Những người bán kẹo cao su này rất dễ nhận diện với một thanh niên là nam hoặc nữ còn rất trẻ với giọng nói ở khu vực miền Trung kèm thêm một cụ ông hoặc cụ bà với bộ dạng nhìn rất đáng thương ngồi trên xe lăn.
Bộ đôi một già một trẻ thường đi cặp với nhau. Người thanh niên sẽ là người mời chào khách mua kẹo cao su, giúp đỡ người tàn tật chính là cụ ông hoặc cụ bà ngồi trên chiếc xe lăn, với gương mặt nhăn nhó đáng thương đến thảm hại.
Giá mỗi gói kẹo cao su Xylitol nhỏ trên thị trường chỉ chưa đầy 5000 đồng và lọ kẹo cao su cùng loại cũng chưa đến 25.000 đồng nhưng đều được đội giá lên cao gấp nhiều lần khi vào tay “tập đoàn” chuyên bán kẹo cao su dạo ven Hồ Tây. Giá được nhóm bán kẹo cao su giá cắt cổ đưa ra với một gói kẹo cao su nhỏ đã là 15 – 20.000 đồng, lọ kẹo to hơn có giả từ 40 – 60.000 đồng tùy loại.
Những đối tượng này nắm bắt được tâm lý của các cặp tình nhân vốn đứng suốt từ đường Thanh Niên đến đoạn gần chùa Võng Thị nên tha hồ “chặt chém”. Đương nhiên, với nhiều chàng trai muốn không muối mặt với người yêu nên đành phải xì tiền ra mua khi bạn gái có “nhã ý” muốn làm từ thiện. Tuy nhiên, có lẽ nếu biết sự thật về những đối tượng này, không ít người sẽ nổi cơn “thịnh nộ” vì cảm giác bị lừa đảo lòng thương hại một cách trắng trợn.
Đi nhiều đã thành quen, những đối tượng bán kẹo cao su giá cắt cổ ven Hồ Tây đã thành “già bản” còn thường xuyên có mặt tại những quán ốc ven hồ vốn là nơi có nhiều khách ra, khách vào nhất. Nhìn thấy những đối tượng bán kẹo cao su này, nhiều chủ quán ban đầu còn đuổi nhưng lâu dần họ cũng chẳng mấy quan tâm vì đuổi hôm sau những đối tượng này lại vào với bộ mặt “siêu dày”. Hoặc có thể, những chủ ốc ven Hồ Tây cũng giả bộ ngó lơ để cho những đối tượng này kiếm chác chút đỉnh.
Khi trong một đám người vừa vào ăn ốc, những kẻ này có thể nhận diện rất dễ và vào chào mua kẹo cao su ở đúng bàn có khách mới rồi lại rút nhanh như lúc vào để khách cũ không nhận được mặt.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nhóm phóng viên không bắt gặp những cảnh có “nằm mơ” nhiều người cũng không tưởng tượng nổi về những kẻ giả nghèo khổ, lợi dụng lòng thương của xã hội, trục lợi với thu nhập hàng chịu triệu đồng mỗi tháng.
Sau nhiều ngày điều tra, bám đuổi, nhóm phóng viên báo Giáo dục Việt Nam phát hiện, những đối tượng phải ngồi xe lăn, vật vờ khắp đường ven Hồ Tây kiếm chác “tình thương” của người khác lại… hoàn toàn lành lặn. Thậm chí, họ còn rất ranh ma trong việc che giấu, tổ chức hoạt động nhằm tránh bị phát hiện, theo dõi.
"Làm giàu không khó"
“Ca” làm việc của các cặp già trẻ đi bán kẹo cao su thường bắt đầu từ 5 giờ chiều và kết thúc lúc 11 giờ đêm mỗi ngày, bất kể trời rét mướt hay mưa phùn gió bấc. Điều đáng ngạc nhiên là những kẻ bán kẹo cao su giả vờ nghèo khổ này lại “trú ẩn” ở một nơi khá xa so với địa bàn hoạt động.
