Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua quất ngựa chạy về phía tây. Duy Sản sai vũ sĩ là tên Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa, giết chết. Đem xác vua về quán Bắc Sứ, khâm liệm, rồi đem thiêu (có thuyết nói: để xác ngang trên mình ngựa, đem về cửa Nam Thiệu ở viện Đãi Lậu, chỗ phủ Tể tướng). Khâm Đức hoàng hậu (tên thuỵ là Đôn Tiết), cũng tự nhảy vào lửa chết. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở làng Ngự Thiên, giáng phong vua làm Linh Ẩn Vương, nay có điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên".
|
Không đẹp lộng lẫy nhưng quyến rũ
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm Đức hoàng hậu họ Nguyễn, tên huý là Đạo, con gái viên quản lĩnh ở hương Văn Giang (nay là huyện Văn Lang, tỉnh Bắc Ninh). Đúng hôm Nguyễn Thị Đạo nhập cung, vua Tương Dực đang trong tình trạng bất an vì việc triều chính rối ren, dân chúng nhiều nơi nổi dậy. Khi viên quan nội thị tâu về việc tổng quản vừa đưa con gái của một số đại thần vào cung để vua lựa chọn, thì Tương Dực nói: "Một lũ ăn hại, chúng ăn cơm của triều đình, mà giúp gì được cho ta, lại còn muốn bắt ta chấp nhận con gái của chúng nữa. Thật khó chịu".
Tuy nhiên, vua đã nghĩ lại: "Dù sao cũng phải chấp nhận, vì đó là sợi dây ràng buộc bọn bầy tôi, bắt chúng phải chung thành với ta", nên đã vào nội cung. Vừa nhìn thấy Nguyễn Thị Đạo thì nhà vua không thể làm ngơ...
Sách Hoàng hậu, hoàng phi Việt Nam viết: Vua bèn gọi viên tổng quản lại hỏi cô gái đó là con nhà ai và ngay tức thì Nguyễn Thị Đạo được đưa tới trước hoàng đế. Bà không đẹp lộng lẫy, nhưng vẻ đoan trang, dịu hiền đã nhanh chóng quyến rũ nhà vua... Từ đó, vua Tương Dực giữ diệt Nguyễn Thị Đạo ở bên mình. Chẳng bao lâu, vua xuống chiếu sắc phong bà làm Khâm Đức hoàng hậu. Bà sinh được 3 con gái.
Trọn tình, trọn nghĩa... quyên sinh theo vua
Trong suốt năm tháng sống cùng vua Tương Dực, Khâm Đức hoàng hậu rõ bản tính chuyên quyền, độc đoán và bạo ngược của chồng mình hơn ai hết, nên tâm trạng lúc nào cũng bất an, lo lắng về một tương lai đen tối phía trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Tháng Giêng năm Quý Dậu (1513), chánh sứ nhà Minh là Trần Nhược Thuỷ và Phó sứ là Phạm Hy Tăng sang phong cho Tương Dực làm An Nam quốc vương và nhận xét: Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không bao lâu... Tháng 5 năm Giáp Tuất (1514), vua nghe lời tâu của Hiệu úy Hữu Vĩnh, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của Mẫn Lệ công (vua Uy Mục) và triều trước vào để gian dâm. Năm Bính Tý (1516), vua cho đắp thành mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa, chắn ngang sông Tô Lịch và lại làm điện hơn trăm nóc, đóng thuyền chiến, sai bọn nữ sử cởi truồng chèo thuyền ở hồ Tây cùng vua chơi đùa, lấy làm thích thú...
Trước tình hình đó, các thế lực phong kiến địa phương như Trần Cảo nổi lên. Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn, vua không nghe lại còn đem Sản ra đánh bằng trượng. Duy Sản bàn cùng với một số quần thần khác như Lê Quảng Độ, Trịnh Chí Sâm mưu việc phế lập. Tháng 4 năm Bính Tý (1516), Trịnh Duy Sản sai người đâm chết Tương Dực..
Tin dữ tới tai hoàng hậu. Từ lâu, bà vẫn sợ cái ngày này và nó đã đến. Dù Tương Dực có thế nào thì nhà vua vẫn thực sự yêu mến bà. Bà phải xử sao cho trọn nghĩa, trọn tình. Hoàng hậu liền gọi thị nữ vào trang điểm đẹp đẽ cho mình, rồi chạy ra điện Mục Thanh, nhảy vào lửa để chết theo vua (sách Hoàng hậu, hoàng phi Việt Nam).