Cơ sở khoa học nào ư? Đâu quan trọng. Đôi khi sự tin tưởng ấy chỉ đơn giản là thuận theo số đông, thuận theo thứ cảm xúc trước một điều lạ lẫm, ly kì… Ngày tận thế 21/12/2012 cũng nằm trong “niềm tin” thú vị đó.
Nền văn minh biến mất
Từ kiến thức toán học và thiên văn, người Maya đưa ra những “Chu kỳ lịch” (b'ak'tun) và họ tin rằng, mỗi một chu kỳ lịch kết thúc thì một thế giới sẽ biến mất để nhường chỗ cho một thế giới khác. Căn cứ theo lịch Maya thì chúng ta đang sống trong thế giới thứ tư và sẽ “tận số” vào Chu kỳ lịch thứ 13 (ghi trên lịch Maya là 13.0.0.0.0), tức 21/12/2012.
Người Maya còn tồn tại trên thế giới này không? Đó là câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng, vẫn còn một cộng đồng người Maya sinh sống trên cao nguyên Guatemala (Trung Mỹ). Họ còn giữ được nhiều bản sắc, đặc tính tương tự như những gì mà loài người ghi chép lại về nền văn minh Maya. Nhưng có thể khẳng định, người Maya “xịn” còn tồn tại rải rác đâu đó, song văn minh Maya thì đã biến mất từ lâu, ở khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Trước khi bị diệt vong, người Maya đã có những thành tựu chói lọi trong sự phát triển chung của loài người.
Bên cạnh nền văn minh Andes, từ hơn 2000 năm trước, người Maya – bộ tộc thổ dân sống tại khu vực Trung Mỹ (Đông Nam Mexico, Bắc Guatemala và Honduras ngày nay) đã chạm tới những gì được xem là tinh hoa nhất về thiên văn học, tính toán thời gian, kiến trúc, toán học…, đặc biệt là xây dựng nhà nước. Giới khảo cổ xác định, từ khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, người Maya đã lập nên các quốc gia cổ đại riêng biệt, rồi phát triển mạnh mẽ hơn 800 năm trước khi bị diệt vong. Sự tàn khốc của khí hậu, sự xâm lăng của phương Tây đã đặt dấu chấm hết cho văn minh Maya.
Chu trình lịch thứ 13 – kết thúc…
Một trong những tinh hoa của nền văn minh Maya mà xã hội hiện đại còn ghi nhận được đó là thành tựu trong thiên văn, toán học và khả năng tính toán, dự báo theo thời gian rất tài tình. Họ tin tưởng vào chu kỳ tự nhiên của thời gian.
Rất nhiều lĩnh vực của nền văn minh Maya này gắn liền với chu kỳ thời gian mà họ tính toán được. Các thầy pháp Maya có nhiệm vụ phân tích các chu kỳ liên hệ giữa vũ trụ và Trái đất và đưa ra những tiên đoán cho tương lai hoặc cơ sở của quá khứ trên những con số tương quan của tất cả các loại lịch của họ. Về tôn giáo, thần thánh của người Maya không riêng biệt như trong các quan niệm của người Hy Lạp. Thần của người Maya cùng một diện mạo do họ hợp nhất vào với nhau trên mọi nẻo đường mà không có giới hạn. Đó chắc chắn là một thế lực siêu phàm trong quan niệm tín ngưỡng của người Maya. Đặc tính "tốt" và "xấu" không phải là điều cố định trong các thần của Maya, không chỉ có một mặt "tốt" tuyệt đối. Cái nào không thích hợp trong suốt một mùa có thể làm nên một sự bắt đầu chu kỳ mới trong quan niệm của tín ngưỡng Maya và không cố định.
