Tân Hoa xã tuần trước dẫn thông báo của cảnh sát thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) cho hay họ vừa giải cứu 18 công nhân thoát khỏi một ổ lao động “đen” ở địa phương. Vụ việc bị cáo giác từ tháng 2 nhưng đến nay mới được thông báo, do nhà chức trách giữ bí mật khi điều tra.
Theo đó, ngày 17/2, một tài xế taxi đến đồn cảnh sát trình báo ông thấy 3 người bị một nhóm xã hội đen dùng dao khống chế, đánh đập và ép đưa lên xe chở đi. Từ cáo giác này, cảnh sát tiến hành điều tra và phá tan 2 tập đoàn xã hội đen chuyên lừa đảo, cưỡng bức nông dân đưa đến các điểm lao động chui. Qua đó, chính quyền cứu thoát được những lao động trên đang bị nhốt trong điểm tập kết chuẩn bị đưa đi. Những phòng giam rộng chưa đến 10m2 nhưng chứa đến 13 người mỗi phòng. Cảnh sát cũng bắt giữ 8 nghi can cầm đầu đường dây này. Vụ án một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cưỡng bức lao động tại Trung Quốc và nhân trường hợp này, báo chí đồng loạt đăng tải nhiều vụ việc kinh hoàng khác.
Hơn cả địa ngục Theo Tân Hoa xã, cảnh sát thừa nhận tình trạng bắt ép lao động làm việc không công đang tăng lên. Bọn tội phạm dụ dỗ nông dân, người vô gia cư đi làm việc với lời hứa sẽ được hưởng lương 100 nhân dân tệ (hơn 330.000 đồng) mỗi ngày và bao ăn ở. Sau đó, chúng đưa họ đến những hang ổ lao động “đen” để bắt làm việc không công. Dã man hơn, nhiều nạn nhân là người mang bệnh tâm thần bị bắt làm việc 20 giờ mỗi ngày, bất kể thời tiết lạnh thấu xương và phải ăn đồ ôi thiu. Nhiều nạn nhân bị đánh đập thường xuyên, ép ăn phân khi làm trái ý chủ. Có người thiệt mạng trong quá trình làm việc rồi bị chủ lao động lén lút mang đi chôn.
Không những thế, bọn tội phạm này còn được tiếp tay bởi những người quản lý các trung tâm bảo trợ xã hội. Báo Hà Bắc đăng vụ xét xử hai vợ chồng Lý Hưng Lâm và Lý Vân Hoa, chủ xưởng hóa chất - vật liệu xây dựng tại huyện Thác Khắc Tốn, Khu tự trị Tân Cương. Hai người này lần lượt bị tuyên án 54 và 24 tháng tù giam cùng khoản tiền phạt 100.000 nhân dân tệ vì cưỡng bức 18 lao động suốt 4 năm. Trong số đó, 12 nạn nhân là người tâm thần, già yếu do cặp vợ chồng họ Lý mua từ Trung tâm thu nhận ăn xin và Đội người tàn tật tự cường ở huyện Cừ, tỉnh Tứ Xuyên. Người quản lý trung tâm trên đã trực tiếp ký hợp đồng bàn giao họ cho vợ chồng họ Lý dưới hình thức “bảo trợ từ thiện, tạo công ăn việc làm”. Thực tế, các nạn nhân “được bảo trợ” bằng cách bị bắt làm việc quần quật, bị đánh đập và thậm chí phải ăn chung đồ ăn với chó dưới sự canh gác của đích thân Lý Vân Hoa. Dư luận hết sức bàng hoàng trước những hình ảnh do phóng viên báo Beijing News xâm nhập vào cơ sở trên chụp được. Cảnh sát cũng không tha Nhân Dân nhật báo đăng trường hợp một nạn nhân tên Liễu Chí Bân ở tỉnh Sơn Đông, vốn là một cảnh sát với 6 năm trong ngành. Liễu kể lại rằng bọn tội phạm đã đánh ông bất tỉnh ngay trên phố rồi bắt trói chở đến tỉnh Sơn Tây. Tại đây, ông phải trải qua 14 tháng làm việc ở một mỏ than dưới lòng đất. Sau thời gian dài tìm cách lấy lòng tay gác cổng, Liễu được giao nhiệm vụ đi lấy nước bên ngoài. Nhân cơ hội này, ông bỏ trốn thành công cùng một nạn nhân tên Hồ Thụ Bằng. Liễu cho nhà chức trách hay 34 lao động khác vẫn bị nhốt tại khu mỏ trên nhưng cả ông lẫn Hồ Thụ Bằng đều không nhớ nổi vị trí đi đến đó. Tới nay, cảnh sát vẫn đang điều tra vụ án này. Chính quyền thừa nhận vì nhiều lý do khác nhau, người ta không thể tìm được rất nhiều nạn nhân khác đang bị giam giữ trong các ổ lao động đen.