Chuyện bắt đầu từ một bức ảnh đăng kèm với câu chuyện rất cảm động trên facebook của nhiếp ảnh gia – nhà báo nổi tiếng NaSon Nguyen vào ngày 21/9. Mở đầu câu chuyện, nhiếp ảnh gia viết: “Cầu mong rằng tôi... đã bị lừa”.
“Chiều lang thang dẫn học viên của mình đi chụp thực hành. Ngồi uống nước chè ở công viên vườn hoa Lý Tự Trọng tôi bắt gặp 2 mẹ con người phụ nữ trẻ này và lập tức bị chú ý khi cô ta nói với đứa con bằng tiếng Ê-đê. Tò mò tôi bắt chuyện:
- Ở Tây Nguyên ra à? Tỉnh nào thế?
- Cháu ở Đăk Lăk, Ea H'leo
- Sao ra đây làm gì? Kiện đất à (vườn hoa này vốn rất nhiều người ăn nằm ở dề đi khiếu kiện đất nên tôi cũng không lạ lắm)
- Không, cháu đi ra quê chồng. Cháu đi tìm chồng, cô ta trả lời bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ phát âm rất khó nhọc của những người ở sâu trong núi. Cô ta giống như một thứ người rừng lần đầu tiên ra với thế giới văn minh.
Tôi gợi chuyện. Và tôi đã nghe một câu chuyện buồn như trong tiểu thuyết. Cô có người chồng, là cha của con bé mới 16 tháng kia. Tuần trước chồng rủ vợ về quê chồng thăm họ hàng. Chồng bảo vợ mang hết tiền dành dụm đi và khi xuống đến bến xe Nước Ngầm, phía Nam Hà Nội, thằng khốn nạn biến mất cùng với số tiền mà theo lời cô "nó lấy của cháu tiền... là Bốn mươi bảy... cái triệu. Lang thang ở bến xe đợi chồng quay lại suốt "năm cái mặt trời" (5 ngày) mà không thấy nó đâu" cô ra báo với công an gần bến xe. Anh công an trẻ nhờ bà bán nước gần đó cho mẹ con cô ngủ nhờ và giúp điều đình với nhà xe chỉ lấy vé xe mẹ con cô là 500 ngàn thay vì 750 ngàn về tới đường lộ gần nhà. Hai hôm rồi, ban ngày cô bế con đi từ bến xe Nước Ngầm lang thang đi bộ qua những phố Hà Nội để tìm thằng chồng kia, vừa đi "cháu vừa đánh dấu đường". Không có ảnh, không có địa chỉ, chỉ biết thằng chồng tên Quang, cô cứ bế con đi như thế trong túi chả có tiền.
Tôi đưa cho cô 500 ngàn bảo "cầm lấy đi!". Cô ta thảng thốt:
- Sao chú lại cho cháu tiền? Để làm gì?
- Cầm tiền rồi đi về lại bến xe mua vé về nhà đi, không tìm được nó đâu. Ở đây nhiều người lắm, không tìm nổi đâu.
Cô ta sững người nhìn tôi hồi lâu rồi lắp bắp
- Cháu cám ơn, cháu lấy từng này (nhặt tờ 200 ngàn rồi đưa trả lại 300 ngàn). Rồi thò tay móc trong túi quần 1 cái khăn mùi xoa cuộn ít tiền.
- Có mấy cô, mấy chị cho cháu tiền Ba cái trăm rưỡi. Cháu lấy của chú 200 thôi, đủ tiền xe rồi. Mai 6h30 cháu đi về. Đi đến cây xăng Ngọc Hồi, đi tiếp đến cây số 82 rồi cháu đi bộ về buôn, đi 1 ngày rưỡi nữa là về.