Về toán học, người Maya đã phát triển khái niệm "số 0" vào năm 357, sớm hơn châu Âu khoảng gần 900 năm. Văn bản cổ cho thấy, những người Maya, có nhu cầu công việc cộng vào hàng trăm triệu và số ngày lớn đòi hỏi phải có phương cách chính xác để thực hiện chúng. Kết quả tính toán về thiên văn học theo một không gian và thời gian dài là cực kỳ chính xác, bản đồ về sự vận động của Mặt trăng và các hành tinh là ngang bằng hoặc vượt xa các nền văn minh khác quan sát vũ trụ bằng mắt thường. Họ cũng xác định chính xác độ dài của một năm gồm 365 ngày, thời gian Trái đất quay hết một vòng quanh Mặt trời, chính xác hơn rất nhiều lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó (lịch Gregory).
Hay sự khởi đầu mới?
Năm 1957, nhà thiên văn học và Maya học Maud Worcester Makemson (Mỹ) đã viết: "Sự hoàn tất Chu kỳ thứ 13 mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với người Maya". Năm 1966, một nhà nghiên cứu về Maya khác, Michael D. Coe, cũng nhắc đến trong cuốn The Maya rằng, sự hủy diệt sẽ giáng xuống bất chợt cho những “con người trụy lạc” của thế giới này vào ngày cuối cùng của Chu kỳ lịch 13. Và dựa theo các nghiên cứu trên thì vũ trụ của chúng ta sẽ bị tiêu diệt trong năm 2012 này. Từ những niềm tin mãnh liệt vào một nền văn minh huyền bí cùng những học thuyết mông lung của nhiều chuyên gia, không ít người tin rằng, vào ngày 21/12/2012 định mệnh, ban ngày sẽ kết thúc, bóng đêm bao trùm Trái đất. Loài người không phải bị tiêu diệt mà bước vào một thời kỳ phát triển mới, trở nên khôn ngoan hơn. Song, kết thúc hay khởi đầu mới thì cũng là cơn ác mộng đối với những người đang sống trên Trái đất hiện tại, dù rằng không có cơ sở khoa học nào chứng minh được tính “hủy diệt” của thời khắc này.
Rất nhiều nhà khoa học đã phản bác lại niềm tin quái gở này và khẳng định nó chỉ là hiệu ứng đám đông và hình thành bởi tác động tiêu cực từ giới truyền thông. Học giả về người Maya, Mark Van Stone khẳng định: "Không có bất kỳ điều gì trong lời tiên tri của người Maya, Aztec hay người Trung Mỹ cổ xưa cho rằng có một sự thay đổi bất ngờ hoặc trọng đại nào xảy ra trong năm 2012. Khái niệm về một “Đại Chu Kỳ” sắp kết thúc hoàn toàn là phát minh của người hiện đại". Năm 1990, hai học giả về Maya là Linda Schele và David Freidel đã rút ra kết luận, người Maya "chưa từng thai nghén bất kỳ ý nghĩ nào về ngày tận thế như nhiều người đã giả thuyết." Trong khi đó, một chuyên gia ở Bảo tàng nghệ thuật Châu Mỹ Latinh và khảo cổ học tại Florida (Mỹ) cho biết, họ không có bất kỳ một tài liệu nào cho thấy người Maya từng nghĩ về một ngày chấm dứt thế giới vào năm 2012.
Thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống, nơi thông tin được chia sẻ gần như tức thì, chính là điều kiện thuận lợi nhất để những “niềm tin” vào một ngày diệt vong của loài người bỗng nhiên thành… có cơ sở, dù chẳng biết giải thích thế nào. Nhưng khôi hài ở chỗ, rất nhiều chuyên gia về khảo cổ, nhân chủng học đã tìm đến những nơi được cho là còn sót lại người Maya “gốc” để chứng thực lời tiên tri tận thế, thì kết quả hoàn toàn ngược lại!
Nhà khảo cổ học người Mexico Guillermo Bernal và một bô lão Maya Apolinario Chile Pixtun sống trên cao nguyên Guatemala cùng khẳng định, “Ngày tận thế” là sản phẩm sáng tạo của những người phương Tây giàu trí tưởng tượng mà thôi! Và loài người chúng ta, với trí tuệ siêu việt, đôi lúc cũng muốn bay bổng một chút. Vì thế mà xã hội càng thú vị!