Đêm đã bắt đầu về khuya, bóng người đi đường cũng đã thưa thớt dần, sau một ngày làm việc, những kẻ bán kẹo cao su quyết định quay về “hang ổ” của mình. Nhóm phóng viên bám theo một "tổ" ngồi xe lăn, lúc này đang phi "như tên" ngược đoạn dốc ở đường Thanh Niên. Người đàn bà ngồi xe lăn mặt tỉnh bơ, ôm rịt hộp đựng kẹo, gương mặt lơ đễnh nhìn dòng người đang trôi qua vùn vụt.
Sau gần 30 phút, gã thanh niên và bà cụ già lẩn rất nhanh vào một ngõ tối quanh co không người qua lại và chui vào một căn nhà hai tầng khang trang kín cổng cao tường trong ngách 32/15 Khu tập thể Đoàn xe 312 phố An Dương.
Căn nhà này được che đậy rất kín đáo như chính sự bí ẩn của “tập đoàn” người chuyên đi "kinh doanh" tình thương. Tuy nhiên, có lẽ do cho rằng về đêm chẳng ai để ý nên nhóm người này vẫn oang oang nói chuyện: kẻ thì hớn hở khoe rằng mỗi người kiếm được 300 – 500 nghìn đồng nhờ… bán kẹo. Kẻ thì đượm buồn thống kê được 300 nghìn đồng kèm theo lời dè bỉu về đám thanh niên thời nay vô tình, không biết... thương người tàn tật.
Thi thoảng, từng tràng cười hô hố lại vang xa khi một kẻ trong nhóm kể về một thanh niên phải bấm bụng trả tiền để chiều lòng bạn gái.
Mất nhiều ngày tiếp theo để quan sát hành tung của những kẻ lừa đảo kia, nhóm phóng viên càng choáng váng hơn khi phát hiện trong căn nhà trên có tới 4 người già chuyên đi bán kẹo cùng nhóm thanh niên. Trong đó có ba cụ bà và một cụ ông chuyên “giả què” ngồi xe lăn đi bán kẹo cao su dạo.
Chuyên nghiệp đến mức, để tránh bị hàng xóm và chính quyền cơ sở phát hiện, nhóm người này tổ chức cất xe lăn ở một địa điểm khác gần khu nhà ở. Ban ngày căn nhà số 62 trong con hẻm nhỏ đó vẫn đóng im ỉm. Mọi người ra vào đều cửa đóng then cài rất cẩn thận. Chỉ đến sát giờ đi “hành nghề”, các đối tượng này mới lục tục đi lấy xe lăn về.
Sự ranh ma còn thể hiện rõ rệt hơn: những gã thanh niên trẻ tuổi sẽ đưa xe lăn ra trước rúc vào một con hẻm nhỏ đối diện cửa nhà chờ sẵn. Sau đó những người già kia sẽ đi từ nhà vác theo giỏ đựng kẹo cao su lững thững bước ra sau, nhảy tót lên chiếc xe lăn đã chờ sẵn.
“Tập đoàn” bán kẹo cao su dạo chuyên đi lừa phỉnh lòng thương của nhiều người này còn sắm được mỗi người một chiếc xe máy còn mới cứng để tiện di chuyển khi không đi làm.
Với những hình ảnh nhóm phóng viên ghi nhận được suốt chặng đường lừa phỉnh lòng thương hại của nhiều người để bán kẹo cao su với giá “trên trời” của nhóm người cả già cả trẻ lên đến cả chục người vẫn “tung hoành” mỗi buổi chiều ở ven Hồ Tây, chắc chắn sẽ có nhiều người giật mình khi lòng tốt của mình thực chất đã bị những kẻ sức dài vai rộng lợi dụng mà không hề hay biết (!?)