Tôi ép cô cầm nốt 300 ngàn kia lấy lý do phải ăn uống thì cô nhất định trả bảo "Cháu nhịn đói được!" - Cầm đi! cháu nhịn được nhưng con bé kia phải ăn. Nói thế cô mới cầm, cứ cúi đầu cám ơn mãi. Một bạn nữ học viên ở lớp cũng cho cô ấy một ít tiền, không rõ bao nhiêu. Mọi người định gọi xe cho cô ta về bến xe nhưng cô ta nhất định "cháu đi bộ để tìm chồng trên đường. Cháu nhớ đường đi bộ về, có đánh dấu rồi mà!". Tôi giục cô đi về kẻo tối, tôi bảo "Đi về đi, từ đây về bến xe xa đấy!". Cô ta nhìn lên ngọn cây, hướng mặt trời và ước lượng góc nắng rồi bảo: "Ồ, bây giờ là 4 giờ, kém mười cái phút là bốn giờ! Cháu đi về bến xe". Thật lạ kỳ, mọi người lúc ấy mới lấy điện thoại lên xem giờ thì đúng là 4h kém 10 thật. Người phụ nữ trẻ bế đứa bé gái nhỏ trên tay đi một đoạn rồi, cả lớp ảnh cũng di chuyển tiếp. Trên đường đi tôi chợt có ý nghĩ "Giá như người phụ nữ trẻ này là một người lừa tiền chuyên nghiệp". Giá như thế thì tôi cũng chỉ mất 500 ngàn và chị học viên mất thêm 1 ít nữa. Giá như câu chuyện kia đừng là sự thật để đừng có một số phận trớ trêu và khổ ải như thế. Nhưng trực giác của tôi mách bảo tôi tin câu chuyện trên thực sự đã xảy ra. Tôi đã đi dọc ngang Tây Nguyên để nhận biết rằng thổ ngữ người Thượng khi nói tiếng Kinh nó vẫn đậm đặc như thế nào. Nước da ấy, cách nói ấy và nhất là ánh mắt ấy khiến ta nghĩ khó thể nào có chuyện khác được. Cái cách cô ta sợ mọi người chụp ảnh không phải "già làng bảo không tốt cho sức khỏe, con ma nó bắt hồn" như cô nói dối mà cô sợ biết đâu người ở buôn của cô biết câu chuyện của cô. Vì cô không hề gọi điện thoại cho người thân thông báo về sự cố kia. Cô sợ, như cô nói với tôi, "Ở buôn mà biết thế này thì cháu không được về buôn, bị đuổi khỏi buôn thôi".
Cầu mong cô sẽ tìm được đường về nhà. Tôi tin thế vì người đàn bà trẻ mạnh mẽ của núi rừng biết xem bóng nắng tính giờ, biết đánh dấu đường quanh co ở Hà Nội chằng chịt để tìm đường về bến xe như cô sẽ không lạc. Và tôi cũng mong cô nghĩ được lý do gì đó hợp lý khi về buôn để nói với già làng, với mọi người để những tập tục khó khăn ở đó không đuổi cô khỏi những người thân quen còn lại.
Không thể tưởng tượng được làm sao lại có thằng đàn ông đốn mạt và dã man như cái thằng người Kinh trong câu chuyện kia- lừa cả vợ cả con để vứt những "người rừng" ra giữa một nơi rộng lớn đầy bất trắc như thế này. Nếu trời có mắt, cuộc sống thực sự có cái gọi là nhân quả thì chắc chắn cái thằng không còn nhân tính ấy cũng chả yên được.
Câu chuyện thật buồn, phải không? Giá như cô ta là một ả lừa đảo thực để tôi khỏi buồn như thế...”. (Trích từ facebook của nhiếp ảnh gia – nhà báo NaSon Nguyen)
Sau khi facebook của NaSon Nguyen đăng tải câu chuyện trên, rất nhiều cư dân mạng đã vào like và bình luận. Nhiều người không cầm nổi nước mắt, thương cảm thay cho người phụ nữ dân tộc bị gã trai người Kinh lừa đảo.
Phuong Phuong Artise xúc động: “Không muốn mà nước mắt cứ trào ra… Tội nghiệp hai mẹ con người dân tộc… Dù khổ nhưng vẫn có lòng tự trọng”. Bạn Nguyen Hoa bày tỏ: “Mong trời phật là có thật và dẫn đường chỉ lối cho hai mẹ con. Con cái nó có tội tình gì, thương quá, nhưng biết sao bây giờ.”
Tuy nhiên, số bình luận khẳng định mẹ con người Ê đê kia chỉ là kẻ lừa đảo nhiều hơn gấp bội phần số bình luận thương cảm. Rất nhiều facebooker comment khẳng định mình đã từng gặp hai mẹ con trong câu chuyện của nhiếp ảnh gia NaSon Nguyen và bị lừa bởi những tình tiết y hệt. Bạn Tú Nguyễn nói: “Chia buồn cùng anh nhé, hai mẹ con nhà Tây Nguyên cùng cốt truyện này vừa kiếm được 1 triệu 8 bên Nguyễn Văn Cừ xong”. Một facebooker khác có tên Tũn Xinh kể lại: "Cách đây một tháng chị ta kể là đi Hà Nội thăm họ hàng. Đến bến xe anh chồng bảo ngồi đây đợi, anh ta đi gọi điện. Đi 2 ngày rồi không thấy đâu. Chị ta bảo không biết leo cây là gì, và bảo anh xe ôm bảo lên chuồng con chim mà tìm, chị ta nói cũng không biết phố chuồng con chim ở đâu. Vẫn một bài 750 ngàn đồng là về đến nhà.” Một bạn khác ở Hải Phòng cũng vào comment xác nhận đã bị lừa bởi người phụ nữ trên: “Anh ơi, em bé trong ảnh này là trai hay gái thế vì tháng trước em cũng gặp người phụ nữ này ở Hải Phòng, bế theo 1 đứa bé trai và em còn cho thằng cu quả ổi mà vẫn là câu chuyện tìm chồng như anh kể”
Thậm chí có bạn còn đăng cả ảnh chụp rõ mặt một người phụ nữ ôm đứa trẻ cũng tự xưng là người dân tộc Ê đê và kể lại câu chuyện cảm động bị chồng bỏ rơi. Kèm với bức ảnh, facebooker này còn đăng thêm comment nghi vấn rằng mình và nhiếp ảnh gia NaSon Nguyen đã bị lừa bởi cùng một người.
