nói: Ngày 1/6, anh Nguyễn Văn Thụy (chồng chị) bê tấm tôn lên để che lại bể nước trong khu nhà trọ, vô tình tấm tôn cứa vào dây điện, khiến nguồn điện 220V phóng xuống người anh Thụy. Ngay sau khi phát hiện anh Thụy bị điện giật, người con rể đã lập tức dùng gậy đẩy tấm tôn ra. Lúc đó anh Thụy bị ngã vào trong bể chứa nước.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị Nên đưa anh Thụy đến bệnh viện Đa khoa phố Nối cấp cứu. Ban đầu da anh Thụy đen sạm, nhưng sau mấy giờ chăm sóc của bác sỹ, dần trở lại bình thường. Ngày 2/6, gia đình đưa anh Thụy lên bệnh viện B để điều trị tiếp.
Nhưng khi đến đây, một số bác sỹ phán: Có điều trị cũng không sống được. Các bác sỹ khuyên gia đình nên đưa anh Thụy về nhà. Chị Nên đã mất gần 1 giờ đồng hồ năn nỉ mới được các bác sỹ tại bệnh viện B làm thủ tục cho vào buồng bệnh.
Chị Nên kể tiếp, đến 17h cùng ngày, thấy anh Thụy ngáp và thở hắt ra, bác sỹ nói: Không thể cứu được nữa. Các bác sỹ tiếp tục khuyên gia đình đưa anh Thụy về nhà để chết cho đàng hoàng, tránh tình trạng phải chết đường chết chợ.
Một bác sỹ khác cảnh báo, để bệnh nhân chết ở đây phải làm nhiều thủ tục lắm, tốt nhất là đưa về nhà. Không còn cách nào khác, chị Nên đành ngậm ngùi đưa chồng về nhà. Trên đường về chị Nên thuê bình ô xy, quả bóng bóp để hỗ trợ cho anh Thụy thở. Về nhà, chị Nên chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị quan tài chờ anh Thụy nhắm mắt tắt thở rồi khâm liệm.
Khi về tới nhà được 1, 2 tiếng đồng hồ, thấy chân, tay anh Thụy dần ấm lại, gia đình chị Nên lại thuê xe đưa anh Thụy lên bệnh viện B để cứu chữa. Tuy nhiên, theo chị Nên, lần này bác sỹ ở đây không chỉ khuyên mà còn mắng cho người nhà chị Nên một trận. Chiếc xe đưa anh Thụy đang trên đường về Hưng Yên lại phải lộn lại để đón anh Thụy trở về bệnh viện Đa khoa phố Nối.
Trở lại bệnh viện Đa khoa phố Nối, được sự tận tình cứu giúp của các bác sỹ nơi đây, anh Thụy dần dần tỉnh lại.
Một kỳ tích
Được mọi người mách nước, đến ngày 21/6, anh Thụy được đưa đến điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an). Từ khi được các bác sỹ của bệnh viện Y học cổ truyền tận tình cứu chữa, đến nay, anh Thụy đã đi lại và nói được.
Chị Nên thất vọng với cách hành xử của một số bác sỹ tại bệnh viện B, “Từ trước tới giờ, tôi đưa người nhà đến bệnh viện đều được các bác sỹ tận tình giúp đỡ với mong muốn “còn nước, còn tát”, chứ đâu phải đùn đẩy ép người sống về nhà chờ chết như ở Bệnh viện B. Cũng may mà được các bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa phố Nối và Bệnh viện Y học cổ truyền tận tình cứu chữa, không chồng tôi lại chết oan”, chị Nên nói.
Bên giường bệnh anh Thụy thì thào: Sau khi tôi bị điện giật, đầu óc tôi như người say rượu, tôi không nhớ được nhiều lắm. Nhưng tôi cảm nhận được cách hành xử của mọi người xung quanh. Khi tới bệnh viện, tôi vẫn thoáng nghe được giọng của bác sỹ nói, đưa tôi về nhà chờ chết. Lúc đó tôi buồn lắm “sao bác sỹ lại muốn em chết”. Tôi muốn nhảy xổ dậy, nhưng cơ thể quá yếu không cử động, không nói được.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Hương (Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền) nói: Bệnh nhân Thụy nhập viện lúc 10 giờ ngày 21/6 sau 3 tuần xảy ra tai nạn. Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó, bệnh nhân ở trong tình trạng lơ mơ, tuy mắt vẫn mở nhưng gọi hỏi không đáp ứng, phải thở qua ống mở khí quản ở cổ.
Dù đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn vô cùng nan giải. Sau quá trình điều trị ban đầu, bệnh nhân đã hết sốt, trí nhớ dần hồi phục. Các bác sĩ đã kết hợp đông tây y, châm cứu xoa bóp bệnh nhân đã có thể đi lại và tự ăn uống. Bệnh nhân bị dòng điện hạ thế 220V giật và bị ngã xuống nước. Các bác sĩ tại bệnh viện B kết luận Bệnh nhân bị “chết não” dù tim vẫn đập, phổi vẫn thở.
“Đây là ca đầu tiên chúng tôi chữa trị cho một bệnh nhân ở trong tình trạng như vậy. Bệnh nhân bị tổn thương nặng do dòng điện cao, lại hôn mê trong thời gian dài như thế sẽ rất khó hồi phục. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của bệnh nhân Thụy khá nhanh. Chỉ sau 2 tuần bệnh nhân đã mở mắt, tuần tiếp theo gọi hỏi đã có thể quay đầu lại, các chức năng cũng dần dần phục hồi. Đây thực sự là một kỳ tích bởi những bệnh viện hàng đầu tuyến Trung ương đã kết luận không cứu chữa được”, bác sỹ Hương chia sẻ.