TIN TỨC » Tin trong ngày

Theo nghề 'xui xẻo' là làm mẫu cho... đồ khâm liệm, cô gái trẻ bị bạn bè xa lánh nhưng phía sau là câu chuyện đầy ấm áp

Thứ tư, 30/12/2020 14:36

Làm công việc bị xem là không may mắn, cô gái sinh năm 1995 vẫn tự tin với lựa chọn của mình bởi cô biết công việc này có rất nhiều ý nghĩa.

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây là một nghề có thật, tuy nhiên vẫn còn xa lạ đối với nhiều người, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Nhiều người khi nghe nhắc đến nghề này đều tỏ thái độ vô cùng kỳ lạ, có lẽ họ sợ!

Nhậm Trại Nam là cô gái dũng cảm vượt qua mọi lời bàn tán, dị nghị, thậm chí cãi luôn lời của mẹ để quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp của mình. Nhậm Trại Nam cho biết, khi mẹ cô biết cô làm nghề này, bà đã kêu cô nghỉ việc. Nhưng cô gái sinh năm 1995 đã nói rằng, ít nhất trên đời này phải có người đứng lên làm điều gì đó cho người đã khuất.

Nhậm Trại Nam livestream bán đồ khâm liệm

Đối với nhiều người, việc mặc một bộ đồ khâm liệm là điều tối kỵ. Và Nhậm Trại Nam đã làm điều tối kỵ ấy. Cô cho biết: “Ai cũng muốn mình thật trang trọng trong những giây phút trang trọng. Và người đã khuất cũng thế. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, người sống hay người đã khuất cũng đều như nhau”.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học, Nhậm Trại Nam vào làm việc tại một cửa hàng chuyên may đồ tang lễ và được bán trên Taobao. Lúc nhận được lời mời của cửa hàng này, cô có chút do dự, nhưng bạn trai cũng an ủi cô, anh cũng nói nhiều điều triết lý, sau đó cô đã xuôi theo.

Nhậm Trại Nam được thuyết phục để làm người mẫu

Nhậm Trại Nam nói rằng, ban đầu cô không dám nhìn bản thân mình. Cô nói: “Thiếu nữ mặc bộ đồ này chẳng phải là sẽ xui xẻo sao?”. Và điều khiến cô thực sự thay đổi chính là câu chuyện trải lòng từ những người xa lạ.

Nhậm Trại Nam nhớ lại, có một cặp vợ chồng già khoảng 60 tuổi đã đến cửa hàng của cô để tham khảo ý kiến mà muốn mua đồ khâm liệm cho một người trẻ tuổi.

Hóa ra con gái 29 tuổi của họ không may mắc phải căn bệnh ung thư và tình trạng sức khỏe ngày càng trầm trọng. “Tôi muốn con gái mặc một chiếc váy trẻ trung hơn”, cặp đôi già chia sẻ. Cuối cùng, họ đã chọn được một bộ đồ khâm liệm đúng ý.

Câu chuyện tưởng chừng kết thúc ở đó, nhưng cho đến một ngày, Trại Nam nhận được một bức ảnh khiến cô vô cùng xúc động. Trong ảnh là một cô gái trẻ có vẻ ngoài phờ phạc, mặc bộ đồ khâm liệm đứng ở hành lang và cười hiền trước ống kính.

Đôi vợ chồng già đã gửi bức ảnh con gái mình mặc đồ khâm liệm do Trại Nam chọn và gửi đến cô lời cảm ơn: “Cám ơn cô vì bộ đồ này, con gái ta rất thích. Dù buồn nhưng chúng tôi cũng được an ủi đôi chút”.

Chưa hết, một đêm nọ, có vị khách ở ngoại tỉnh đã gọi điện thoại cho Trại Nam và nói: “Cô có thể giao hàng nhanh hơn không?”. Hóa ra, vị khách này đã đặt đồ thời gian trước nhưng hàng chưa kịp gửi đến thì người thân đã qua đời.

Ở đầu dây bên kia, vị khách đã khóc: “Mẹ tôi rất thích chiếc áo này”. Sáng sớm hôm sau, Trại Nam đã gọi điện cho bên chuyển hàng nhanh, và phối hợp giao nhanh trong ngày. Vài ngày sau, cô nhận được cuộc gọi cảm ơn của vị khách kia. “Ngoại trừ lời cảm ơn, họ không còn nói gì với tôi nữa. Tuy vậy nhưng lời cảm ơn này đã khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp”.

Trong suy nghĩ của nhiều người, ma chay và chết chóc và những từ cấm kỵ. Là một người mẫu mặc đồ khâm liệm, Trại Nam không tránh khỏi cái nhìn kỳ lạ từ người đời. “Có một lần đi họp mặt bạn học, khi họ biết tôi là người mẫu mặc đồ khâm liệm, họ đã không dám nhìn tôi thêm một lần nào nữa”.

May mắn thay, trong những năm qua, Trại Nam nhận được nhiều lời động viên của cộng đồng mạng đã khiến cô an ủi phần nào. “Tôi đã đăng ảnh mặc đồ của cửa hàng lên trang web, bao gồm livestream để bán hàng. Nhưng đa số đều nhận được bình luận tích cực, không có bất kỳ nhận xét xúc phạm nào” - cô chia sẻ.

Những thông điệp từ việc tư vấn dịch vụ khách hàng và việc đánh giá sản phẩm từ họ giúp cô cảm thấy nghề nghiệp này có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Theo quan điểm của Nhậm Trại Nam, ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, và nghề này không đáng sợ như mọi người nghĩ.

Cư dân mạng cũng tỏ ra khích lệ cô gái trẻ: "Cô ấy thật mạnh mẽ khi theo đuổi điều mình tin là đúng đắn", "Tôi thấy rất ngưỡng mộ cô ấy", "Tại sao cô ấy lại bị kỳ thị, đây chỉ là công việc thôi mà, những bộ đồ này nếu không nói thì tôi cũng không biết là đồ khâm liệm nữa"...

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ rằng có lẽ giờ đây cần phải thay đổi tư tưởng và cách giáo dục liên quan đến tình dục và cái chết. Đây là hai vấn đề thường bị lảng tránh, kiêng kỵ nhắc tới, nhưng cũng là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Nếu không cởi mở hơn thì rất có thể thế hệ sau này cũng sẽ có tư duy bảo thủ như hiện tại, kỳ thị những điều vốn dĩ nên được xem là bình thường.

Minh Tâm (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới