Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 14h ngày 4/88, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 4 người thiệt mạng bao gồm: Anh Thao Văn Súa (Trưởng công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát); anh Vàng A Lâu (trưởng một bản ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa); bà Trần Thị Tư (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn); cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi), trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng, tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, có 13 người bị mất tích ở Thanh Hóa.
Bản Na Sá, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn Thanh Hóa tan hoang sau trận lũ ống, lũ quét.
Tại Thanh Hoá, sau nhiều cố gắng, đến trưa ngày 4/8, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiếp cận được bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tìm kiếm cứu nạn và tiếp tế lương thực cho người dân trong bản.
Hiện gạo, mì tôm, nước sạch đã được chuyển vào bản Sa Ná giúp bà con không bị đói, khát. Có 75 hộ với trên 300 người trong bản Sa Ná vẫn ổn định cuộc sống. 5 người bị thương đang được các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn chữa trị, chăm sóc. Trong đó em Nguyễn Minh Lâm (sinh năm 2004), bị đa chấn thương đã được lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa đã dùng ca nô vượt 3 km sông Luồng đưa ra ngoài để điều trị.
Lũ ông, lũ quét tàn phá huyện Mường Lát.
Sáng cùng ngày, lực lượng viễn thông Viettel cũng đã nối lại được liên lạc với bản Sa Ná giúp công tác tìm kiếm cứu nạn gặp thuận lợi hơn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã tiếp cận được bản Son và bản Ché Lầu của xã Na Mèo để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tiếp tế lương thực.
Hiện có 500 cán bộ chiến sỹ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trong đó có gần 390 cán bộ, chiến sỹ là lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cùng với lực lượng các ban, ngành, đoàn thể địa phương và người dân chia thành 3 mũi phối hợp tìm kiếm dọc 2 bên sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn và xã Na Mèo (Quan Sơn). Các mũi được chia làm nhiều nhánh, tổ để tìm kiếm. Trên địa bàn huyện Quan Sơn hiện nay nước sông chảy xiết, địa hình nhiều nơi bị chia cắt do mưa lũ nên việc tìm kiếm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thi thể bà Trần Thị Tư (76 tuổi) được đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở tại Bắc Kạn.
Tính đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng mới tìm kiếm được 7 người đưa vào bờ an toàn và đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Quan Sơn và xã Na Mèo. Hiện 12 người ở bản Sa Ná xã Na Mèo và bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy vẫn chưa được tìm thấy.
Tại tỉnh Bắc Kạn, khoảng 12h15 ngày 3/8, trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác (xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới) đã xảy ra một vụ lở đá làm chết 1 người đang đi trên đường.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa lớn từ đêm 2/8 đến sáng 3/8. Mưa lớn khiến đất ngấm no nước, sạt trượt khiến nhiều tảng đá với với khối lượng ước tính khoảng 500m3 đã lăn xuống tại khu vực km142 +700 thuộc địa phận thôn Bản Giác.
Khi đá lở rơi xuống Quốc lộ 3 đã va vào xe máy của 2 người đang đi trên đường là bà Trần Thị Tư (sinh năm 1943) và người cháu ruột là Trần Kim Tuấn (sinh năm 2002), cùng trú ở thôn Tân Khang, xã Hòa Mục.
Hậu quả, bà Trần Thị Tư bị đá vùi lấp dẫn tới tử vong; em Trần Kim Tuấn bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Chợ Mới. Tuyến Quốc lộ 3 bị ách tắc cục bộ, giao thông tê liệt.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã có mặt, khẩn trương tìm cách đưa thi thể bà Trần Thị Tư ra khỏi đống đất, đá; huy động phương tiện, máy móc thông đường.
Tại tỉnh Điện Biên, sau khi nhận được thông tin có 2 người bị chết và mất tích tại huyện Điện Biên Đông, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã huy động lực lượng, cử cán bộ tới hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các nạn nhân.
Đến 6 giờ ngày 4/8, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy thi thể cháu Lò Văn Nghị trên suối Lư (cách nơi bị cuốn trôi hơn 3 km); còn cháu Lò Văn Thuận vẫn chưa tìm thấy. Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên Đông vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị mất tích, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 4/8 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục đối mặt với mưa vừa đến mưa to, đặc biệt là khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An mưa từ 50-100mm/24 giờ.
Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, chiều 4/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão tập trung giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Tại địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử thêm 1 đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trực tiếp đến tận huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.
Trước đó, chiều 3/8, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, tỉnh, thành phố tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét… để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng được yêu cầu phải chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại Thanh Hóa…