Sau hàng loạt comment của cư dân mạng, nhiếp ảnh gia NaSon Nguyen cũng cho rằng mình bị lừa và viết tiếp phần 2 của câu chuyện: “Và tôi bị lừa thật Tôi post tấm ảnh và câu chuyện nhỏ lên mạng và trong vài giờ tôi nhận được kha khá những thông tin về câu chuyện tương tự của chính người đàn bà Ê-đê với đứa con gái nhỏ cũng lang thang đâu đó trong thành phố này và thậm chí Hải Phòng trong vòng vài tháng qua. Lúc cô ta xin tiền, lúc không vì người khác chủ động cho khi nghe câu chuyện như tiểu thuyết nọ. Như thế, đúng là tôi đã bị lừa thật. Cảm giác của tôi thực sự rất nhẹ nhàng, thoải mái khi biết thông tin này vì nó cất gánh nặng từ chiều của tôi về một số phận đầy u ám và khổ ải như thế. Thật may, câu chuyện đó không có, và tôi sẽ không phải lo lắng và thấp thỏm vài ngày nữa để nghĩ xem liệu cô ta và đứa bé có về đến nhà an toàn không? Lần đầu tiên trong đời bị lừa mà lại cảm thấy vui vui. Tôi vui vì câu chuyện đã nhận được rất nhiều chia sẻ cảm thông từ rất rất nhiều bạn bè trên mạng. Thậm chí có người còn nhắn tin hỏi cách tìm cô ta để có thể đi tìm giúp đỡ. Mọi người không hề dửng dưng trước những số phận khốn khó. Chỉ gợn lại đôi chút suy nghĩ thôi, rất nhỏ. Hơi chán nản cái xã hội hiện thời vì lần đầu tiên được chứng kiến một người dân tộc lại biết đi lừa đảo với một khả năng diễn xuất tài tình đến vậy, lần đầu tiên một người dân tộc lại cất công đi xa đến thế để mưu sinh bằng cái công việc dối trá- vốn dĩ như một điều gì đó cấm kị, xa lạ với những người dân tộc thật thà, chất phác và hồn nhiên mình được gặp, được biết trên khắp những vùng cao của đất nước này. Nhưng âu cũng là lẽ thường. Cái thời mạt nên cái gì cũng có thể xảy ra. Chỉ biết chép miệng vậy... Rất mong các bạn share câu chuyện này nhiều nữa để chúng ta khỏi đặt lòng tốt nhầm chỗ và quan trọng hơn chúng ta đỡ bị lừa dối về mặt tình cảm, cảm xúc vốn là thứ khó khăn và hiếm hoi trong cuộc đời này...”. (Trích từ facebook của nhiếp ảnh gia – nhà báo NaSon Nguyen) Nhiều cư dân mạng tỏ ra bức xúc sau khi đọc phần 2 của câu chuyện và tỏ ra ngán ngẩm, buồn rầu khi xã hội có những kẻ lợi dụng lòng tốt và sự thương cảm của người khác để làm việc xấu. Bạn Huong Thanh bình luận: “Thật giả lẫn lộn. Ngán ngẩm cái sự đời!”. Một vài độc giả khác lại thở phào nhẹ nhõm vì câu chuyện quá đau lòng này không có thật. Bạn Ngọc Diệp Võ comment: “Nhẹ lòng khi thấy anh bị lừa.” Câu chuyện trên gây xôn xao trên mạng xã hội và đã được vài fanpage, diễn đàn copy lại đăng lên. Nếu thật sự người phụ nữ này là kẻ lừa đảo, thật đáng buồn khi đâu đó lòng tốt, sự thương cảm, rung động của mọi người đang bị đặt nhầm chỗ!